Vài năm trước, một chuyên gia trong ngành hàng cà phê từng cảnh báo sàn giao dịch cà phê Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) hoạt động như một nhà môi giới trung gian với giao dịch trực tiếp, liên thông đến các sàn giao dịch lớn ở London (Anh), Chicago Mercantile Exchange (Mỹ) chứ không phải như một sàn giao dịch cà phê đúng nghĩa thì sẽ khó tồn tại lâu dài.
Đã có cảnh báo trước
Lời cảnh báo này đã thành sự thật. Đến tháng 10/2018, sau 10 năm hoạt động không hiệu quả, lỗ lã, số lượng người tham gia giao dịch quá ít ỏi, chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã chính thức “khai tử” sàn giao dịch cà phê này.
Không những thế, UBND tỉnh Đắk Lắk mới đây còn có quyết định bán đấu giá “khu đất vàng” rộng hơn 5ha ở sàn giao dịch bị bỏ hoang nhiều năm nay nằm trên tuyến đường trung tâm vào Tp.Buôn Mê Thuột, với mục đích làm khu đô thị.
Như vậy, có thể thấy, mục tiêu gia tăng giá trị cho người nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên – “vựa cà phê” của cả nước, thông qua sàn giao dịch cà phê Buôn Mê Thuột xem như thất bại.
Sàn giao dịch này hội đủ nhiều điều kiện cơ bản: được đặt ở vị trí khá thuận lợi, được ví như “khu đất vàng” của Tây Nguyên, nằm ngay trong vùng sản xuất cà phê, có 5 nhà kho và 1 xưởng chế biến, kể cả áp dụng các hạ tầng công nghệ hiện đại… Thế nhưng suốt nhiều năm, lượng cà phê giao dịch của sàn vẫn lèo tèo, chiếm một tỷ lệ rất thấp so với tổng sản lượng cà phê của Đắk Lắk và vùng Tây Nguyên.
Thực tế, không riêng gì tình trạng “chết yểu” của sàn giao dịch cà phê Buôn Mê Thuột, nhiều năm trước đó đã có một số sàn giao dịch nông sản khác từng rơi vào cảnh tương tự.
Các sàn giao dịch này phải đóng cửa và tạm ngừng giao dịch dù có ngân hàng hỗ trợ, bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm, kho chứa hàng, cảng và nhiều công trình phụ trợ khác.
Cách đây khoảng một năm, Nghị định 51 của Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 158 về hoạt động mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá có hiệu lực.
Động thái này được cho là “cởi trói” về mặt khung pháp lý cho các sàn giao dịch nông sản để tăng giá trị nông sản, khi cho phép hàng hóa Việt Nam (trong đó có nông sản) được giao dịch quốc tế. Tuy nhiên, so với tình cảnh èo uột trước đây thì tính hiệu quả của những sàn giao dịch nông sản trong tương lai vẫn còn chờ thời gian trả lời.
Nhìn từ câu chuyện “khai tử” của sàn giao dịch cà phê Buôn Mê Thuột và liên hệ chung đến tình hình kinh doanh nông sản, giới phân tích lưu ý các sàn giao dịch nông sản nếu muốn tồn tại lâu dài thì hoạt động phải đúng nghĩa, chứ không chỉ ở vai trò môi giới trung gian. Tức là cần phải tạo ra luồng bán hàng nông sản từ người nông dân đi tới tay của các nhà xuất khẩu trong nước trước khi bán cho nhà thu mua ở nước ngoài.
Sàn giao dịch cà phê cần hoạt động đúng nghĩa |
Chờ hợp đồng nông sản
Một sàn giao dịch nông sản thực chất phải là nơi giới thiệu, trao đổi, mua bán giao dịch, cơ sở dịch vụ làm, gửi và giao hàng nông sản cho cả bên mua lẫn bên bán theo yêu cầu với giá thỏa thuận, tránh bất lợi về giá cho nông dân.
Mặt khác, sàn giao dịch cần có những phương thức giao dịch tiện lợi. Trong khi đó, với phương thức, quy tắc giao dịch quá phức tạp của sàn giao dịch cà phê Buôn Mê Thuột, người sản xuất cà phê ở Tây Nguyên có cảm giác xa lạ nên họ ngại tham gia.
Đặc biệt là khi người sản xuất cà phê Tây Nguyên đã quá quen thuộc với hình thức mua bán cà phê truyền thống, đơn giản và tiện lợi, kể cả khi họ không có hợp đồng nông sản. Nếu thấy được giá và muốn bán hàng, họ chỉ cần ngồi nhà gọi điện thoại đến các đầu mối thu mua là giao dịch đã thành công, thậm chí tiền có thể được tạm ứng trước bất cứ lúc nào.
Trong khi chờ đợi sức bật trở lại của sàn giao dịch nông sản sau Nghị định 51, hợp đồng nông sản của người nông dân vẫn là điều cần được ưu tiên trong bối cảnh hiện nay. Đó là cách tiếp cận dựa trên giao dịch để tăng điều phối trong chuỗi giá trị nông nghiệp.
Theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu hoạt động tốt, hợp đồng nông sản có thể bảo đảm sự ổn định cho người mua về chất lượng, khối lượng, từ đó đáp ứng tốt hơn về nguồn cung và yêu cầu của khách hàng, cũng như giảm rủi ro, chi phí hoạt động.
Nhà nước cũng cần khuyến khích mô hình hợp đồng bằng cách hỗ trợ tương tác, môi giới quan hệ giữa các đối tác tiềm năng, xây dựng hành lang pháp lý về hợp đồng nông sản, có chính sách ưu đãi, nâng cao năng lực chuyên môn và thể chế, tuyên truyền cho các bên về những lợi ích và rủi ro liên quan.
Tuy vậy, theo lưu ý của WB, Nhà nước cũng nên có những bước đi thận trọng. Một số chương trình bao tiêu cũng đã thất bại. Nguyên nhân là bởi những tác nhân môi giới trong khối nhà nước hay phi lợi nhuận tỏ ra nóng vội, đi trước các tác nhân trong chuỗi giá trị nhằm đẩy nhanh việc ký kết thỏa thuận không phù hợp với năng lực, mục tiêu, lựa chọn rủi ro hay mức độ tin cậy; hoặc họ đã đặt các mục tiêu về phát triển lên trên sự sinh tồn của doanh nghiệp.
Thế Vinh