Chiều ngày 24/1, tại hội thảo "Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế", ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết, gần 2 tháng “mở cửa” du lịch, Việt Nam đón khoảng 9.000 lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay, một số chương trình thí điểm gặp khó khăn như: Chính sách nhập cảnh vẫn còn phức tạp khiến giảm sức thu hút; Chưa đón khách du lịch bằng đường bộ và đường biển. Đồng thời, các doanh nghiệp lữ hành có thể tổ chức du lịch ra nước ngoài nhưng vẫn gặp khó khăn vì hộ chiếu vaccine của Việt Nam chưa được công nhận ở nhiều nước.
Theo kế hoạch của Bộ VHTT&DL đề xuất từ nay tới 30/4 tiếp tục thí điểm giai đoạn 2 (thực hiện triển khai để khách tham gia du lịch trọn gói và có thể du lịch tại một số địa phương khác. Sau khi du khách hoàn thành du lịch trọn gói 7 ngày thì có thể hòa nhập cộng đồng, du lịch tại những địa điểm bổ sung). Kể từ ngày 1/5, mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế, đưa khách đi du lịch qua các cửa khẩu.
Việt Nam đã đủ điều kiện để sớm mở cửa du lịch quốc tế, phục hồi kinh tế. |
Theo nhận định của ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, việc mở cửa du lịch là vấn đề sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam. "Chúng ta phải có nhiều biện pháp thúc đẩy du lịch, khách du lịch mới đến Việt Nam", ông Bình nói.
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, chương trình thí điểm mở cửa du lịch giai đoạn 1 vừa qua thành công nhưng chưa triệt để, truyền thông cần đánh giá đúng mức độ dịch tại Việt Nam và quan trọng nhất là thái độ phòng chống dịch của người dân. Từ đó, ông Bình cũng nhấn mạnh cần mở cửa du lịch, không cần thí điểm.
Đồng tình, ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) khẳng định: “Thật vô lý nếu chúng ta không mở du lịch hoàn toàn". Đồng thời cho rằng, việc mở hay không mở cửa đón khách du lịch quốc tế thì tình hình dịch trong nước vẫn thế. Bản chất vấn đề dịch là tiêm vaccine và các biện pháp giãn cách cần thiết. Đơn cử như việc thí điểm đón 9.000 khách du lịch 2 tháng qua cho thấy, việc mở cửa du lịch quốc tế cũng không ảnh hưởng gì đến tình hình dịch trong nước.
Ngoài ra, ông Bình cũng cho biết, nếu không mở cửa du lịch quốc tế thì đi ngược lại chính sách của Chính phủ - mong muốn phục hồi kinh tế. Điều này có thể ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hơn 2,5 triệu lao động, tác động đến nhiều ngành kinh tế khác, khiến Việt Nam tự đánh mất cơ hội. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp đã vượt ngưỡng chịu đựng.
"Vậy chúng ta phải mở thế nào? Việt Nam hãy mở cửa theo thông lệ quốc tế, như nhiều nước trên thế giới. Hãy mở cửa vì quyền lợi của người dân, vì tương lai của đất nước", Trưởng ban IV kết luận.
Tuy nhiên, để mở cửa du lịch hoàn toàn, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần gỡ bỏ hoàn toàn các rào cản đang tồn tại hiện nay. Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) chia sẻ vấn đề khó nhất khi phát triển du lịch nội địa và quốc tế là thống nhất quy định từ trung ương, thành phố tới địa phương: từ quy định xét nghiệm; tiêm vaccine; thời gian, quy trình cách ly...
Tiếp theo, các quy định dành cho doanh nghiệp du lịch đang quá khắt khe và cần được bãi bỏ. Ngoài ra, điều kiện du lịch khó khăn như: thị thực, hạn chế di chuyển trong 7 ngày... Ông Kiên đưa ra đề xuất là không nên cách ly, các điều kiện phức tạp cũng nên được lược bỏ, không cần bảo hiểm.
Theo ông Kiên, hiện là thời điểm tốt nhất để mở cửa du lịch, do đó, ông ủng hộ mạnh mẽ nên mở cửa lại càng sớm càng tốt. Chủ tịch TAB cũng mong muốn người dân được thoải mái đi các chuyến bay thương mại mà không cần phải đáp ứng nhiều quy định đặt ra. Cuối cùng, các quy định cho doanh nghiệp cũng cần mở rộng hơn, chỉ cần doanh nghiệp có giấy phép du lịch, lữ hành. Điều này mang lại "hơi thở sống" cho ngành du lịch.
Đại diện Sở Du lịch Kiên Giang cho rằng: “Thời gian tới, cần có chỉ đạo thống nhất về nhập cảnh du lịch, Bộ Y tế nên ban hành biểu mẫu khi mở cửa đón khách quốc tế”. Trong khi đó, đại diện tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh dự kiến đón khách quốc tế vào 30/4. Theo đó, đề xuất Bộ VHTT&DL xây dựng sớm lộ trình hiệu quả, an toàn đón khách du lịch trở lại; sớm ban hành hướng dẫn mới thí điểm đón khách du lịch, cần có quy định thống nhất cho các địa phương; sớm mở lại đường bay quốc tế; sớm thống nhất công nhận hộ chiếu vaccine; sớm miễn thị thực.
Trong khi đó, ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ việc mở cửa du lịch quốc tế luôn từ đầu tháng 2/2022. Tuy nhiên, băn khoăn của vị đại diện ngành hàng không này là hiện nay, một vấn đề vướng mắc với chuyến bay quốc tế thường lệ và các chuyến bay khác là ngoài chứng nhận xét nghiệm âm tính PCR, trước và sau khi xuống khỏi tàu bay, du khách còn phải thực hiện test nhanh. Vấn đề này đang gây ùn tắc gây khó khăn cho khách du lịch.
Thanh Hoa