Kết quả kinh doanh ước tính quý IV niên độ tài chính 2016 – 2017 của Tôn Hoa Sen mới vừa công bố làm những người quan tâm đến giá trị cổ phiếu của DN này không khỏi ngậm ngùi khi so với cùng kỳ năm 2016, doanh thu của Hoa Sen tăng khoảng 30% nhưng lợi nhuận giảm mạnh 54,7% (so với gần 448 tỷ đồng thực hiện trong năm ngoái).
“Kẻ khóc, người cười”
Một DN nhà nước thuộc dạng “ông lớn” đầu ngành thép nội địa như công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco) thì “ôi thôi”, báo cáo doanh thu quý III/2017 gần 2.900 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2016 tăng trưởng 59% nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ có 5,5 tỷ đồng, bằng 12%.
Ở một diễn biến khác, báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố của công ty Cổ phần Thép Nam Kim cho thấy, so cùng kỳ năm ngoái, doanh thu trong quý III/2017 đạt 3.810 tỷ đồng, tăng 52%, lợi nhuận sau thuế tăng đột biến 40%, đạt gần 206 tỷ đồng.
Còn thép Hòa Phát, trong quý III/2017, đạt doanh thu 12.700 tỷ đồng và mức lợi nhuận sau thuế cao nhất từ trước tới nay với 2.140 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, Tập đoàn Hòa Phát đạt doanh thu hơn 33.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 5.600 tỷ đồng, tăng tương ứng 43% và 21% so với cùng kỳ năm 2016.
Thép Pomina vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2017 với kết quả lợi nhuận đạt được cao kỷ lục kể từ quý II/2011 đến nay. Doanh thu trong quý III của họ đạt gần 3.228 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ. Lãi sau thế của DN này đạt 249,7 tỷ đồng, tăng đột biến so với số lãi gần 12 tỷ đồng đạt được trong quý III/2016.
Trở lại vấn đề lợi nhuận sụt giảm của Tôn Hoa Sen, theo giới phân tích, kết quả kinh doanh của họ suy giảm, kém khả quan trong bối cảnh các đối thủ ngành tôn, thép đều tăng trưởng tích cực từ đầu năm và tình trạng nhà đầu tư ồ ạt bán cổ phiếu khiến “bốc hơi” 26% giá trị vốn hóa.
Báo cáo tài chính quý III niên độ tài chính 2017 của DN này cũng hé lộ vấn đề nợ vay tăng gần gấp đôi, khiến chi phí tài chính đội lên hơn gấp ba lần cùng kỳ, chi phí bán hàng cũng tăng hơn 50%, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của Tôn Hoa Sen giảm 45,6% so với cùng kỳ năm trước.
Với Tisco, nguyên nhân lợi nhuận trong quý III chỉ có 5,5 tỷ đồng được cho là vì giá vốn tăng mạnh hơn nhiều nên dẫn đến lợi nhuận sụt giảm thê thảm. Nếu tính đến hết tháng 9/2017, doanh thu của họ đạt hơn 7.192 tỷ đồng, tăng gần 1.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu thép của các DN Việt được cho là đang tăng trưởng tốt
Xuất khẩu khởi sắc
Tuy nhiên, vì giá vốn tăng mạnh trong khi doanh thu tài chính sụt giảm mạnh nên Tisco chỉ còn đạt hơn 79,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, chưa bằng một nửa so với mức lợi nhuận 208,5 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2016.
Ngoài ra, một trong những khoản hụt thu mạnh khiến lợi nhuận của công ty này trong năm 2017 giảm là không còn số tiền lớn đến 1.000 tỷ đồng gửi ngân hàng lấy lãi như trước.
Những kết quả kinh doanh khả quan của Thép Nam Kim, Hòa Phát, Thép Pomina… đều được lý giải nguyên nhân đến từ thị trường xuất khẩu khởi sắc, lượng tiêu thụ thép nội địa tăng do thị trường bất động sản hồi phục, sự gia tăng các dự án xây dựng hạ tầng.
Trong khi đó, theo báo cáo mới đây của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép trong nước 9 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng so với cùng kỳ, đạt hơn 15,4 triệu tấn, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2016. Bán hàng thép các loại trong nước đạt gần 13 triệu tấn, tăng tương ứng 20,5% so với cùng kỳ năm trước.
Sắp tới đây, theo quy định mới về kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu đã được Bộ Công Thương ban hành, kể từ ngày 8/11/2017, DN nhập khẩu thép không phải nộp cho cơ quan Hải quan “Thông báo kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu” do cơ quan kiểm tra Nhà nước về chất lượng thép cấp để thông quan hàng hóa.
Việc quản lý chất lượng thép sẽ được thực hiện theo quy định công bố tiêu chuẩn áp dụng trước khi đưa sản phẩm thép ra lưu thông.
Khâu thủ tục được nới lỏng có thể sẽ giúp các “ông lớn” nhập khẩu thép tương đối dễ chịu hơn để tập trung vào cạnh tranh, nhằm tăng doanh thu và lợi nhuận. Tính đến hết tháng 8/2017, theo VSA, nhập khẩu thép thành phẩm đạt hơn 13,5 triệu tấn, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 6,99 tỷ USD, giảm 22% về lượng nhưng tăng 3% về giá trị.
Về xuất khẩu, VSA cho biết, tính đến ngày 31/8/2017, xuất khẩu thép thành phẩm đạt gần 3 triệu tấn, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2 tỷ USD, tăng 27% về lượng và tăng 50% về giá trị. ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính, với lượng xuất khẩu hơn 1,4 triệu tấn thép, chiếm 58% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu.
Theo nhận định của giới phân tích, thép dẹt hiện nay chiếm khoảng 70% đầu ra xuất khẩu. Cho nên, không ngạc nhiên khi những DN xuất khẩu thép hàng đầu của Việt Nam đều thuộc mảng này.
Trong đó, Tôn Hoa Sen và Thép Nam Kim chiếm thị phần xuất khẩu cao nhất, tương ứng là 23,4% và 13,3%.
Đáng chú ý, Hòa Phát là DN thép lớn hàng đầu ở Việt Nam nhưng có thị phần xuất khẩu rất thấp (chỉ khoảng 3%) do sản phẩm phần lớn tiêu thụ mạnh trong nước.
Mặc dù vậy, hiện nay Hòa Phát cũng đang tăng mạnh xuất khẩu sang thị trường nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Australia, Malaysia, Singapore, Campuchia, Lào và Philippines.
Thế Vinh