Sáng 7/8, Bộ NN&PTNT tổ chức họp trực tuyến về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Giá lúa vụ Hè Thu ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm sâu do ách tắc đầu ra. |
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương về giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long trong tuần từ 2/8 - 6/8: đầu tuần ổn định; giữa tuần giảm từ 50 – 300 đồng kg, sau đó cuối tuần tăng nhẹ.
Cụ thể, lúa IR50404: giá bán đầu tuần từ 4.400 đồng/kg, ổn định từ đầu tuần đến cuối tuần; giảm so với cùng kỳ năm trước từ 900 – 1.300 đồng/kg (giá cùng kỳ 5.700 đồng/kg).
Lúa OM9577 và OM9582: giá bán đầu tuần từ 5.600 - 5.800 đồng/kg, ổn định đến cuối tuần giảm 1.000 đồng/kg, còn 4.600 – 4.800 đồng/kg; thấp hơn cùng kỳ năm trước 1.000 đồng/kg.
Lúa OM6976: giá bán đầu tuần từ 5.100 đồng/kg - 5.200 đồng/kg, ổn định đến cuối tuần; thấp hơn cùng kỳ năm trước 500 - 600 đồng/kg.
Lúa OM5451: giá bán đầu tuần từ 5.000 - 5.400 đồng/kg, cuối tuần giảm 200 – 400 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm trước 500 - 700 đồng/kg (giá cùng kỳ 5.500 - 5.700 đồng/kg).
Đài thơm 8: Giá bán đầu tuần từ 5.600 – 5.800 đồng/kg, ổn định đến cuối tuần, thấp hơn cùng kỳ năm trước 300 - 500 đồng/kg (giá cùng kỳ 6.100 đồng/kg).
Giống nếp tươi Long An ổn định từ đầu tuần đến cuối tuần 4.400 - 4.750 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm trước 550 - 800 đồng/kg (giá cùng kỳ 5.200 - 5.300 đồng/kg).
Theo ước tính của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tuần qua, giá lúa thường tại ruộng giảm bình quân 133 đồng, hiện chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg; giá lúa thường tại kho tăng nhẹ 40 đồng. Do di chuyển thu mua giữa các địa phương khó khăn, nên nhiều doanh nghiệp đã ngưng mua lúa. Hiện, doanh nghiệp đang cố gắng bao tiêu hết lúa đã ký kết ở Long An, các diện tích lúa đã bao tiêu ở những tỉnh khác chưa biết sẽ xử lý ra sao.
Báo cáo về tình hình tiêu thụ lúa gạo và những vướng mắc khi giãn cách bởi dịch COVID-19 ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ NN&PTNT cho biết sản lượng thu mua lúa gạo giảm 20-30%, doanh nghiệp không đủ khả năng thực hiện "3 tại chỗ". Trong khi đó, hoạt động sấy lúa, nhà máy xay sát, ghe chở… không hoạt động được do phải có test nhanh, một phần doanh nghiệp đang thực hiện hợp đồng từ tồn kho, chưa mua cho hợp đồng mới
Trong khi đó, xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng lúa hàng hóa: từ ngoài đồng đến nhà máy, đến giao ra cảng và lên tàu cho khách hàng; Kênh phân phối nội địa cũng khó khăn giao hàng đường bộ hay đường thủy.
"Hiện tại, giá lúa gạo và các hàng nông sản khác giảm sâu, không phải do cung cầu mà là do đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng, các khách quốc tế vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp không giao hàng được", Bộ NN&PTNT cho biết.
Theo đó, Bộ NN&PTNT kiến nghị ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng trong chuỗi cung ứng: tài xế, ghe, sà lan vận chuyển, công nhân tại các nhà máy, bốc xếp tại cảng, giám định hàng hóa, khử trùng, nhân sự giao nhận hàng hóa… Tạo điều kiện đi lại cho các nhân sự trên trong thời gian giãn cách vì lực lượng này đang duy trì xuất khẩu cho cả nước. Hỗ trợ thuế, các khoản phí cho doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh (hiện, các chi phí test nhanh và PCR, chi phí ăn, ở cho các lao động "3 tại chỗ" là do doanh nghiệp chịu toàn bộ).
"Các quy định mới của cơ quan chức năng, nếu có, phải theo lộ trình, tránh đột ngột vì doanh nghiệp không trở tay kịp, nhất là các lô hàng đang trên đường", Bộ NN&PTNT cho biết.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu gạo trong 7 tháng đầu năm nay đạt gần 3,6 triệu tấn, trị gá 1,937 tỷ USD, giảm 10,6% về lượng và giảm 0,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Thy Lê