Gần đây, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liên tục ra quyết định điều tra phòng vệ thương mại đối với mặt hàng thép Việt Nam do nghi ngờ có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Mới nhất, ngày 21/5, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã quyết định áp thuế chống lẩn tránh thuế bán phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp 256,44% đối với thép cuộn cán nguội sản xuất bằng thép cuộn cán nóng có xuất xứ từ Trung Quốc. Mức thuế tương tự đối với tôn mạ và sơn phủ màu là 199,43% và 39,05%.
Liên tiếp bị điều tra
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết năm 2015, 2016, Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các mặt hàng thép nhập khẩu (NK) từ Trung Quốc với thuế suất rất cao. Kết quả là thép NK từ Trung Quốc vào Mỹ giảm mạnh. Ngược lại, năm 2016, số lượng thép NK từ Việt Nam lại tăng.
Vì nghi thép Trung Quốc đã được chuyển sang Việt Nam để XK sang Mỹ nên DOC đã khởi xướng điều tra việc lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội, tôn mạ và sơn phủ màu của Việt Nam XK sang Mỹ.
Mỹ đã cử đoàn sang điều tra tại Việt Nam và các doanh nghiệp (DN) thép của Việt Nam đã hợp tác với đoàn Mỹ. Tuy nhiên, ngày 21/5/2018, DOC vẫn có quyết định như trên.
"Quyết định này sẽ gây khó khăn rất lớn cho việc XK thép cuộn cán nguội, tôn mạ và sơn phủ màu. Với thuế suất cao như vậy, các mặt hàng thép của chúng ta không thể XK vào thị trường Mỹ", ông Sưa lo lắng.
Theo ông Sưa, việc DOC nghi ngờ 90% giá trị mặt hàng bắt nguồn từ Trung Quốc là không công bằng. Trước đây, khi chưa sản xuất được thép cuộn cán nóng, Việt Nam phải NK thép cuộn cán nóng để phục vụ cho sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, thép cuộn cán nóng được NK từ nhiều thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…, chứ không phải chỉ từ Trung Quốc.
Hơn nữa, từ thép cuộn cán nóng sang thép cuộn cán nguội đã tạo được giá trị gia tăng trên 25% và đối với tôn mạ, sơn phủ màu là trên 60%.
Hiện nay, Việt Nam đã sản xuất được thép cuộn cán nóng nên hàng XK sang Mỹ đảm bảo có xuất xứ hoàn toàn của Việt Nam.
Cụ thể, tháng 6/2017, Việt Nam đã bắt đầu sản xuất thép cuộn cán nóng và năm 2017 đã sản xuất được 1.380.000 tấn, năm 2018 có thể sản xuất được hơn 3 triệu tấn.
Vì vậy, thép Việt Nam (thép cuộn cán nguội, tôn mạ và sơn phủ màu) XK sang Mỹ nếu sử dụng nguyên liệu đầu vào là thép cuộn cán nóng do Việt Nam sản xuất cũng như NK từ các nước trừ Trung Quốc sẽ không phải là đối tượng của quyết định trên.
Đồng thời, các DN Việt Nam đã phải đầu tư hàng tỷ USD vào thiết bị, công nghệ để sản xuất cán nguội, tôn mạ và sơn phủ màu, tạo ra giá trị gia tăng rất đáng kể.
Trước đó, hồi tháng 3/2018, Mỹ cũng quyết định đánh thuế tới 25% đối với các sản phẩm thép NK từ Việt Nam (mục 232 Đạo luật Thương mại mở rộng).
Ông Sưa đánh giá, quyết định này cũng rất không công bằng, vì thép Việt Nam XK sang Mỹ chỉ chiếm hơn 1% trong tổng lượng thép mà nước Mỹ đang NK lại bị áp thuế, trong khi các nước XK nhiều hơn như Canada, Mexico, EU, Hàn Quốc thì được giảm thuế. Đồng thời, thép Việt Nam XK sang Mỹ thông thường dùng trong xây dựng nên không ảnh hưởng tới an ninh nước Mỹ.
Chiến thuật đường nhập giá rẻ là nỗi ám ảnh với ngành mía đường Việt |
Đa dạng hóa thị trường
Không chỉ Mỹ, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã mở một cuộc điều tra phòng vệ thương mại đối với 26 loại sản phẩm thép NK vào thị trường châu Âu, trong đó có thép xuất xứ Việt Nam.
Trước thực trạng các vụ kiện thương mại diễn ra với ngành thép, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục tích cực hỗ trợ các DN trong các vụ việc phòng vệ thương mại mà thép Việt Nam là đối tượng bị điều tra, đồng thời sẽ làm việc với các nước để nắm bắt các thay đổi về quy tắc xuất xứ đối với sản phẩm thép để kịp thời cảnh báo cho các DN.
Để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các DN, VSA đã khuyến cáo các DN chỉ sử dụng thép cuộn cán nóng sản xuất trong nước hoặc NK từ các nước trừ Trung Quốc để sản xuất thép cuộn cán nguội, tôn mạ và sơn phủ màu XK sang Mỹ và cả một số thị trường khác như EU.
Thời gian tới, ngành thép sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để đa dạng hóa thị trường XK thay vì tập trung vào một, hai thị trường tạo cớ cho họ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Ông Sưa nhấn mạnh ngành thép sẽ tập trung vào một số thị trường tiềm năng trong khu vực ASEAN như Campuchia (ngành xây dựng nước này đang phát triển, trong khi chưa có ngành công nghiệp thép); hay Philippines, Thái Lan, Myanmar, Indonesia được xem là những thị trường mới nổi.
Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Độ, Giám đốc marketing công ty cổ phần Thép Việt Ý, cho biết việc Mỹ nới NK thép cho các nước như Canada, Mexico, Hàn Quốc… sẽ là cơ hội cho Việt Nam.
Mấy tháng nay, Thép Việt Ý đang đẩy mạnh XK thép cuộn tròn trơn sang Canada, sau đó DN Canada sẽ sản xuất đinh, dây thép buộc, lưới thép hàn… để xuất sang Mỹ, dù giá trị thu về sẽ thấp hơn so với cách XK trực tiếp sang Mỹ.
"Trong tương lai, khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, chắc chắn sẽ giúp ngành thép có nhiều cơ hội hơn để đẩy mạnh XK vào Canada và Mexico", ông Độ kỳ vọng.
Thy Lê