Vào trung tuần tháng 8/2023, trong bản giải trình gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về chênh lệch kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Tổng giám đốc CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH), cho biết trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty thì doanh thu thuần đạt khoảng 1.266 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ vào khoảng 216 tỷ đồng, lần lượt giảm hơn 19,9% và 50,8% so với cùng kỳ năm trước.
Mối lo thụt lùi sức cạnh tranh
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng lợi nhuận sụt giảm hơn 50%, ông Tuấn lưu ý là do sản lượng, doanh thu khai thác cảng sụt giảm. Bên cạnh đó, nguyên do còn vì sản lượng hàng vận chuyển và giá cước vận tải biển giảm, giá cho thuê tàu giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022.
Nếu như các DN logistics nội địa không ứng dụng công nghệ mới sẽ đẩy tương lai của mình vào thế rủi ro. |
Đó là chưa kể chi phí cho đội tàu của Công ty Hải An tăng vì tăng thêm tàu HA City vào tháng 4/2022 và HA Rose vào tháng 11/2022, dẫn tới lợi nhuận khai thác tàu giảm mạnh. Ngoài ra, công ty này cũng ghi nhận lỗ kinh doanh từ công ty liên doanh Zim Hải An do công ty mới thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 3/2023.
Không chỉ riêng gì công ty nêu trên, nhiều doanh nghiệp (DN) nội địa khác trong lĩnh vực khai thác cảng và vận tải biển cũng gặp tình cảnh tương tự khi sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận trong hơn nửa năm qua trước tình hình giá cước đi xuống, xuất khẩu hàng hóa qua cảng biển cũng giảm.
Và tình hình khó khăn như vậy càng làm thụt lùi sức cạnh tranh của họ trước các đối thủ ngoại vốn có tiềm lực mạnh về vốn, công nghệ và nhân lực. Điều này khiến cho vận tải đường biển phục vụ xuất khẩu càng phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài.
Không chỉ vậy, các DN nội địa còn đang đối mặt với thách thức liên quan đến “xanh hóa” logistics, đồng nghĩa với việc họ phải thêm chi phí nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu này.
Trong ngắn hạn, theo giới chuyên gia, thị trường logistics vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường nhưng giá hàng hóa đã ổn định hơn. Mặc dù hàng tồn kho vẫn ở mức khá cao nhưng tháng 7/2023 vừa qua các đơn hàng đã quay trở lại và khả quan hơn trong nửa đầu tháng 8/2023.
Tuy vậy, trong thời gian tới, giới chuyên gia nhận định thách thức lớn cho các DN nội địa trong lĩnh vực vận tải biển nói riêng và logistics nói chung là việc đối mặt với xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu để tăng khả năng phục hồi. Và để các DN Việt hướng đến cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp, gia tăng tính cạnh tranh, đáp ứng theo các chuẩn mực quốc tế thì cần phải phát triển công nghệ và gia tăng dịch vụ giá trị ngành logistics.
Chẳng hạn như việc kết hợp với thương mại điện tử và quá trình số hóa dịch vụ hoàn thiện đơn hàng đang đẩy nhanh tốc độ thực hiện các dịch vụ logistics, tạo ra nhu cầu lớn về không gian kho hàng và các cơ sở logistics khác.
Rủi ro vì khó cải thiện công nghệ
Trong ba năm đầy biến động do gián đoạn chuỗi cung ứng vì đại dịch và căng thẳng thương mại, xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu và hàng loạt quy định mới về kiểm soát công nghệ và phát triển bền vững (ở cả khía cạnh môi trường, lao động, tài nguyên, năng lượng),…đang đòi hỏi các DN logistics nội địa cần áp dụng các chiến lược mới để thích nghi với xu hướng thị trường và các “cú sốc” có thể xảy ra trong tương lai.
Ts. Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), nhấn mạnh đây là giai đoạn mà các DN logistics trong nước cần đẩy mạnh đầu tư, áp dụng các công nghệ về tự động hóa, về phần mềm và tăng cường khả năng quản trị của mình. Đó là yêu cầu hết sức cấp thiết trong bối cảnh đầy thách thức như hiện nay.
Ông Hiệp cho rằng, để đối phó và phát triển trong môi trường kinh doanh ngày càng khốc liệt đòi hỏi việc thúc đẩy chuyển đổi số, và trang bị nhân lực với kỹ năng số ở các DN logistics cần trở nên mạnh mẽ hơn nữa.
Ở giai đoạn hiện nay, như cảnh báo của nhóm nghiên cứu về logistics của Ts. Scott McDonald (Đại học RMIT), đó là trong lĩnh vực logistics đầy cạnh tranh tại Việt Nam, nếu như các DN Việt không ứng dụng công nghệ mới sẽ đẩy tương lai của mình vào thế rủi ro.
Theo nhóm nghiên cứu này, khoảng 95% các công ty logistics Việt Nam được coi là DN vừa và nhỏ. Họ thường bị hạn chế về vốn và vẫn đang trong giai đoạn đầu áp dụng công nghệ thông tin. Điều này khiến họ khó có thể cải thiện DN thông qua ứng dụng công nghệ.
Ts. Scott McDonald cho rằng giữa bối cảnh công nghệ và tự động hóa đang lan rộng nhanh chóng trong thế giới logistics toàn cầu, DN Việt có thể sẽ tụt hậu và gặp bất lợi so với đối thủ. Vậy làm thế nào để họ có thể đối phó với những vấn đề này?
Theo đó, một cách hay là hợp tác với DN từ các quốc gia khác nhằm chia sẻ ý tưởng và kỹ năng. Điều này có thể đồng nghĩa với việc DN Việt sẽ nhận được trợ giúp quan trọng về công nghệ và tài chính. Hợp tác cũng giúp tạo ra các kết nối thương mại tốt hơn và mở ra cánh cửa đến với thị trường toàn cầu.
Chẳng hạn, khi hợp tác với các “ông lớn” trong ngành logistics, DN nhỏ có thể tiếp cận các công cụ chuyên dụng giúp DN mình hoạt động hiệu quả hơn.
Cần nhắc thêm, sự bùng nổ của công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), đồng nghĩa với việc DN logistics Việt cần nhanh chóng thay đổi cách thức hoạt động, nếu không họ có thể để mất cơ hội kinh doanh vào tay các đơn vị đã triển khai chuyển đổi.
Tuy nhiên, thay đổi không phải là việc đơn giản. Sau giai đoạn đại dịch, DN logistics nội địa đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn lực, thách thức về tài chính và tính phức tạp của việc ứng dụng rộng rãi công nghệ mới.
“Để vượt qua những khó khăn này, họ cần kết hợp những ý tưởng mới một cách chỉn chu với các năng lực vững chắc để duy trì hoạt động. DN logistics muốn vừa tìm thấy sự cân bằng, vừa tạo ra thay đổi trong bối cảnh hiện nay sẽ cần tới sự lãnh đạo thông minh và điều chỉnh linh hoạt”, nhóm nghiên cứu của RMIT chia sẻ.
Thế Vinh