Hiệp định TFA của các thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có hiệu lực hơn hai năm nay vẫn đang được các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam ngóng đợi được thực thi tốt hơn nhằm giúp họ có nhiều thuận lợi hơn trong xuất khẩu (XK) hàng hóa ra thế giới.
Chi phí đè nặng
Chia sẻ với giới DN ở Tp.HCM vào ngày 13/6 trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế xây dựng năng lực về Hiệp định TFA dành cho DNNVV, Ts. Rajan Sudesh Ratna (Ủy ban quốc gia về kinh tế và xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương) nhấn mạnh vấn đề thủ tục XK hàng hóa ngày càng quan trọng hơn với DN nhỏ so với việc được hưởng mức thuế suất thấp từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Lý do là việc tốn kém thời gian và chi phí phải trả nhiều để làm thủ tục rất cao, tương đương gần như 100% với mức đánh thuế cao trước đó mà DN phải chịu.
Ông Rajan đặt ra câu hỏi: "Phải chăng chi phí thủ tục không liên quan đến việc đánh thuế sẽ ngày càng tăng lên, nhất là DN nhỏ vẫn chịu nhiều biến động về chi phí cho việc làm thủ tục XK, tăng lên rồi giảm xuống, giảm xuống rồi lại tăng lên?".
Trong vấn đề thủ tục, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có tới 72% DN được hỏi cho biết họ phải dành trên 5% thời gian để hoàn thành các quy định và thủ tục theo quy định của pháp luật. Điều này cũng có nghĩa một số lượng thời gian tương ứng mà DN sẽ bị mất đi thay vì đầu tư vào việc quản lý và phát triển DN.
Theo một đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), thời gian để DN tuân thủ thủ tục và logistics cho hoạt động XK của Việt Nam, xét theo thời gian tuân thủ thủ tục quản lý chuyên ngành là 50 giờ và tuân thủ tại cửa khẩu là 55 giờ, cao hơn rất nhiều so với bình quân của ASEAN-4 (24 giờ và 37 giờ).
Cơ cấu thời gian XK cho thấy, thời gian tuân thủ quy định, bao gồm thời gian tuân thủ kiểm tra chuyên ngành ngoài cửa khẩu, thời gian tuân thủ hải quan và các cơ quan khác tại cửa khẩu tương đương với chi phí logistics (tính theo thời gian), bao gồm thời gian vận chuyển nội địa và thời gian xếp dỡ, lưu kho tại cảng, cả hai đều chiếm 50% tổng thời gian XK.
Với những nút thắt ở khâu thủ tục, theo Ts. Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Tp.HCM, các cam kết trong Hiệp định TFA liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, khi thực thi đầy đủ thì chi phí cho thương mại sẽ giảm rất lớn (khoảng trên 14%) và gia tăng kim ngạch XK.
Hiệp định TFA góp phần vào việc giảm các rào cản kỹ thuật và phi thuế quan để XK dễ dàng hơn, cũng được kỳ vọng giúp các công ty mới XK lần đầu tiên thông quan giảm bớt thời gian và gánh nặng chi phí.
![]() |
Chặng đường XK của DN nhỏ còn ngán khâu thủ tục |
"San bằng" rào cản
Hơn nữa, nếu Hiệp định TFA được thực thi tốt ở Việt Nam có khả năng tiết kiệm 1,5 ngày thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu, giảm 47% so với mức trung bình hiện tại và tiết kiệm gần 2 ngày thời gian thông quan hàng hóa XK, giảm 91%.
Theo nghiên cứu của WTO, một khi TFA thực thi đầy đủ, các nền kinh tế đang phát triển (như Việt Nam) được dự đoán sẽ tăng số lượng sản phẩm XK lên 20 – 35%.
Ts. Rajan Sudesh cho rằng những gì tạo ra rào cản, cản trở thời gian và hoạt động XK của DN phải được "san bằng" để đảm bảo luồng lưu chuyển hàng hóa nhanh chóng hơn.
Giới chuyên gia nhìn nhận, trụ cột trong việc đẩy mạnh tạo thuận lợi thương mại cho các DN nhỏ ở Việt Nam hiện nay có thể chờ vào nỗ lực từ Bộ Tài chính và Hải quan, quản lý cửa khẩu, các cơ quan quản lý chuyên ngành liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Đáng chú ý là các đòn bẩy chính sách, bao gồm các chính sách giúp hợp lý hóa các biện pháp kiểm tra chuyên ngành hay biện pháp phi thuế quan (như các biện pháp kiểm dịch động thực vật, rào cản kỹ thuật về thương mại, kiểm định trước chuyển hàng và các thủ tục khác, các biện pháp kiểm soát giá, các quy tắc về xuất xứ, sở hữu trí tuệ, các biện pháp liên quan đến XK…).
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh xoay quanh Hiệp định TFA liên quan đến DN nhỏ Việt Nam hiện nay, Ts. Nguyễn Quang Trung (Đại học RMIT) tỏ ra băn khoăn khi Hiệp định thiếu tính "ràng buộc" đáng kể để có thể đảm bảo thực thi tốt, nên sẽ rất khó làm nhanh, làm mạnh.
Mặc dù vậy, theo ông Trung, Hiệp định TFA cũng có một tác động gián tiếp cho Việt Nam, nhất là với những nhà hoạch định chính sách thích cải tiến sẽ đẩy mạnh việc cải cách khâu thủ tục.
Thực tế, việc chuyển hóa các cam kết trong TFA vào trong khâu chính sách ở trong nước vẫn chưa nhiều, khi đây chỉ là một kênh để tham khảo nếu so với các FTA thế hệ mới có tính ràng buộc rất cao. Do các cam kết trong TFA mang tính tự nguyện, định hướng nhiều hơn, nên sẽ không tác động nhiều đến việc cải cách của ngành thuế, hải quan.
"Có tới 98% DN Việt Nam là DNNVV nhưng việc hỗ trợ họ rất yếu, DN phải tự bơi là chính. Họ đã nhỏ, đã yếu, lại không biết nhiều về luật lệ. Do đó, những mục tiêu được đặt ra trong TFA cần phải được đi vào cuộc sống của DN nhỏ", ông Trung nhấn mạnh.
Thế Vinh