Để vượt khó, phục hồi trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp kéo dài, ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (Vami) cho rằng, các doanh nghiệp (DN) trong ngành nên áp dụng mô hình sản xuất tinh gọn và linh hoạt.
Linh hoạt tồn tại hay là chết?
Sản xuất tinh gọn sẽ giúp DN giảm thiểu nhân công cũng như nguyên vật liệu, loại bỏ những chi phí không cần thiết. Theo ông Long, các DN cũng cần lựa chọn những sản phẩm có thị trường, có sức cạnh tranh.
Các DN cơ khí cần thay đổi quan điểm tổ chức sản xuất để vượt khó. |
Chia sẻ tại hội thảo trực tuyến mới diễn ra ở Tp.HCM được tổ chức bởi Công ty Informa Markets Vietnam với chủ đề “Ngành sản xuất – chế tạo Việt Nam: Mở đường cho các DN phục hồi sau đại dịch”, Chủ tịch Vami có lời khuyên đến các chủ DN cơ khí là cần phải thay đổi quan điểm tổ chức sản xuất để DN của mình tăng trưởng ổn định.
“Trong lúc này, các DN cần lựa chọn công cụ sản xuất thích hợp với công nghiệp 4.0 nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, rút ngắn thời gian sản xuất, cung ứng, cũng như giảm thiểu những lãng phí vô hình lẫn hữu hình. Hợp tác sản xuất giữa các DN cũng cần linh hoạt hơn nữa. Nếu không làm được như vậy, thời gian tới, các DN cơ khí chế tạo sẽ càng gặp nhiều khó khăn”, ông Long lưu ý.
Trong khi đó, ông Ngô Công Trường, Giám đốc chuyên môn CTCP Tư vấn và Giáo dục John & Partners cảnh báo, nếu như các chủ DN không có tư duy về cải tiến, đổi mới sáng tạo, tiết giảm chi phí hiệu quả thì sẽ rất nguy hiểm.
Bởi lẽ, trước đây trong việc vận hành ở DN ngành cơ khí quan tâm nhiều hơn về mặt chiến lược, nhưng theo ông Trường, thời điểm bây giờ, chiến lược phải nằm dưới tư duy. Tức là tư duy đi trước, chiến lược đi sau, khi có chiến lược thì hệ thống quy trình thay đổi, cuối cùng dẫn tới việc vận hành thay đổi.
“Do đó, nếu người chủ DN chịu trách nhiệm cuối cùng cho thành bại của DN không quan tâm đến việc này thì sẽ rất là nguy hiểm. Nhất là nếu DN trong ngành muốn tồn tại dài lâu thì phải tập trung nhiều hơn vào đổi mới sáng tạo. Đổi mới hay là chết, bắt buộc DN phải làm”, ông Trường nói.
Cũng theo vị giám đốc chuyên môn này, trước các áp lực trên thị trường như về tốc độ, linh hoạt, thích nghi, nếu phía DN cơ khí ngồi yên để chờ những yêu cầu mới từ khách hàng thì sẽ tiêu tốn quá nhiều thời gian và sẽ không chuẩn bị kịp để cung cấp cho khách hàng.
Chờ “lực kéo” từ doanh nghiệp đầu đàn
Hiện nay, ngành sản xuất cơ khí nội địa thường xảy ra tình trạng có nhiều DN cùng làm sản phẩm dịch vụ, khách hàng cũng có nhiều lựa chọn. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh lại ngày càng tăng lên, đặc biệt là sức ép từ sản phẩm dịch vụ của các DN cơ khí nước ngoài.
Ông Trường khuyến cáo DN nên chủ động sáng tạo để làm trước, tiên phong dẫn dắt thị trường. Và muốn có sản phẩm dịch vụ mới thì không có nghĩa chỉ là đầu tư về mặt công nghệ, mà còn phải đầu tư nhiều hơn về mặt R&D.
Theo đánh giá, do tác động liên hoàn của dịch Covid-19 đang khiến cho nhiều DN sản xuất cơ khí nội địa, nhất là các DN vừa và nhỏ gặp khó khăn trực tiếp lẫn gián tiếp trong cung ứng sản phẩm dịch vụ, trang thiết bị, máy móc hoặc sản xuất linh phụ kiện.
Không những vậy, việc đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt hoặc tăng giá cao với nguồn nguyên vật liệu đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu, lợi nhuận, đơn hàng xuất khẩu (XK) của nhiều DN trong ngành.
Cần thấy rằng, trong bối cảnh khó khăn này, trách nhiệm của các DN cơ khí đầu đàn trong việc dẫn dắt, làm “lực kéo” với các DN vừa và nhỏ cần phải được đẩy mạnh hơn nữa.
Trong các DN cơ khí nội địa dẫn đầu, CTCP ô tô Trường Hải (Thaco) được ghi nhận đang tiếp tục có nhiều nỗ lực nhằm tạo các bước tiến mới trên thị trường XK, bất chấp tác động của dịch bệnh.
Như đầu tháng 5/2021, DN này đã tiếp tục XK lô 50 sơmi rơmoóc sang thị trường Mỹ sau khi lô hàng đầu tiên gồm 69 sản phẩm cùng loại đã được XK thành công trong năm 2020. Tính riêng ở thị trường này, Thaco dự kiến sản lượng sơmi rơmoóc trong năm 2021 tăng gấp 5 lần sau năm đầu tiên XK, theo đó dự kiến sẽ xuất thêm 475 sản phẩm trong tháng 6 và quý III, quý IV/2021.
Đây là điều đáng ghi nhận khi mà hoạt động logistics gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến việc XK bị trì hoãn trong nhiều tháng. Bên cạnh đó, cùng với sơmi rơmoóc, Thaco đang triển khai kế hoạch XK hơn 1.500 xe các loại (gồm xe du lịch Kia, xe bus, xe tải) sang các thị trường hiện hữu trong năm 2021 và thâm nhập vào các thị trường mới tại châu Phi, Tây Á, Nam Á, Australia…
Thaco cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp công nghệ và hệ thống dây chuyền, máy móc thiết bị nhằm gia tăng năng lực sản xuất. Hơn nữa, DN cũng tập trung nghiên cứu đặc điểm, nhu cầu của từng thị trường, các tiêu chuẩn chất lượng và điều kiện tham gia giao thông ở từng nước, làm cơ sở cho hoạt động R&D và triển khai các dự án XK khả thi.
Rõ ràng, tính hiệu quả của một DN cơ khí đầu đàn như Thaco là điều mà các DN vừa và nhỏ cần học hỏi phần nào trong điều kiện khả năng của mình để có “lực kéo” vượt khó trong thời gian tới.
Thế Vinh