Nhận định về triển vọng đầu tư tư nhân trong 12 tháng tới thông qua một khảo sát được công bố mới đây, công ty Grant Thornton Việt Nam cho biết có 6 nhóm ngành tại Việt Nam đang hấp dẫn đầu tư: Công nghệ tài chính, giáo dục, năng lượng tái tạo, dược phẩm, thương mại điện tử, vận tải và giao nhận.
Lo mâu thuẫn tiềm ẩn
Tuy nhiên, trong vấn đề về vốn đầu tư, khảo sát cho thấy thách thức với các doanh nghiệp (DN) Việt nằm ở việc vay vốn ngân hàng – được lựa chọn là hình thức huy động vốn phổ biến (với 37% lựa chọn thông qua khảo sát). Trong khi đó, đây là hình thức huy động vốn truyền thống và đơn giản nhất đối với các công ty tư nhân.
Còn lại là những thách thức cho DN Việt trong việc gọi vốn từ quỹ đầu tư tư nhân (37% DN), từ quỹ đầu tư mạo hiểm (16%) và từ việc vay người thân, bạn bè, chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO)…
Chia sẻ cùng giới DN ở Tp.HCM hồi cuối tuần qua xoay quanh chủ đề M&A và gọi vốn, bà Nguyễn Thị Ngọc Châu, Trưởng phòng cấp cao, Dịch vụ tư vấn DN thuộc công ty Grant Thornton Việt Nam, lưu ý trong M&A thì phần lớn chủ DN tư nhân ở Việt Nam lo ngại về các mâu thuẫn tiềm ẩn với các nhà đầu tư tiềm năng đối với tầm nhìn và chiến lược của công ty.
Những mối lo ngại của DN Việt (đặc biệt là các DN nhỏ và vừa) trong việc gọi vốn từ các nhà đầu tư bên ngoài, theo bà Châu, là sự tham gia quá mức vào việc điều hành công ty, các điều khoản ràng buộc quá hà khắc, mâu thuẫn về tầm nhìn và chiến lược, khó khăn trong việc chia sẻ quyền lực, đòi hỏi quá mức về công bố thông tin.
Mặc dù vậy, 56% – 60% DN khi được hỏi vẫn cho rằng việc bán lại cho nhà đầu tư ngành, bán cho quỹ đầu tư khác và IPO là những hình thức thoái vốn được họ ưa chuộng nhất trong 12 tháng tới.
Về phía nhà đầu tư, khi được hỏi về việc M&A gọi vốn cho DN, có tới 65% nhà đầu tư tư nhân yêu cầu tỷ suất lợi nhuận ở mức 20% – 30% và có đến 69% nhà đầu tư được khảo sát tin rằng danh mục đầu tư PE (đầu tư vốn tư nhân) của họ có thể đạt được suất sinh lời như kỳ vọng trong 12 tháng tới.
Chuyên gia tư vấn DN Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết, có không ít lý do để phía DN có thể cân nhắc một giao dịch M&A và gọi vốn. Chẳng hạn như DN cần mở rộng kinh doanh hoặc phát triển thị trường, thị phần. Hoặc là DN cần tìm kiếm đối tác hỗ trợ về kỹ thuật, quản trị, khách hàng, sản phẩm, hoặc muốn thoái vốn khỏi ngành nghề kinh doanh không cốt lõi.
Ngoài ra, có thể do chủ sở hữu nghỉ hưu hoặc không có khả năng tiếp tục quản lý DN; công ty đang gặp khó khăn về tài chính hay có nguy cơ vỡ nợ, nhận được đề nghị hấp dẫn từ bên mua.
Muốn gọi vốn nhưng nhiều DN nhỏ lo mâu thuẫn tiềm ẩn |
Không dễ hút vốn
Thế nhưng, theo giới phân tích, trở ngại lớn để các DN nhỏ và vừa có thể tham gia các cuộc M&A gọi vốn nằm ở vấn đề quản trị công ty ở Việt Nam vẫn còn nhiều yếu kém. Qua thăm dò cho thấy có tới 70% các quỹ đầu tư tư nhân gặp khó khăn trong việc xây dựng đội ngũ nhân lực và quản lý cho phần lớn các công ty trong danh mục đầu tư.
Còn ở góc độ quỹ đầu tư khi quyết định rót vốn vào DN, ba Đặng Phạm Minh Loan, Phó Giám đốc công ty Quản lý Quỹ VinaCapital, cho biết mỗi quỹ đầu tư có một giới hạn về quy mô đầu tư, như VinaCapital thì thông thường một khoản đầu tư tối thiểu 5 – 10 triệu USD. Và như vậy, quy mô của DN gọi vốn đâu đó phải trên 10 triệu USD doanh số và có vài triệu USD lợi nhuận.
"Nhưng như thế không có nghĩa những DN không có lợi nhuận thì không được đầu tư. Chúng tôi cũng đã đầu tư vào những DN không có lợi nhuận và doanh số nhỏ. Tiêu chí mà quỹ đầu tư chọn DN để rót vốn đầu tư cũng chỉ kết lại vài chữ, đó là DN có thể tăng trưởng bền vững hơn", bà Loan nói.
Từng hỗ trợ nhiều DN trong vấn đề gọi vốn, bà Nguyễn Thị Vĩnh Hà, Phó Tổng Giám đốc công ty Grant Thornton Việt Nam, đã chỉ rõ một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động M&A của một số DN không thành công là do thiếu cơ hội đầu tư. Trong khi đó, rất nhiều quỹ đầu tư thường có yêu cầu về quy mô DN khá lớn cho việc rót vốn của họ.
Ở góc độ DN, ông Trần Phan Tế, Giám đốc công ty TNHH nước giải khát Lai Phú (huyện Hóc Môn, Tp.HCM), cho rằng việc giao dịch M&A gọi vốn giữa nhà đầu tư với DN không thành công có thể do ba lý do: Thứ nhất là giá từ phía DN gọi vốn đưa ra quá cao. Thứ hai là tính minh bạch của DN gọi vốn. Thứ ba là sự không mong muốn tham gia của nhà đầu tư vào DN.
Điều ông Tế băn khoăn khi DN muốn M&A và gọi vốn với nhà đầu tư là làm thế nào để định giá cho hợp lý khi có rất nhiều cách để định giá nhằm đạt được mong muốn giữa hai bên. Hơn nữa, nếu như phần lớn DN ở dạng "hai sổ" (lập hai hệ thống sổ sách kế toán khác nhau nhằm mục đích "giảm nghĩa vụ đóng thuế" – PV) thì các nhà đầu tư có sẵn sàng tham gia hay không?
Thế Vinh