Trong báo cáo tài chính hợp nhất Quý 3/2022 được công bố gần đây của CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận Quý 3 lần lượt là 7,8% và 25,5%, thấp hơn mức tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm nay (lần lượt là 19,6% và 36,2%). Không chỉ vậy, tốc độ tăng trưởng trong Quý 3 có dấu hiệu chậm lại so với giai đoạn đầu năm.
Chi phí “ăn mòn” lợi nhuận
Điều đáng nói, trong quý vừa qua chi phí tài chính của FMC đã tăng 16,9% chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp (DN) tăng 31,4%.
Tôm là một trong những mặt hàng thủy sản có mức giá cao, trong khi đó giá bán bình quân của tôm Việt Nam cao hơn Ấn Độ và Ecuador tại thị trường Mỹ và EU, vì vậy FMC dự báo doanh thu từ tôm sẽ có xu hướng giảm trong Quý 4/2022 do áp lực lạm phát vẫn còn.
Nhiều loại chi phí tăng cao khiến cho việc tìm kiếm lợi nhuận của các DN ngành tôm Việt trở nên khó khăn hơn. |
Tuy vậy, theo giới phân tích, FMC vẫn có thể lạc quan với việc nguyên liệu tôm tự cung cấp của họ có giá thấp hơn giá thị trường, điều này có thể giúp duy trì xu hướng tỷ suất lợi nhuận gộp trong Quý 4/2022.
Còn với CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - một DN hàng đầu trong xuất khẩu (XK) tôm, trong báo cáo tài chính Quý 3/2022 vừa công bố cho thấy hàng tồn kho tăng gấp đôi chỉ sau 9 tháng năm 2022, từ mức 1.006 tỷ đồng lên 2.031 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng, các khoản phải trả của Minh Phú cũng tăng mạnh 60% so với đầu năm, lên mức 4.719 tỷ đồng.
Tất cả hàng tồn kho dùng để thế chấp tại các ngân hàng thương mại để đảm bảo cho các khoản vay của tập đoàn. Trước đây đã có không ít cảnh báo chi phí tài chính đã “ăn mòn” lợi nhuận của DN có biệt danh là “vua tôm" này. Trong Quý 3/2022, sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của Minh Phú giảm 15% xuống 197 tỷ đồng do doanh thu trong kỳ giảm sút.
Ngoài vấn đề về tăng chi phí tài chính, trên thực tế, với các DN trong ngành tôm thì giá tôm nguyên liệu tăng cao là thách thức lớn cho họ trong việc tìm kiếm lợi nhuận.
Như nhận định của ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT FMC, nút thắt ngành tôm Việt là giá thành nuôi tôm cao. Nguyên nhân do tỷ lệ nuôi thành công thấp. Tỷ lệ nuôi thành công phụ thuộc chất lượng con giống và nguồn nước nuôi. Mặc dù Việt Nam có con giống tốt nhưng độ phủ chưa rộng và quá nhiều cơ sở cung ứng tôm giống, khó kiểm soát chất lượng đầy đủ. Thủy lợi nuôi tôm cũng dạng khấp khểnh do gốc từ nuôi tự phát, manh mún, nhỏ lẻ.
Không chỉ vậy, lạm phát khiến sức tiêu thụ giảm trên nhiều thị trường. Trong tháng 9/2022 vừa qua XK tôm Việt Nam có xu hướng tăng ở các thị trường châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc trong khi trầm lắng ở các thị trường phương Tây như Mỹ, EU. Đồng USD có giá nhưng tại thị trường Mỹ, DN phải cạnh tranh mạnh với tôm giá rẻ từ Ecuador và Ấn Độ. Do vậy, XK tôm sang Mỹ giảm mạnh, XK sang EU trầm lắng.
Chờ giải pháp hữu hiệu
Cũng theo ông Lực, riêng tôm nuôi năm nay bị dịch bệnh khá nặng, mức cung không như dự kiến. Bất ngờ nhiều thông tin bất lợi dồn dập, chủ yếu là tôm Ecuador vừa giá rẻ vừa trúng mùa rất tốt. Tôm này tấn công mạnh cả thị trường Bắc Mỹ, Tây Âu và nhất là Trung Quốc.
“Nếu trước đó, chúng ta chỉ e dè tôm Ấn Độ giá rẻ, tôm Indonesia không thuế chống bán phá giá, tôm hai nước này chiếm khoảng 60% sản lượng tôm nhập vào Mỹ, nay thêm tôm Ecuador, thị trường Bắc Mỹ ngày càng khó với con tôm Việt”, ông Lực chia sẻ.
Không chỉ vậy, khủng hoảng khí đốt và năng lượng khiến chi phí lưu kho ở Tây Âu tăng cao. Trong bối cảnh trên, tình hình nuôi tôm trong nước không khả quan khiến giá tôm thương phẩm khá cao, thêm bất lợi cho DN chế biến.
“Những bất lợi này thêm cộng hưởng khó khăn từ tình hình cạnh tranh khốc liệt nêu trên khiến con tôm ta khó bơi thoải mái những tháng tới đây, thậm chí tới giữa năm sau. Chắc chắn sẽ có doanh nghiệp tôm gặp khó khăn, nhất là những DN vốn tự có thấp khi vòng quay vốn bị chậm lại”, ông Lực lưu ý.
Để giảm chi phí cho các DN ngành tôm, có thể cũng nên tham khảo cách làm ở Ấn Độ - đang là đối thủ lớn của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu tôm. Như mới đây, chính quyền bang Andhra Pradesh - bang XK tôm hàng đầu của Ấn Độ, đã thành lập hẳn một ủy ban để giám sát thị trường tôm thẻ chân trắng do chi phí đầu vào vượt quá giá thị trường hiện tại và giảm chi phí đầu vào thức ăn cho tôm.
Thông qua uỷ ban này, các nhà chế biến và nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi làm việc cùng nhau để giải quyết vấn đề mà họ đang gặp phải. Bất kỳ quyết định nào của ủy ban trước khi đưa ra sẽ tham khảo ý kiến của tất cả các bên liên quan trong ngành.
Trở lại với con tôm của Việt Nam, theo giới chuyên gia, để giảm chi phí trong thời điểm hiện tại thì phải giảm được chi phí thức ăn. Như với chi phí sản xuất 1kg tôm thẻ chân trắng của Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực khoảng 1USD/kg. Đối với thức ăn tôm, chi phí cho khoản đầu tư thức ăn nuôi của người nuôi tôm chiếm từ 1/2 – 2/3 giá thành sản xuất.
Hơn nữa, chi phí con giống, thức ăn, thuốc, hoá chất, nhân công, điện nước, xây dựng cơ bản…cho tôm của nông dân Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới, với chi phí như thế, không chỉ nông dân nuôi tôm không có lợi nhuận nhiều mà ngay như các DN trong ngành tôm cũng vậy.
Cho nên, để giảm chi phí và cải thiện lợi nhuận đối với các DN ngành tôm trong lúc này là cả bài toán nan giải đòi hỏi họ phải “vắt óc” suy nghĩ để có thêm những giải pháp hữu hiệu. Song song đó cũng rất cần thêm sự trợ lực từ phía Nhà nước để phần nào tránh được tình trạng chi phí sản xuất tăng quá cao trong ngành tôm Việt như hiện nay.
Thế Vinh