Đồng thời, cũng trong ngày hôm nay, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/3/2022 miễn thị thực cho công dân các nước.
Du lịch than khó nếu chỉ miễn thị thực 15 ngày
Cụ thể, Chính phủ quyết nghị miễn thị thực cho công dân các nước: Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Italia, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Thụy Điển, Vương quốc Na Uy, Cộng hòa Phần Lan và Cộng hòa Belarus khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Theo ý kiến của các chuyên gia, việc chỉ cấp 13 nước được miễn thị thực là con số quá nhỏ nếu so với những đối thủ cạnh tranh về du lịch trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia... |
Theo đó, chính sách miễn thị thực khi nhập cảnh Việt Nam cho công dân các nước nêu trên được thực hiện trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày 15/3 đến hết ngày 14/3/2025 và sẽ được xem xét gia hạn theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Có thể nói, thông báo mới từ Chính phủ là tín hiệu mừng cho du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, số ngày lưu trú quá ít cho du khách là điều khiến các doanh nghiệp lữ hành còn… “lăn tăn”.
Theo ý kiến của các chuyên gia, việc chỉ cấp 13 nước được miễn thị thực là con số quá nhỏ nếu so với những đối thủ cạnh tranh về du lịch trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia...
Theo Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), Thái Lan miễn thị thực du lịch cho công dân của 64 quốc gia và vùng lãnh thổ, Indonesia là 70 quốc gia, Philippines 157 quốc gia). Các nước này đều áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương 30 ngày để thu hút thêm khách du lịch quốc tế.
“Việc ban hành chính sách thuận lợi về thị thực nhập cảnh làm tăng lượng khách du lịch quốc tế từ 5-25% mỗi năm”, đại diện TAB nói.
Khảo sát gần đây của các quốc gia châu Âu cho thấy, sau khi các hạn chế đi lại được dỡ bỏ, nhu cầu đi du lịch đường dài của khách du lịch Anh, Pháp, Đức thường trên 15 ngày tại một quốc gia điểm đến.
Trong khi đó, mức chi tiêu bình quân trên đầu người của khách du lịch Tây Âu tại Việt Nam là khoảng 1.200-1.400 USD, cao hơn nhiều so với mức chi tiêu bình quân của khách du lịch từ các thị trường gần là khoảng 700-1.000 USD.
Theo các doanh nghiệp lữ hành, tâm lý khách châu Âu thường có xu hướng du lịch dài ngày (khoảng 3 tuần đến 1 tháng). Rõ ràng, việc giới hạn thời gian 15 ngày thực sự khiến họ phải cân nhắc việc đi du lịch Việt Nam.
"Khách du lịch ở càng lâu, chi tiêu càng nhiều, càng có lợi. Như thế này sẽ rất khó để cạnh tranh", CEO một công ty du lịch nói.
Khó mang lại nguồn khách lớn ngay lập tức
Trước đó, ngày 14/3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gửi công văn yêu cầu Bộ Y tế sửa đổi quy định theo tinh thần "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19". Tuy nhiên, theo tìm hiểu của VnBusiness, sáng 15/3 Bộ Y tế đã gửi văn bản khẩn và đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 gửi ý kiến đóng góp bằng văn bản qua thư điện tử trước 17h cùng ngày để tổng hợp ban hành sớm theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.
Văn bản cho biết dự thảo hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh (trong đó bao gồm cả khách du lịch) được Bộ Y tế xây dựng theo tinh thần "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19".
Hiện Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cho biết, cơ quan này đang chờ đợi hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh được Bộ Y tế ban hành chính thức để có thể ban hành phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.
Hiện nay, các nước trong khu vực đã mở cửa trước chúng ta, họ đang thu hút mạnh lượng khách du lịch trở lại sau thời gian dài không thể “bay”, các nước cũng có nhiều chính sách thông thoáng về xét nghiệm Covid-19 và chính sách visa.
Chưa kể, khi Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng Nga và Hàn Quốc sẽ là những thị trường tiềm năng nhất, bởi công dân của 2 quốc gia này khi đến Việt Nam cũng được miễn thị thực từ ngày 15/3. Tuy nhiên, một đơn vị đón khách Nga hàng đầu hiện nay cho biết nhiều khả năng phải tạm dừng khai thác thị trường Nga đến Việt Nam trong tháng 3, do hoạt động hàng không tại Nga đang bị gián đoạn.
Với thị trường Hàn Quốc, vấn đề còn vướng mắc trong việc đón khách Hàn Quốc là chính sách thị thực (visa) cho nhân viên điều hành tour vào Việt Nam chưa được phục hồi như trước đại dịch Covid-19. Các đoàn khách Hàn Quốc vào Việt Nam đa số cần tour leader (trưởng đoàn, người Hàn Quốc), tuy nhiên đối tượng này chưa thể xin loại thị thực vào Việt Nam sao cho phù hợp với đặc thù phục vụ khách Hàn Quốc, gây khó khăn và tốn kém cho doanh nghiệp. Do vướng mắc này, lượng khách Hàn Quốc đến Việt Nam sẽ bị hạn chế, chỉ một số lượng nhỏ du khách đi tự túc và nhóm ít người.
Việt Nam đang chậm hơn các nước trong câu chuyện này, trong khi đó vẫn có những “rào cản” cho khách quốc tế đến du lịch trong vấn đề về y tế và chính sách Visa. Điều này có thể sẽ làm mất cơ hội phục hồi sớm đối với ngành du lịch.
Trà My