Ngày 1/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra quyết định áp các hình thức trừng phạt lên thép và nhôm NK. Theo đó, Mỹ sẽ áp mức thuế 25% đối với thép NK nước ngoài và 10% đối với nhôm.
Thị trường thế giới phân hóa
Ngay sau tuyên bố áp thuế đối với nhôm và thép NK vào Mỹ, thị trường chứng khoán Mỹ đã diễn ra với hai thái cực: cổ phiếu các DN sử dụng nhôm thép trong sản phẩm của mình lại giảm mạnh và cổ phiếu của các DN sản xuất thép nội địa của Mỹ đã tăng vọt.
Theo Moody’s, lệnh trừng phạt của Tổng thống Mỹ sẽ khiến các nhà sản xuất mỹ sẽ phải chịu mức phí cao hơn, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh và sáng tạo của Mỹ.
Bị ảnh hưởng nặng nhất bởi việc áp thuế này là các công ty thép châu Á, đặc biệt là tại Trung Quốc. Cụ thể, cổ phiếu thép với Posco của Hàn Quốc, Nippon Steel & Sumitomo Metal của Nhật Bản và Baoshan Iron & Steel là công ty thép niêm yết lớn nhất ở Trung Quốc đều giảm hơn 3,5%. Các cổ phiếu nhôm cũng đồng loạt ghi nhận mức giảm gần 3%.
Nguyên nhân là do phần lớn chương trình bảo hộ thương mại của ông Trump nhằm vào Trung Quốc, mặc dù quốc gia châu Á này không nằm trong nhóm những nước xuất khẩu (XK) thép sang Mỹ nhiều nhất khi chỉ cung cấp 2% tổng lượng thép mà Mỹ NK.
Bắt đầu từ năm 2015, Trung Quốc phá giá thép để XK khi giá thép lao dốc, khiến cho Mỹ - quốc gia NK thép lớn nhất thế giới áp 14 loại thuế Chống bán phá giá (CBPG) và 10 loại thuế tự vệ lên sắt thép Trung Quốc chỉ trong 2 năm 2016 và 2017. Hai vụ kiện tiêu biểu nhất đã khiến Trung Quốc gần như không thể XK vào thị trường Mỹ, khi thép cán nguội CRC chịu mức thuế trên 522% và thép không gỉ chịu thuế trên 238%.
Để đối phó với các lệnh trừng phạt này, Trung Quốc đã tìm cách đẩy lượng thép vòng qua một nước thứ 3 rồi XK sang Mỹ. Các nước thứ 3 được Trung Quốc lựa chọn là ASEAN và nhất là tại Việt Nam, do nhu cầu thép tăng trưởng mạnh, đồng thời là một xưởng gia công thép XK đi rất nhiều nước, trong đó có Mỹ.
Tuy nhiên, với các DN ngành thép Việt Nam đã niêm yết trên sàn, thị trường Mỹ hiện không chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động XK. Theo ước tính, cả Hoa Sen (HSG) và Nam Kim (NKG), hai DN tiên phong trong việc tận dụng cơ hội XK sang Mỹ trong năm 2016 đều tiêu thụ không quá 5% tổng sản lượng tại thị trường này.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, lệnh trừng phạt của Tổng thống Donald Trump và diễn biến của thị trường thế giới cũng khiến cổ phiếu ngành thép Việt Nam bị ảnh hưởng.
Điển hình là cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát có 2 phiên giảm liên tiếp. Đặc biệt trong phiên ngày 5/3, cổ phiếu này giảm tới 6,9%, về vùng giá 61.700 đồng/cp với gần 19 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.
Cổ phiếu của Tập đoàn Hoa Sen cũng lâm vào tình cảnh tương tự khi giảm tới 4,9% trong phiên 5/3, về vùng giá 23.400 đồng/cp với tổng giá trị giao dịch lên tới trên 113 tỷ đồng. Thép Nam Kim cũng giảm 2 phiên sau khi việc áp thuế được đưa ra, về vùng giá 32.500 đồng/cp.
Năm 2017, ngành thép Việt Nam đã sản xuất gần 10 triệu tấn thép thô
Suy giảm nhưng đầy tiềm năng
Tuy nhiên, theo đánh giá của CTCK Rồng Việt (VDSC), dựa trên năng lực tiêu thụ của các nhà máy tôn thép nội địa nói chung và tỷ trọng của thị trường Mỹ trong cơ cấu XK, việc áp thuế sẽ không ảnh hưởng quá tiêu cực lên các nhà XK thép niêm yết.
Thậm chí, VDSC còn đánh giá việc Mỹ đánh thuế NK cho thép Trung Quốc có thể là cơ hội cho các DN sản xuất thép Việt Nam khi mục tiêu của Mỹ là chặn các mặt hàng có nguồn gốc Trung Quốc được gia công hoặc tạm nhập tại các nước khác để né thuế.
Hiện nay, các DN sản xuất thép trong nước XK sang Mỹ chỉ nhằm mục đích tìm hiểu thị trường và hỗ trợ đẩy sản lượng tiêu thụ. VDSC đánh giá, các DN sản xuất thép Việt đang tập trung vào thị trường ASEAN hơn là thị trường Mỹ.
Với việc Mỹ áp thuế đánh vào nguồn gốc xuất xứ, VDSC cho rằng đây sẽ là động lực thúc đẩy các DN thép Việt Nam đầu tư theo chiều sâu, sản xuất từ thượng nguồn, vừa tăng giá trị cho ngành sản xuất nội địa, vừa cải thiện sức cạnh tranh tại thị trường hội nhập. Đây chính là điều mà các DN ngành thép trong nước và cả Chính phủ cũng mong chờ với hàng loạt chính sách bảo hộ các nhà sản xuất thép trong nước.
Năm 2017, ngành thép nội địa Việt Nam đã sản xuất gần 10 triệu tấn thép thô và gần 1,3 triệu tấn thép cán nóng HRC.
Dự kiến đến năm 2019, khi các lò cao mới của Formosa Hà Tĩnh và HPG đi vào hoạt động nâng tổng công suất HRC của thị trường nội địa lên khoảng gần 10 triệu tấn/năm.
Tiềm lực trên đang giúp các cổ phiếu ngành thép được giới chuyên gia đánh giá cao.
Hoàng Phú