Trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước đang tăng cao kỷ lục, Ts. Bùi Duy Tùng (Đại học RMIT) cho rằng, với cùng một mức thu nhập, người dân chỉ mua được một lượng hàng hóa ít hơn khi giá xăng tăng, hay sức mua của người dân sẽ giảm. Tác động của tăng giá xăng đến sức mua sẽ lớn nhất ở nhóm người có thu nhập thấp và trung bình trong xã hội.
Nhạy cảm với thay đổi giá, thận trọng chi tiêu
Ngoài ra, theo ông Tùng, đối với người dân, lạm phát sẽ tác động mạnh nhất đến những người có thu nhập thấp và trung bình ở khu vực thành thị. Thu nhập của họ chủ yếu đến từ tiền lương, thường là cố định trong một khoảng thời gian dài.
Người tiêu dùng Việt đang có sự nhạy cảm về thay đổi giá và ngày càng thận trọng trong chi tiêu. |
“Cho nên khi lạm phát xảy ra (giá cả hàng hóa tăng lên) thì số lượng hàng hóa mà họ mua được sẽ ít đi với cùng một mức lương cố định đó. Điều này dẫn đến chất lượng cuộc sống sẽ giảm đi. Đây là nhóm đối tượng cần được quan tâm nhất trong thời bão giá”, vị tiến sĩ của RMIT lưu ý.
Còn theo Ts. Philip C. Zerrillo (Đại Học Thammasat Thái Lan), lạm phát trên toàn cầu trong 15 – 18 tháng qua đã tăng vọt. Vào tháng 5/2022 vừa qua chỉ số giá cả, các mặt hàng nông sản trên toàn cầu đã tăng cao tới 41% so với tháng 1/2021. Các sản phẩm nông sản từ bắp, lúa mì, tăng từ trên 54 – 60% so với tháng 1 năm ngoái.
Chia sẻ với các doanh nghiệp (DN) Việt trong ngành hàng tiêu dùng, Ts Zerrillo nói rằng một trong những yếu tố thúc đẩy sự gia tăng này là nhiên liệu, nhất là với các quốc gia nhập khẩu. Vấn đề này quan trọng hơn nhiều với những quốc gia có đồng tiền nội địa yếu.
“Như vậy, các quốc gia thu nhập thấp, trung bình sẽ thay thế các thực phẩm hàng ngày bằng thực phẩm có chất lượng thấp hơn. Đó là điều tôi cực kỳ lo lắng”, ông Philip C. Zerrillo bày tỏ.
Để vượt qua thời kỳ lạm phát cao, Ts. Bùi Duy Tùng nhấn mạnh người dân có thu nhập thấp và trung bình cần phải hết sức cẩn thận trong việc chi tiêu do không có nhiều thu nhập thụ động ngoài lương.
“Người dân cần phải lên kế hoạch chi tiêu rõ ràng và chỉ chi tiêu vào những mục đích thực sự cần thiết. Việc cần thiết là phải bảo vệ tài sản và tiền bạc của mình để vượt qua thời kỳ lạm phát”, ông Tùng lưu ý thêm.
Tại hội thảo bàn về xu hướng tiêu dùng sau đại dịch Covid-19 do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ở Tp.HCM vào cuối tuần qua, bà Nguyễn Cao Ngọc Dung, Quản lý cấp cao tại Nielseniq Việt Nam, nhận định người tiêu dùng Việt Nam nói riêng và ở châu Á nói chung đang có sự nhạy cảm về thay đổi giá và sẽ sẵn sàng giảm số lượng nếu giá tăng.
Định hướng lại cuộc cạnh tranh
Trong lần khảo sát mới đây nhất của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy, có 69% người tiêu dùng châu Á đang thay đổi hành vi mua sắm do quan ngại về giá cả. Bên cạnh đó, có 85% người tiêu dùng châu Á quan tâm về vấn đề chi phí, thay đổi hình thức mua sắm và tiêu dùng.
Riêng với người tiêu dùng Việt, có đến 83% người tham gia khảo sát cho biết đã giảm thiểu việc ăn uống bên ngoài. Theo đó, người tiêu dùng điều chỉnh thói quen ăn uống tại nhà nhiều hơn, khiến cho các nhà sản xuất, nhà bán lẻ phải đưa ra các giải pháp giao hàng tại nhà.
Không chỉ vậy, bà Dung cho biết ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) Việt Nam được cho là có tín hiệu hồi phục, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng vẫn chưa khả quan.
Hơn thế nữa, người tiêu dùng ngày càng chuộng hàng nội địa (với tỷ lệ 59%). Họ ưu tiên sử dụng hàng Việt vì biết nguồn gốc, ủng hộ DN Việt. Song song đó, họ mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn sau đại dịch (với tỷ lệ 63%).
Trước sự thay đổi khá nhanh và quyết liệt của người tiêu dùng, giới chuyên gia khuyến nghị các DN Việt cần nắm chắc để tiên liệu, định hướng lại cuộc cạnh tranh và phát triển của DN mình trong thời gian tới.
Vấn đề đặt ra là sau đại dịch, nhu cầu tiêu dùng đang chịu tác động mạnh bởi cơn “bão giá” và hàng loạt thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng sẽ định hình lại việc kinh doanh của từng DN như thế nào?
Giới chuyên gia cho rằng khi mà các nguồn lực chung của xã hội và mỗi DN đã bị hao hụt không ít sau 2 năm đại dịch, cộng với tình hình “bão giá” như hiện tại, các DN cần nắm rõ bức tranh chung của cục diện kinh doanh sắp tới và thông tin về thị trường, người tiêu dùng để kinh doanh đúng hướng.
Ở góc độ DN trong ngành thực phẩm, để tăng vị thế cạnh tranh, ông Nguyễn Thanh Mỹ – Chủ tịch Công ty Mỹ Lan Group, cho rằng đây là thời gian mà các DN cần quan tâm, chú trọng hơn việc đóng gói bao bì, sắp xếp lại sản phẩm sao cho phù hợp với hình thức bán trực tuyến (online).
Mặt khác, theo ông Mỹ, các DN có thể bán hàng qua hình thức máy bán thực phẩm thông minh. Và dù cách đóng gói bao bì mới để bán trong máy bán hàng tự động có thể sẽ đắt hơn, nhưng an toàn, tiện dụng và bán trực tiếp tới người tiêu dùng.
Còn theo ông Nguyễn Văn An, Tổng giám đốc Công ty Vissan, công ty đang tạo ra các dòng sản phẩm mới nhiều dinh dưỡng cho người dùng có thể cải thiện hơn cho sức khỏe.
Ông An cho biết, hiện nay phía công ty đang chuyển mình mạnh mẽ ở mạng bán hàng online, trên các sàn thương mại điện tử hay các website mà DN xây dựng trong thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh, và cho đến thời điểm này, người tiêu dùng vẫn quen với việc mua sắm như vậy.
Thế Vinh