Ghi nhận về tỷ giá USD vào ngày 19/10 cho thấy, chưa có dấu hiệu dừng lại trong việc tiếp tục tăng mạnh tỷ giá USD tại các ngân hàng. Giá mua USD hiện nằm trong khoảng từ 24.240 – 24.310 VND/USD, còn khoảng bán ra ở mức 24.550 – 24.600 VND/USD.
Tránh xảy ra các cú sốc vĩ mô
Trước đó, hôm 17/10, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1747/QĐ-NHNN quy định về tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép. Theo đó, biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam (VND) và USD được điều chỉnh từ ±3% lên ±5%.
Trước việc tỷ giá USD không ngừng tăng mạnh, các DN xuất nhập khẩu cần liên tục theo dõi những biến động tỷ giá và cập nhật tình hình kinh tế - chính trị quốc tế để lựa chọn thị trường phù hợp và đồng tiền thanh toán có lợi. |
Theo nhận định mới đây từ bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, tỷ giá USD/VND tăng nhanh từ tháng 4/2022 đến nay. Và dự báo năm 2023 với kịch bản USD/VND vượt 24.000 VND/USD là có khả năng cao trong bối cảnh Fed (Cục Dự trữ liên bang Mỹ) vẫn tiếp tục tăng lãi suất trong 2023.
Phía Yuanta cho rằng, có nhiều áp lực lên sự mất giá VND so với USD như nguồn ngoại tệ thu từ xuất nhập khẩu trong 9 tháng năm 2022 khá yếu so với các năm 2018-2020. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký suy giảm làm giảm triển vọng nguồn thu ngoại tệ mặc dù vốn giải ngân vẫn tích cực.
Hơn nữa, nghĩa vụ trả nợ công quốc tế trong 9 tháng năm 2022 cao hơn cả năm 2021 làm tăng áp lực nhu cầu USD. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn duy trì quan điểm ổn định tỷ giá. Từ đầu năm đến nay, ước tính Ngân hàng Nhà nước đã bán hơn 21 tỷ USD để đảm bảo nguồn cung ngoại tệ. Điều này giúp ổn định tỷ giá – vĩ mô nhưng tạo áp lực lên xuất khẩu (XK)
Trong khi đó, quan điểm Ngân hàng Nhà nước vẫn là tiếp tục giữ ổn định vĩ mô, tránh xảy ra các cú sốc vĩ mô. Theo đó, nếu USD tiếp tục tăng giá, tỷ giá USD/VND vẫn có khả năng tăng nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện các biện pháp để tốc độ tăng là không quá mạnh. Kịch bản USD/VND vượt 24.000 là có khả năng, tuy nhiên giới tài chính kỳ vọng sẽ không vượt quá 24.300 trong 2023.
Với việc tỷ giá USD không ngừng tăng mạnh như hiện tại, giới phân tích lưu ý các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu cần liên tục theo dõi tình hình kinh tế - chính trị quốc tế để lựa chọn thị trường phù hợp và đồng tiền thanh toán có lợi, trong khi nhà hoạch định chính sách cần đảm bảo sự cân đối giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát.
Riêng trong hoạt động XK, trước sức ảnh hưởng từ biến động tỷ giá và lạm phát như hiện nay, bộ phận phân tích của Yuanta cho biết, tình hình XK ở một số thị trường chính có dấu hiệu chậm lại.
Điển hình như Mỹ có sức mua tăng trưởng chậm lại rõ từ tháng 7/2022 và giảm thấp hơn cùng kỳ gần đây. Một số ngành hàng giảm mạnh gần đây như sắt thép, gạo, chè, hải sản, xơ sợi dệt. Thực ra, xét về tỷ giá, VND thuộc Top các đồng tiền giữ giá ổn định, cho nên so với VND, hầu như chỉ có USD tăng giá. Tuy nhiên, với mức lạm phát cao 8,3%, sức mua ở thị trường Mỹ vẫn giảm.
Mối lo thị trường xuất khẩu chậm lại
Còn với Trung Quốc, XK chậm lại từ tháng 4 khi nước này tái giãn cách do Covid-19. Nhu cầu tăng trưởng mạnh trở lại trong tháng 8 sau khi mở cửa, tuy nhiên vẫn thấp hơn cùng kỳ.
Với EU, tốc độ XK cũng chậm lại (nếu so với cùng kỳ 2021), tuy nhiên, so theo tháng thì vẫn khả quan. Một số ngành hàng giảm mạnh gần đây là sắt thép, gỗ, hóa chất, dây cáp... Còn với ASEAN, sức mua chậm từ tháng 6/2022 và giảm mạnh gần đây. Một số ngành hàng giảm mạnh gần đây như than đá, vi tính, sắt thép, phân bón.
Qua trao đổi với VnBusiness, một số DN cho biết khi tăng giá USD thì lẽ ra họ sẽ được hưởng lợi vì sẽ bán được giá cao vào mùa tiêu dùng trong các tháng cuối năm, thế nhưng thời điểm này việc XK lại tương đối khó khăn vì nhiều thị trường đang chịu áp lực lạm phát.
Giới phân tích nhận định, lạm phát ở một số thị trường XK chính khiến cho sức mua suy giảm. Ngoài ra, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) các thị trường này hầu hết cao hơn Việt Nam dẫn đến gây áp lực khiến đồng tiền các nước này giảm sức mua so với VND. Điều này làm giảm tính cạnh tranh về giá của hàng Việt Nam XK.
Theo chuyên gia kinh tế Phan Minh Hòa (đại học RMIT), bên cạnh tỷ giá, điều đáng ngại hơn cho XK là triển vọng không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới, với việc lạm phát gia tăng, nguy cơ suy thoái và người tiêu dùng các nước buộc phải thắt chặt dần chi tiêu.
Ngoài ra, có một điểm cần lưu ý là với một số mặt hàng, để XK thì DN cần nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu. Vì vậy nếu USD tăng giá mạnh, khiến cho doanh thu XK bằng USD được lợi, thì chi phí nhập khẩu, chi phí vận tải, logistics, kho bãi, vay nợ bằng USD cũng tăng.
Do đó, các DN xuất nhập khẩu cần liên tục theo dõi những biến động tỷ giá, và cập nhật về tình hình lạm phát, lãi suất, dịch bệnh Covid-19, chiến sự Nga-Ukraine... Từ đó, DN có thể lựa chọn thị trường XK, nhập khẩu và đa dạng hóa, lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD.
Để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, chuyên gia Phan Minh Hoà cho rằng các DN có thể lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (SWAP), đảm bảo cho các hoạt động xuất nhập khẩu được kế hoạch hóa một cách khoa học.
Thế Vinh