Theo số liệu mới đưa ra từ Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu 6 tháng đầu năm 2022 từ thị trường Trung Quốc ước đạt 672.000 tấn với trị giá 1,37 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguy cơ phải tự bù lỗ
Những chủng loại nhựa được nhập nhiều từ thị trường này là PVC, PP, PET, PE. Trong đó, PVC là chủng loại chất dẻo nguyên liệu được nhập nhiều nhất (chiếm tỷ trọng 21,1%) với giá nhập khẩu trung bình 1.461 USD/tấn, tăng 12,1%.
Do giá nguyên liệu nhập khẩu chưa thể “hạ nhiệt”, thậm chí có thể tăng cao, có tới 93% doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo dự báo chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm trong quý III tăng và giữ nguyên. |
Giá nhập khẩu nhựa PET từ thị trường Trung Quốc cũng tăng đến 20,2%, trung bình đạt 1.150 USD/tấn. Nhập khẩu nhựa PU trong 5 tháng đầu năm nay đã tăng 39,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, giá trung bình tăng 10,2%, đạt 3.454 USD/tấn.
Theo giới phân tích, các doanh nghiệp (DN) ngành nhựa trong nước đang trải qua nhiều khó khăn vì tình trạng giá nhập khẩu nguyên liệu nhựa từ Trung Quốc tăng như trên.
Do chi phí nguyên liệu nhập khẩu đầu vào tăng nên DN ngành nhựa phải tăng giá sản phẩm đầu ra 5-10% tùy từng loại mặt hàng. Thế nhưng, cái khó đối với các nhà xuất khẩu sản phẩm nhựa là rất khó đàm phán với đối tác để tăng giá nhằm bù đắp chi phí đầu vào, không những vậy còn gặp tình trạng giảm đơn hàng.
Hoặc như ở ngành xây dựng. Theo kết quả khảo sát mới đây của Tổng cục Thống kê, trong quý II/2022, có hơn một nửa DN nhận định chi phí nguyên vật liệu trực tiếp tăng so với quý I/2022. Với quý III/2022, có đến 60,7% DN dự báo chi phí nguyên vật liệu tăng so với quý II/2022.
Nhiều DN, nhà thầu xây dựng cho biết đang đứng trước nguy cơ phải tự bù lỗ đối với các hợp đồng đã ký khi giá nguyên vật liệu tăng. Không những vậy, “bão giá” các loại vật liệu xây dựng như thép, xi măng, nhựa đường, cát, đá xây dựng… cũng làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân đầu tư công và đem đến nhiều lo lắng cho các bên tham gia những dự án hạ tầng lớn.
Trong khi đó, theo Bộ Xây dựng, giá các loại vật liệu xây dựng như thép, nhựa đường, xi măng, cát, đá, gạch... sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm do ảnh hưởng tăng giá từ thị trường nguyên liệu nhập khẩu, chi phí khai thác, sản xuất trong nước tăng. Hơn nữa, những tháng cuối năm là mùa xây dựng nên nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng sẽ cao hơn.
Vừa lo thiếu vốn vừa lo tìm nguyên liệu thay thế
Ngoài ra, cũng theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê đối với các DN thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tới có 93% DN dự báo chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm trong quý III tăng và giữ nguyên so với quý II. Trong khi đó, có 94,7% DN dự báo tăng và giữ nguyên giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm.
Trước dự báo chi phí sản xuất tăng do giá nguyên liệu đầu vào trong thời gian tới chưa thể "hạ nhiệt", dẫn đến tình trạng dù đơn hàng xuất khẩu nửa cuối năm có dồi dào, nhưng nhiều DN trong mảng chế biến, chế tạo không dám nhận nhiều đơn hàng lớn.
Bởi, các DN vừa lo “bão giá”, vừa lo thiếu nguyên liệu sản xuất khiến chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, rồi đến mối lo đơn giá xuất khẩu không tăng trong khi chi phí đầu vào biến động quá nhanh.
Mặt khác, do chi phí nguyên vật liệu chưa thể "hạ nhiệt" khiến nhu cầu vốn để mua dự trữ nguyên liệu đối với DN lại tăng thêm, trong khi thực tế tiếp cận vốn vay hiện nay vẫn rất khó khăn.
Như DN trong ngành thực phẩm, giá nguyên liệu nhập từ nước ngoài đều tăng từ 20%-30%, chẳng hạn lúc trước cần khoảng 100 tỷ đồng để dự trữ nguyên vật liệu, giờ chi phí tăng đẩy tiền mua dự trữ thêm 50%, tức là phải cần đến khoảng 130 tỷ đồng, thậm chí hơn.
Tuy vậy, dù nhu cầu vốn của DN có tăng để “thích ứng” với chuyện giá nguyên liệu nhập khẩu tăng, nhưng theo Ts. Bùi Duy Tùng (Đại học RMIT), việc đi vay trong thời điểm này không được khuyến khích do rủi ro và chi phí đi vay sẽ cao hơn trong thời kỳ lạm phát. Đối với những DN có tiềm lực tài chính không tốt thì việc bảo toàn vốn sẽ quan trọng hơn là việc phát triển trong thời gian lạm phát cao.
Trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, thay vì lo thiếu vốn, lo ngóng chờ giá nguyên liệu nhập khẩu “hạ nhiệt”, điều mà các DN cần lo là nên tìm nguồn nguyên liệu thay thế ở trong nước để rút ngắn thời gian, chi phí vận chuyển và chủ động được sản xuất.
Đặc biệt là khi lạm phát xảy ra, không phải giá cả của tất cả các mặt hàng đều tăng bằng nhau, có những hàng hóa tăng ít hơn những loại khác. Do đó, DN có thể sử dụng những nguyên liệu thay thế rẻ hơn để tiết giảm chi phí.
Theo ông Dũng, để vượt qua khó khăn khi mà giá nguyên vật liệu nhập khẩu chưa thể “hạ nhiệt”, các DN cũng nên tiếp tục ứng dụng công nghệ vào trong quản lý sản xuất để giảm chi phí đầu vào.
Thế Vinh