Ông Lương Đăng Sơn, Giám đốc CTCP cung ứng thực phẩm sạch Sài Gòn (SagoFood), cho biết để tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng trẻ qua kênh thương mại điện tử (TMĐT), công ty đã làm các video ngắn về sản phẩm để đăng tải trên Tiktok (một ứng dụng tạo ra các video ngắn).
Để mắt tới những ứng dụng đang thịnh hành
“Tuy nội dung video có tính chất “nhí nhố” một chút nhưng có thể thu hút cả triệu người xem, đó cũng là một cách để tạo ra sức lan toả cho thương hiệu của công ty nhằm tăng hiệu quả bán hàng qua các sàn TMĐT”, ông Sơn nói.
Các chủ DN cần để mắt đến những ứng dụng trực tuyến trên điện thoại đang bước vào “cuộc chơi” ở Việt Nam để từ đó có các chiến lược truyền thông, quảng cáo mục tiêu nhằm tăng hiệu quả bán hàng trên kênh trực tuyến. |
Các số liệu trích dẫn từ Công ty nghiên cứu thị trường Kantar được giới chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn TMĐT Việt Nam - Vietnam Online Business Forum 2022 tổ chức ở Tp.HCM ngày 10/5 cho thấy, cứ 3 người dùng TikTok thì có 1 người cho biết họ tìm hiểu về sản phẩm hoặc thậm chí mua hàng sau khi xem video trên ứng dụng này.
Bà Lương Thị Nhật Phương, Quản lý Nhà bán hàng TikTok Shop Việt Nam, dẫn lại khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy 54% người dùng tại Đông Nam Á thừa nhận rằng họ đã mua 1 sản phẩm nào đó mà họ đã thấy trên TikTok.
Theo bà Phương, qua đó để thấy ứng dụng video ngắn này giúp người dùng biết nhiều hơn về các thương hiệu, và thậm chí sẵn sàng mua hàng, tất cả chỉ trong một video dài dưới 3 phút.
“Sáng tạo nội dung thú vị là một trong những phương án để thành công bán hàng trên các ứng dụng trực tuyến. Hợp tác với những người có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội (Influencers), người dẫn dắt dư luận chủ chốt (KOL) là điểm cộng vì tiết kiệm chi phí, chỉ cần gửi tặng để họ review (xem xét, đánh giá sản phẩm), chia sẻ hoa hồng hoặc tiếp thị liên kết để quảng bá sản phẩm”, bà Phương nói.
Vì vậy, các doanh nghiệp (DN) Việt rất cần để mắt đến những ứng dụng trực tuyến đang bước vào “cuộc chơi” ở Việt Nam và trong khu vực (đặc biệt là nhắm vào thế hệ trẻ) để từ đó có các chiến lược truyền thông, quảng cáo mục tiêu nhằm tăng hiệu quả bán hàng trên kênh trực tuyến không chỉ ở trong nước mà cho cả thị trường khu vực và trên thế giới.
Điều này cũng có thể liên hệ đến các DN trong ngành du lịch. Bà Hoàng Anh Thư, nhà hoạch định chiến lược cấp cao của Pencil Group, cho rằng các chủ DN thuộc ngành du lịch muốn phục hồi và tăng trưởng đột phá sau đại dịch Covid-19 thì cần tập trung đẩy mạnh đổi mới truyền thông điểm đến.
Cụ thể như ngắn hơn, nhiều hơn. Chẳng hạn như triển khai video ngắn, thân thiện với giao diện Tiktok, Youtube shorts (những video dọc có độ dài khoảng 15 giây trên kênh Youtube), Instagram stories (một bức ảnh tĩnh hoặc đoạn clip dài 15 giây trên nền tảng Instagram)…
Tạo dựng thương hiệu trực tuyến, đầu tư mạnh vào đa kênh
Theo bà Thư, các DN trong ngành du lịch cũng nên gần gũi hơn với các khoảnh khắc đời sống, cộng tác với các nhà sáng tạo nội dung. DN cũng cần thay đổi tư duy từ làm quảng cáo sang làm nội dung, tạo các nền tảng khuyến khích người dùng tự sáng tạo.
Bàn về chiến lược TMĐT để phát triển DN từ trong nước cho đến quốc tế, ông Tom Peng, Giám đốc điều hành GoSELL, nhấn mạnh để phục hồi tốt sau đại dịch Covid-19 và tăng trưởng doanh số trong nước trở lại, các chủ DN vừa và nhỏ của Việt Nam nên nỗ lực xây dựng thương hiệu trực tuyến (online) với website và kết hợp với các ứng dụng trực tuyến.
Theo ông Tom Peng, các DN nên sử dụng retargeting (là việc giữ thương hiệu trong tâm trí của những người đã mua sản phẩm) để giúp khách hàng nhớ đến thương hiệu. Nhất là cần tận dụng nền tảng tiếp thị liên kết sẵn có để tăng lượng khách hàng và tạo nên một chương trình khách hàng thân thiết để níu giữ lượng khách hàng trung thành với thương hiệu.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia lưu ý, để nắm bắt cơ hội phục hồi và tăng trưởng đột phá sau đại dịch, các chủ DN nên có sự đầu tư mạnh vào hành vi mua sắm đa kênh của khách hàng để tạo nên một trải nghiệm liền mạch giữa trực tuyến (online) và ngoại tuyến (offline), bởi khuynh hướng mua sắm đa kênh đang càng ngày được ưa chuộng.
Trên thực tế, nhiều DN Việt đã theo lối đi này hoặc có những xoay chuyển, thích ứng kịp thời, giúp cho hoạt động phân phối, bán hàng trở nên hiệu quả hơn.
Như chia sẻ của ông Tô Huỳnh, thành viên lãnh đạo Công Ty TNHH Rau hữu cơ Surifarm (chuyên sản xuất các loại thực phẩm khô từ rau củ quả hữu cơ): Nhờ có sự xoay chuyển kịp thời ngay trong giai đoạn bùng phát của đại dịch Covid-19 nên doanh thu qua kênh bán hàng TMĐT đã tăng lên rõ rệt, hiện chiếm 60% tổng doanh thu của công ty, 40% doanh thu còn lại thuộc về kênh bán lẻ truyền thống.
Nhấn mạnh về xu hướng mua sắm đa kênh (trong đó có sự kết hợp giữa online với offline) không chỉ đang gia tăng ở trong nước mà còn ở trên toàn cầu, ông Nguyễn Tấn Vương, đại diện NielsenIQ Việt Nam, cho biết ở Mỹ, 40% người mua sắm các sản phẩm thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh là những người mua sắm đa kênh.
Còn ở Trung Quốc, mô hình mua sắm đa kênh tăng trưởng đến 78%. Trong khi tại Thái Lan, chi tiêu cho mua sắm đa kênh cao gấp đôi so với mua sắm ngoại tuyến (offline).
Qua đó, theo ông Vương, để nắm bắt cơ hội phục hồi và tăng trưởng đột phá sau đại dịch, các chủ DN nên có sự đầu tư mạnh vào hành vi mua sắm đa kênh của khách hàng để tạo nên một trải nghiệm liền mạch giữa online và offline, bởi khuynh hướng mua sắm đa kênh đang càng ngày được ưa chuộng.
Thế Vinh