Những ngày vừa qua, cơ quan chức năng Việt Nam tại các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) cùng với các cơ quan chức năng Dubai đã vào cuộc để sớm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp (DN) Việt Nam, sau khi xuất khẩu 5 lô hàng nông sản, giá trị hơn nửa triệu USD nhưng chưa được thanh toán.
Rất khó lấy lại số tiền hàng bị chiếm đoạt
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam chia sẻ, các DN bị thiệt hại có quy mô nhỏ, vốn mỏng, dựa vào nguồn vốn vay lớn từ ngân hàng. Do vậy, DN mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ để sớm đòi lại số tiền đã mất, tránh được các thiệt hại lớn hơn.
Lừa đảo thương mại quốc tế gia tăng, doanh nghiệp xuất khẩu có nguy cơ mất trắng tiền hàng. |
Được biết, bên mua và bên bán thực hiện hình thức bảo lãnh thanh toán qua ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng thu hộ là Ajman Bank BJSC trao bộ chứng từ gốc cho bên mua lấy hàng nhưng chưa thanh toán cho các nhà bán hàng Việt Nam.
Ông Trương Xuân Trung, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cho biết, Thương vụ đang làm việc với các cơ quan liên quan để đề nghị các cơ quan tạm dừng giao lô hàng hoa hồi ở cảng, đồng thời hỗ trợ lấy lại tiền 4 container đã mất cho các DN Việt Nam.
Ở tình cảnh này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, các DN Việt Nam chỉ có thể đòi tiền từ phía ngân hàng Ajman Bank BJSC và họ sẽ có trách nhiệm đòi tiền từ bên mua, nhưng để làm được việc này phía DN Việt Nam cần phải chứng minh được bộ chứng từ gốc đã được chuyển tới ngân hàng.
Theo ông Hải, điểm chung của vụ này cũng như vụ lừa đảo 100 container điều ở Italia là do đơn vị chuyển phát các chứng từ không giao được đúng bộ chứng từ gốc cho người có trách nhiệm ở ngân hàng người mua. Đây là lỗ hổng trong quy trình.
Trong khi vụ 5 container nông sản, giá trị hơn nửa triệu USD có nguy cơ bị chiếm đoạt ở UAE vẫn đang trong quá trình giải quyết thì Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam tiếp tục phát đi cảnh báo với cộng đồng DN trước lo ngại về lừa đảo thương mại quốc tế gia tăng. Thông tin nêu rõ, hiện có một nhóm đối tượng lừa đảo lập các trang web chuyên nghiệp (ví dụ: https://freshbazaar.co, số điện thoại +971544584063 và hỏi nhiều mặt hàng như: trái cây, rau, gia vị, mật ong, hạt mè, hạt hướng dương, hồ tiêu, bơ, bột mì, trà, ngũ cốc, gạo, đường...
Do đó, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đề nghị các DN cần thận trọng với các đối tác, đặc biệt là tại khu vực Trung Đông, Dubai, UAE. Cần tiến hành xác minh đối tác, kiểm tra thông tin với các nhà xuất khẩu khác, xác minh ngân hàng, chọn lựa phương thức thanh toán an toàn... để tránh xảy ra những thiệt hại đáng tiếc trong tình hình hiện nay một số vụ việc có dấu hiệu lừa đảo vẫn chưa giải quyết được.
Nỗi lo không chỉ riêng ngành hồ tiêu, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cũng cho biết, về vụ lừa đảo xuất khẩu 5 container hạt điều sang Algeria. Trong tháng 4 vừa qua, Vinacas đã phát thông tin về vụ việc 5 container hạt điều xuất khẩu của một DN Việt Nam bị Hải quan Algeria thu giữ và bán đấu giá do xảy ra tranh chấp với đối tác, với trị giá lô hàng là 466.900 USD (~11 tỷ VND).
Theo Vinacas, số vụ lừa đảo xảy ra ngày càng nhiều, gây thiệt hại lớn cho DN xuất khẩu Việt Nam. Việc dễ dàng bị lừa ngay cả hồ sơ đến ngân hàng phía người mua cho thấy cần phải tính toán, xem xét lại phương án giao dịch mỗi khi thực hiện hợp đồng.
Thận trọng chọn đối tác
Theo bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Canada, trong thời gian gần đây, số lượng các vụ lừa đảo DN Việt Nam có liên quan đến Canada đang gia tăng nhanh chóng. Nhiều vụ việc lừa đảo liên quan đến một số cá nhân/chủ DN có gốc từ những nhóm sắc tộc đặc thù. Phức tạp hơn là hiện nay, một số cá nhân tự tiếp cận hồ sơ đăng ký kinh doanh của các DN lớn, có uy tín cao, có danh tiếng của Canada, download đăng ký kinh doanh và dùng vỏ bọc của các DN; dùng tên của các chủ DN này để đi lừa đảo các DN Việt Nam.
“Các DN Việt Nam cần lưu ý, khi các DN Canada nhập khẩu đề nghị bên xuất khẩu tự đứng ra làm các chứng chỉ của Canada và coi đây là yêu cầu bắt buộc của giao dịch thì hầu hết đều là lừa đảo vì các DN nhập khẩu thường sẽ đứng ra thực hiện các thủ tục của sở tại. Các chứng chỉ như Canadian Anti-Terrorist Clearance Certificate, Canadian Food Inspection Agency, Canada Border Services Agency… đều không có thật”, bà Quỳnh cho hay.
Theo khảo sát từ Pwc Việt Nam, năm 2022, khoảng 50% số DN xuất khẩu Việt Nam được hỏi từng có nguy cơ bị rủi ro thương mại quốc tế, nghĩa là cứ 2 DN, có 1 DN từng đối mặt với nguy cơ giao hàng mà không nhận được tiền trong giao dịch quốc tế, chủ yếu nằm ở khâu thanh toán.
Hàng loạt DN mất tiền lên tới hàng triệu USD năm 2016 cũng là một bài học đau xót và không thể quên với ngành thủy sản. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, những điều khoản về giải quyết khiếu nại tố cáo khá sơ sài, thậm chí không có.
Với tình hình hiện nay, các Hiệp hội, cơ quan chức năng khuyến cáo DN cần chọn lọc đối tác để bán hàng. Đối với khách hàng mới, DN xuất khẩu nên trao đổi với đơn vị liên quan để phối hợp với thương vụ Việt Nam tại nước sở tại thẩm định năng lực, cũng như thông tin khách hàng để đảm bảo đó là giao dịch an toàn.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải khuyến nghị, các DN phải tìm kiếm bạn hàng mở rộng thị trường, đồng thời chấp nhận rủi ro. Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị, DN nên đánh giá độ tín nhiệm, xác minh lý lịch đối tác thông qua các tổ chức tư vấn, vì họ có kho dữ liệu lớn, cập nhật thông tin đóng thuế của đối tác... Tuy nhiên, DN Việt Nam buộc phải trả một mức phí để sử dụng các dịch vụ trên.
Ông Bùi Trung Thướng Tham tán Thương mại - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ Giao hàng lên tàu không có nghĩa là DN yên tâm tiền sẽ về tài khoản. Còn rất nhiều vấn đề khác chúng ta không lường trước được. DN Việt Nam cần liên tục cập nhật thông tin hàng hóa đang trong quá trình nào. Từng khâu một cần gửi thông tin cho đối tác, yêu cầu xác nhận, đúng điều khoản thanh toán và không nên nhân nhượng. Những điều khoản chuyển đổi rủi ro, DN cần nắm thật kỹ, tránh sa vào bẫy lừa đảo. Bà Nguyễn Thị Huyền Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex) Khi bán hàng, DN cần yêu cầu đối tác đặt cọc. Việc đặt cọc này thể hiện cam kết khách hàng sẽ lấy hàng và mua hàng. Tuy nhiên, nhiều DN do chỉ mong muốn bán được hàng và mong muốn tạo cơ hội tốt nhất cho khách hàng mua hàng của mình, vì thế họ không yêu cầu khách hàng đặt cọc. Khi không yêu cầu khách hàng đặt cọc, cùng với việc sử dụng phương thức thanh toán nhờ thu kèm chứng từ (D/P) hay thanh toán COD (Cash on Delivery) là một dịch vụ giao hàng thu tiền hộ được sử dụng phổ biến trong giao dịch mua bán hàng hóa. Việc này đâu đó đã tạo ra sự rủi ro và không an toàn cho giao dịch thương mại quốc tế. Ông Vũ Đức Giang Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Đa dạng hóa thị trường là mục tiêu phải đi được, không có con đường nào khác. Tuy nhiên con đường tìm đến thị trường mới cũng chẳng bao giờ bằng phẳng, DN đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là liên quan đến thanh toán. Trong bối cảnh thị trường khó khăn, các đối tác quốc tế luôn tìm cách gây áp lực, không còn đàm phán bình đẳng, thậm chí khách hàng cũng không sử dụng phương thức thanh toán an toàn như L/C, mà yêu cầu thanh toán bằng chuyển tiền với độ trễ 30-60 ngày, thậm chí 90 ngày, điều này tạo ra rủi ro lớn cho DN. |
Nhật Linh