Số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 4/8, giá gạo 5% tấm xuất khẩu tiếp tục tăng 20 USD/tấn và vượt mức 600 USD/tấn, lên 618 USD/tấn, thu hẹp khoảng cách với gạo Thái Lan chỉ còn 7 USD/tấn.
Giá gạo 5% tấm của xuất khẩu của Việt Nam đã vượt mốc 600 USD/tấn. |
Cùng với đó, gạo 25% tấn cũng đã tăng thêm 20 USD/tấn so với ngày trước đó, lên 598 USD/tấn, bỏ xa các đối thủ cùng khu vực là Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ngay khi có thông tin về lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá thóc gạo trong nước tăng nhanh theo từng ngày (trung bình mỗi ngày tăng từ 50 - 100 đồng/kg). Giá gạo nguyên liệu tại một số địa phương đã tăng từ 400 - 500 đồng/kg so với thời điểm ngày 20/7/2023 (lệnh cấm của Ấn Độ có hiệu lực).
Nhiều doanh nghiệp phản ánh, giá gạo trong nước đang cao hơn giá gạo xuất khẩu nên doanh nghiệp rất khó mua bán, vì khách hàng không mua giá cao, nếu khách hàng mua thì doanh nghiệp cũng không dám bán, chỉ doanh nghiệp nào đã có được hàng trong kho mới dám ký hợp đồng bán.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, dự kiến năm 2023, cả nước gieo trồng được 7,1 triệu ha lúa, năng suất trung bình đạt 6,07 tấn thóc/ha, sản lượng đạt trên 43,1 triệu tấn, tăng 452.000 tấn so với năm 2022.
Hiện, các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ gieo cấy vụ Mùa và vụ Thu Đông năm 2023, thu hoạch vụ Hè Thu năm 2023 (diện tích vụ Thu Đông tăng 50.000 ha lên mức 700.000 ha). Các địa phương cũng đã thu hoạch gần 3,7 triệu ha, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2022. Năng suất bình quân đạt 65,7 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha nên sản lượng lúa thu hoạch 7 tháng năm 2023 đạt trên 24,1 triệu tấn, tăng 0,4%.
Từ nay đến cuối năm, nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết thì sản lượng thóc sẽ đảm bảo kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu thóc, gạo trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Lượng thóc dành cho xuất khẩu trong năm nay khoảng trên 15,1 triệu tấn, tương đương trên 7,5 triệu tấn gạo.
Theo số liệu của cơ quan liên Bộ, trong 7 tháng đầu năm 2023, lượng gạo xuất khẩu ước đạt 4,83 - 4,84 triệu tấn. Như vậy, lượng gạo hàng hóa sản xuất phục vụ cho 5 tháng cuối năm còn khoảng 2,66 – 2,67 triệu tấn (chưa kể lượng thóc, gạo nhập khẩu hàng năm từ Campuchia về để phục vụ chế biến).
Hàng năm, theo thống kê ngoài lượng thóc, gạo hàng hóa sản xuất trong nước còn lượng thóc, gạo từ Campuchia (chế biến) và Ấn Độ để phục vụ sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước. Hiện, nguồn gạo phẩm cấp thấp từ Ấn Độ đã không còn sau lệnh cấm nên khả năng sẽ phải bù đắp từ nguồn trong nước.
Thy Lê