Theo khảo sát của Sở NNPTNT tỉnh An Giang, giá lúa gạo hôm nay (3/8) vẫn ở mức thấp. Theo đó, giá nếp vỏ (tươi) 3 tháng ở mức 4.000 - 4.200 đồng/kg; nếp vỏ (tươi) 3,5 tháng ở mức 4.400 - 4.600 đồng/kg.
Giá lúa Hè Thu ở Đồng bằng Sông Cửu Long giảm mạnh vì không có thương lái đến thu mua. |
Giá lúa nếp Long An ở mức 4.400 - 4.750 đồng/kg; giá lúa IR 50404; lúa OM 9582 ở mức 4.400 - 4.800 đồng/kg. Giá lúa Đài thơm 8 duy trì ở mức 5.600 - 5.800 đồng/kg.
Tại Long An, giá lúa gạo ngày 3/8 cũng ở mức thấp. Theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Long An, đến nay, nông dân thu hoạch hơn 53.200ha lúa Hè Thu, tập trung ở các địa phương vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh.
Năng suất lúa ước đạt 5,2 tấn/ha, sản lượng 277.660 tấn, giá lúa dao động từ 5.300-5.800 đồng/kg. So với vụ Hè Thu năm 2020, giá lúa giảm từ 300-500 đồng/kg. Với mức giá lúa gạo như hiện nay, nông dân có lãi ít, thậm chí không có lãi trên diện tích đã thu hoạch.
Tại cuộc họp trực tuyến về hoạt động của các Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản của Bộ NN&PTNT ngày 3/8, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết việc thu hoạch lúa Hè Thu ở Đồng bằng Sông Cửu Long đang gặp rất nhiều khó khăn, lúa chín không có người mua, thương lái bỏ tiền đặt cọc. Do vậy, nếu không giải quyết thấu đáo vấn đề này sẽ ảnh hưởng tới ngành lúa gạo, ảnh hưởng tới tăng trưởng của ngành.
“Thông tin mà chúng tôi có được, giá lúa các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long cơ bản thấp hơn cùng kỳ năm 2020", ông Cường nói.
Theo đó, đại diện Cục Trồng trọt kiến nghị Chính phủ cần kích hoạt chương trình thu mua lúa gạo tạm trữ sớm hơn, nhanh hơn để nâng được giá lúa. Giá lúa là động lực cho người nông dân sản xuất.
Trước thực tế trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ ở phía Nam đề xuất Bộ trưởng kiến nghị Chính phủ cho thu mua tạm trữ lúa Hè Thu để nông dân yên tâm cũng như kích cầu sản xuất vụ Thu Đông.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay, khó khăn về lao động trong thu hoạch lúa Hè Thu hiện đã giải quyết được phần nào, nhưng đến lúc thu hoạch thì không có thương lái đi mua. Nông dân thu hoạch xong không biết tiêu thụ ra sao và đây là vấn đề rất nan giải.
Hiện, vụ Hè Thu đang thu hoạch rộ, sản lượng nhiều dễ dẫn đến tình trạng trục lợi trong bối cảnh khó khăn. Bộ cần đề xuất Chính phủ cho thu mua tạm trữ lúa quốc gia để kích cầu sản xuất, động viên nông dân tiếp tục sản xuất cũng như để đảm bảo kế hoạch sản xuất. Một số nơi đã bắt đầu gieo sạ vụ Thu Đông nhưng nông dân đang lưỡng lự sản xuất.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long hiện mới thu hoạch được 600.000ha lúa hè thu, còn khoảng 900.000ha thu hoạch trong tháng 8, tháng 9, đây cũng là thời điểm có sản lượng lúa hàng hóa cao nhất.
Đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, cần thiết phải thu mua tạm trữ lúa Hè Thu để kích cầu sản xuất vụ Thu Đông, Đông Xuân để đảm bảo tăng trưởng của ngành.
Thy Lê