Ngành gỗ Việt Nam tương đối tự tin về giá cả cạnh tranh, chất lượng tốt. Nếu Mỹ, EU muốn tìm kiếm nguồn cung thay thế hàng Việt Nam cũng không dễ, như phân khúc đồ gỗ phục vụ đối tượng trung lưu: tủ bếp, phòng khách, bàn ăn. Song, “đã có xu hướng tái định vị nguồn cung, đó là ưu tiên dùng hàng nội khối trong bối cảnh thế giới có quá nhiều bất trắc như dịch bệnh, chiến tranh”, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ.
Dự báo quý I/2024, xuất khẩu mới hết khó
Theo ông Hoài, khủng hoảng kinh tế thế giới có thể chưa đi đến đáy. Do vậy, ngành gỗ xác định có thể còn gặp phải nhiều khó khăn. Chưa kể, điểm yếu của ngành gỗ chủ yếu là gia công theo mẫu mã nước ngoài, nên đôi khi làm nhiều mà hưởng không được bao nhiêu.
"Đói" đơn hàng tiếp tục là mối lo với nhiều doanh nghiệp hiện nay. |
Do đó, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam mong muốn các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khẳng định với các đối tác thông điệp rằng Việt Nam đảm bảo cung ứng gỗ hợp pháp.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ngoài đơn hàng ít thì giá xuất khẩu cũng thấp. Nhiều doanh nghiệp phải nhận đơn hàng không phải thế mạnh của mình như dệt thoi làm sang dệt kim với mục đích để sản xuất cầm cự, giữ chân người lao động, lỗ cũng chấp nhận.
Vitas cho biết, dự báo tổng cầu dệt may thế giới năm 2023 giảm 8-10%, thậm chí còn hơn. Vì vậy, ngành dệt may dự tính tiếp tục khó khăn tới hết năm, thậm chí sang năm sau. “Cố gắng lắm thì ngành dệt may Việt Nam có thể xuất khẩu trên dưới 40 tỷ USD, giảm khoảng 9-10% so với năm 2022”, đại diện Vitas cho hay.
Cùng tình cảnh như ngành dệt may, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam dự báo, tới quý I/2024, ngành da giày trong nước mới hết khó. “Chúng tôi nhận diện khó khăn trước mắt là thiếu đơn hàng. Mức độ thiếu đơn hàng hiện nay khoảng 30-50% với hàng truyền thống, nhất là ở thị trường Mỹ, EU”, bà Xuân chia sẻ.
Với ngành điện tử, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cho biết, hiện các doanh nghiệp hội viên ở tình cảnh không có thêm đơn hàng mới ở những dòng khách hàng truyền thống tại các thị trường trọng tâm như Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc…
“Một số doanh nghiệp cũng cố gắng vận đông để có những đơn hàng mới ở những thị trường mới như Canada, Bắc Mỹ… nhưng giá trị rất nhỏ và không ổn định. Đáng lo hơn, gần đây, nguy cơ khá nhiều đơn hàng bị chuyển ra đối tác nước ngoài”, bà Hương cho biết.
Theo dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, thị trường điện thoại toàn cầu vẫn chịu áp lực suy thoái, nhu cầu chỉ có thể khởi sắc hơn vào những tháng cuối năm 2023. Thậm chí, các kênh, đối tác chuỗi cung ứng và các công ty sản xuất linh kiện gốc (OEM) đều chung dự báo rằng, sự phục hồi diễn ra vào năm sau, còn tình hình các tháng cuối năm 2023 vẫn chưa thật khởi sắc.
Đề xuất chiến lược "ngoại giao đơn hàng"
Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, 2023 là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Cán cân thương mại được dự báo tiếp tục cải thiện, tuy nhiên xuất khẩu sẽ đối mặt với các thách thức chung của các thị trường đối tác lớn.
Theo Bộ Công Thương, tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Bộ Công Thương cho biết, việc các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm. Trong khi đó, các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa. Đặc biệt là các ngành hàng như dệt may, da - giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng.
Đáng chú ý, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng…
Trước tình cảnh khó khăn, Vitas mong muốn sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc tiếp cận thông tin về thị trường ở Mỹ, EU, Nhật Bản..., bởi mọi biến động thế giới đều “dội” vào ngay vào ngành dệt may khi chủ yếu tập trung vào xuất khẩu.
Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho rằng, giải pháp lúc này là đẩy mạnh xúc tiến thương mại để bù đắp sự thiếu hụt đơn hàng. Tổng Thư ký Phan Thị Thanh Xuân thông tin, Hiệp hội đang xây dựng danh sách các doanh nghiệp da giày có thể xuất khẩu và mong muốn gửi tới các cơ quan Thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó, các cơ quan Thương vụ có thể tổ chức buổi gặp gỡ trực tuyến giữa bên mua có nhu cầu với hàng da giày Việt Nam với doanh nghiệp Việt. Đây là cách kết nối nhanh nhất mà các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài có thể hỗ trợ.
“Thương vụ Việt Nam tại Chile có giới thiệu về những chiếc cặp mà các đối tác đang cần. Chúng tôi thấy rằng doanh nghiệp da giày Việt Nam hoàn toàn làm được, quan trọng là có thông tin hay không”, bà Xuân nói.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam thì đề nghị Nhà nước có giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp điện tử, trong đó nhấn mạnh tới chiến lược “ngoại giao đơn hàng” như đã từng làm “ngoại giao vắc xin”. Ngoại giao đơn hàng chính là sử dụng hiệu quả hơn nữa những mối quan hệ, tận dụng các thông tin từ các Đại sứ quán, các Thương vụ, các đầu mối phụ trách về xúc tiến thương mại, đầu tư ở nước ngoài của Việt Nam để kết nối thị trường điện tử, doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Các đoàn ngoại giao cấp Chính phủ, bộ, ngành, khi đi ra bất cứ thị trường quốc tế nào cũng cần ưu tiên tìm kiếm đơn hàng mới cho doanh nghiệp trong nước.
Nhật Linh