Tại Tọa đàm"Chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, duy trì dòng chảy xuất khẩu hàng hóa" sáng 1/11, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) thông tin, thời gian gần đây số lượng các vụ việc bị điều tra phòng vệ thương mại tăng từng ngày.
Gia tăng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại
Cụ thể, tính đến hết tháng 9/2024 Việt Nam đối mặt 263 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường và vùng lãnh thổ. Trong đó, hơn một nửa vụ việc điều tra chống bán phá giá, 37 vụ việc điều tra chống lẩn tránh, 27 vụ việc điều tra chống trợ cấp và 52 vụ việc điều tra tự vệ. Tính chất các vụ việc có xu hướng điều tra khắt khe hơn, nguy cơ đối diện với các rủi ro của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam là rất lớn.
Gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ là một trong những mặt hàng bị các thị trường khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất. |
Cùng với nhiều mặt hàng xuất khẩu như thép và thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ là một trong những mặt hàng bị các thị trường khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất. Đặc biệt thời gian gần đây xuất hiện nhiều vụ việc chống lẩn tránh phòng vệ thương mại.
“Nếu như trước đây các vụ việc chủ yếu điều tra về gian lận, không khai báo xuất xứ hàng hóa từ nước thứ 3 qua Việt Nam xuất khẩu đi, nhưng giờ đây họ điều tra các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam có tạo ra hàm lượng giá trị gia tăng (VAT) tại thị trường Việt Nam hay không hay chỉ trải qua một số công đoạn. Đó chính là một trong những trở ngại mà các DN phải đối diện” – ông Trung thông tin.
Ông Ngô Sĩ Hoài - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ, gỗ là một trong những ngành hàng top đầu trong các ngành chế biến xuất khẩu bị điều tra phòng vệ thương mại. Theo Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện gỗ dán Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc đang bị áp thuế trên dưới 10%, ghế sofa xuất khẩu vào Canada bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đến trên dưới 100%.
Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của sản phẩm gỗ Việt Nam, chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu thì các doanh nghiệp cũng đã bị áp thuế chống lẩn tránh thuế đối với sản phẩm gỗ dán. 37 doanh nghiệp của Việt Nam kinh doanh sản phẩm cũng đã bị vào danh sách đen của Hoa Kỳ.
"Bị điều tra và áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại, tự vệ thương mại là một nguy cơ, một rủi ro lớn mà doanh nghiệp gỗ đang phải đối diện", ông Hoài nhấn mạnh.
Do đó, ông Ngô Sĩ Hoài cũng đồng thời lưu ý, doanh nghiệp cần tự trang bị cho mình những kiến thức về phòng vệ thương mại, tăng cường kiểm soát chuỗi cung ứng đồng thời lưu lại các bằng chứng.
"Một số trường hợp do các quy trình thủ tục quá phức tạp cộng với thời gian ngắn nên các doanh nghiệp khai báo không cẩn thận, tạo ra những mâu thuẫn. Cũng có những doanh nghiệp không hợp tác đều bị liệt vào danh sách đen", ông Hoài lấy ví dụ.
Nói về lý do, ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, việc không công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường cũng là nguyên nhân khiến Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp lên Việt Nam.
Đồng thời, một trong những chính sách trong thời điểm này của các ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ là hướng trọng tâm về nội bộ nước Mỹ, tập trung vào ngành sản xuất trong nước.
"Thiệt hại rõ ràng khi Việt Nam phải mất nhiều thời gian, nguồn lực tham gia những vụ kiện sau đó là các ràng buộc về hành chính. Ngoài ra, điều này sẽ khiến mức thuế cho các doanh nghiệp tăng cao, các doanh nghiệp nhập khẩu có xu hướng đề phòng và chuyển hướng hợp tác sang các thị trường khác. Đặc biệt, đây cũng là rủi ro khiến các nước khác khởi kiện Việt Nam nếu các vụ việc ở Mỹ đi đến kết luận mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp sản xuất tại Hoa Kỳ", ông Hưng nói.
Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó hiệu quả
Dưới góc độ pháp lý, ông Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB LAW cho rằng, mỗi quốc gia khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại lại có những quy định, thủ tục riêng.
Vì vậy, các biện pháp áp dụng cũng rất khác nhau. Xu thế là các quốc gia sẽ phải bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, vì vậy tính khách quan sẽ phải được đặt ra và gây bất lợi cho các doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp.
"Doanh nghiệp sẽ phải huy động những nguồn lực về nhân sự, về tài chính để theo đuổi các vụ việc. Có những vụ việc kéo dài đến 2 năm nên chi phí tương đối lớn. Ví dụ một số hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải thuê các công ty tư vấn và các công ty luật ở các nước sở tại để làm việc, đôi khi chi phí này lên tới hàng triệu USD", ông Hà nhấn mạnh.
Vị luật sư cho biết, nếu trong trường hợp không may mắn và bị áp dụng những biện pháp phòng vệ, các chế tài sẽ tăng thuế nhập khẩu lên khiến hàng hóa Việt Nam sẽ giảm tính cạnh tranh và đứng trước nguy cơ mất thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Chu Thắng Trung, hiện những biện pháp chống lẩn tránh cũng có tác động nhất định đối với ngành sản xuất Việt Nam. Việc chỉ những doanh nghiệp xuất khẩu những sản phẩm VAT lớn tại Việt Nam mới có thể xuất khẩu được sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư và phát triển, nâng cao hơn nữa hàm lượng VAT trong sản phẩm.
Đồng thời, đây cũng là cách để doanh nghiệp cơ cấu lại chuỗi cung ứng, sản xuất, cải thiện năng lực quản trị.
"Trong một số trường hợp sau khi có kết luận của các vụ việc chống lẩn tránh, chúng tôi quan sát thấy lượng xuất khẩu gần như không bị giảm và có được sự tăng trưởng cao. Điều đó thể hiện các biện pháp này chính là sự sàng lọc cho ngành, cho nền kinh tế Việt Nam, nâng cao VAT tạo ra từ các ngành xuất khẩu", ông Thắng cho biết.
Bên cạnh đó, theo Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, để chủ động hơn, các DN ngoài nắm thông tin, cần có sự tìm hiểu đi trước và có các chiến lược để tránh các rủi ro xảy ra tại thị trường mình cung cấp.
Nhằm giúp các DN xuất khẩu hạn chế những vi phạm, Chủ tịch Công ty Luật SB LAW Nguyễn Thanh Hà đề xuất Chính phủ cần có những động thái tăng cường thuyết phục, chứng minh cho Hoa Kỳ rằng Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng có thể tổng hợp tất cả các vụ việc, kinh nghiệm ứng phó vào 1 cuốn sách để doanh nghiệp có một cái nhìn tổng thể, toàn diện hơn.
Với doanh nghiệp, khi thuê công ty luật tại nước sở tại thì nên tập trung vào 1 công ty để họ có thể tập hợp dữ liệu và đưa ra những biện pháp đồng nhất. Đề phòng khi các thị trường khác khởi kiện, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng các hệ thống dữ liệu ở thị trường này để áp dụng cho thị trường khác.
"Vì lợi ích của mình cũng như của quốc gia, các doanh nghiệp không nên tiếp tay cho hành vi lẩn tránh, vì điều này không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà là cả một ngành. Chúng ta nên tập trung cạnh tranh chất lượng chứ không cạnh tranh về giá", Luật sư Hà nhấn mạnh.
Hồng Hương