Là một doanh nghiệp (DN) đang có nhiều hoạt động hợp tác sản xuất nông nghiệp với nông dân và các hợp tác xã (HTX), bà Trần Thị Kim Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Kim Đồng Thuận (tỉnh Đồng Nai), than thở trước thông tin dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Việt Nam với diễn biến phức tạp khiến cho DN của bà cảm thấy thêm bất an.
Khó khăn chồng chất
“Tình hình hiện tại rất khó khăn. Nông dân vẫn phải trồng trọt khi bước vào vụ mới. Còn công ty vẫn phải cung cấp giống, phân bón cho nông dân thực hiện mùa vụ. Trong khi đó, lúa thu hoạch đầy kho, các loại nông sản khác không xuất được nên công ty phải cho vào sấy khô hoặc vào hệ thống cấp đông IQF để chờ qua đại dịch mà không biết đến khi nào”, bà Nhung nói.
![]() |
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến đầu ra nông sản gặp khó. |
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, vị giám đốc này cho biết thời gian qua phía công ty cũng đã cố gắng vượt qua đợt dịch Covid-19 trước đó. Công ty vừa mới dần khôi phục trở lại từ đầu tháng 7/2020 thì nay lại phải tiếp tục đối mặt với đợt dịch bệnh mới đang quay trở lại.
“Mới đây, khi ngồi lại họp với bà con nông dân và HTX, tôi có nói rằng khó khăn chung như một đoàn tàu hỏa mà DN là toa đầu, nếu không cùng nhau gánh vác khó khăn, đầu tàu ngừng lại, thì tất cả các toa tàu phải tan rã. Và khi nói ra thì bà con nông dân cũng bày tỏ sự thông cảm. Họ giao lúa về cho công ty và tạm thời cho nợ để vượt khó. Chứ thật sự mà họ đòi thanh toán hết, chắc DN cũng không có sức mua hết cho bà con”, bà Nhung chia sẻ thêm.
Bà Trần Thị Kim Nhung còn cho biết các đơn hàng mà công ty chuẩn bị xuất khẩu (XK) sang thị trường Australia cũng vào thế “nằm kho” vì Covid-19 bùng phát trở lại tại nước này từ đầu tháng 7/2020 dẫn đến phong toả trong 6 tuần lễ ở một số thành phố lớn.
“Trong khi đó, thuế thì chúng tôi vừa đóng, điện nước thì không thể đóng trễ, nhưng vay vốn ngân hàng cùng với việc hỗ trợ lãi suất để vượt qua cơn khó khăn thì lại không được đáp ứng. Đó là thực tế mà nhiều DN làm nông nghiệp đang gặp phải”, giám đốc của Công ty Kim Đồng Thuận buồn bã chia sẻ.
Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương cho thấy kim ngạch XK nông sản, thuỷ sản trong tháng 7/2020 vừa qua tiếp tục sụt giảm 9,9% so với tháng 7 năm ngoái. Ước tính 7 tháng đầu nay, nhóm hàng này ước đạt 13,7 tỷ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Điển hình như nhóm hàng rau quả trong 7 tháng qua chỉ đạt 2 tỷ USD, giảm 12,3%. Nhóm thủy sản đạt 4,4 tỷ USD, giảm 6,4%. Hạt tiêu đạt 405 triệu USD, giảm 20,6%. Cao su đạt 855 triệu USD, giảm 20,3% (lượng giảm 15,1%)...
Sụt giảm này có nguyên nhân chính từ việc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và kéo dài cho đến nay, khiến cho các DN làm nông nghiệp ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn chồng chất khi đầu ra bấp bênh, sụt giảm khó đỡ.
Cần thêm các cơ chế hỗ trợ
Như thông tin mới đây từ CTCP tập đoàn PAN, trong lĩnh vực nông nghiệp, mảng hoa XK của công ty gặp khó khi nhu cầu thị trường Nhật đi xuống và chi phí logistics tăng cao.
Với mảng cá tra XK thì DN này cho biết doanh thu và lợi nhuận tiếp tục đi xuống do giá cá tra XK giảm mạnh.Tuy vậy, phía PAN vẫn tỏ ra lạc quan khi cho rằng “đây chỉ là yếu tố thời vụ do tác động của Covid-19, về dài hạn cá tra của Tập đoàn có nhiều triển vọng nhờ năng lực sản xuất tối ưu với những sản phẩm giá trị gia tăng đã chinh phục được các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu”.
Hoặc như chia sẻ của một chủ DN sản xuất bột cá ở tỉnh An Giang, đợt dịch Covid-19 trước đây đã khiến năng suất sản xuất của DN giảm 50%, còn nay với đợt dịch bùng phát mới thì không biết DN sẽ đi về đâu, nhưng có thể thấy là tình hình rất bi đát.
Vị chủ DN này cũng kiến nghị để DN làm nông nghiệp ổn định sản xuất trở lại thì Chính phủ cần có nhiều hơn nữa các cơ chế hỗ trợ, từ vốn vay cho đến các chính sách bình ổn sản xuất.
Trong vấn đề khó khăn của các DN làm nông nghiệp giữa dịch Covid, với kinh nghiệm của một DN cỡ lớn, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc CTCP, Vinamit cho biết phía công ty đã định vị một bài toán chiến lược về tài chính hàng tháng, xem mức độ thiệt hại đến cuối năm ra sao.
“Chúng tôi định hình thị trường nước ngoài coi như mất 50%, đưa ra các dự báo theo tháng ở cả thị trường trong nước và ngoài nước. Đồng thời, trong dịch, DN này cũng phát triển thêm kênh là các cộng tác viên, điều này cũng giúp cho họ có thêm sức bật mới”, ông Viên nói.
Theo ông Viên, trước đây kênh này gần như không chạy, nhưng dịp này tăng mạnh, lên đến hơn 200 cộng tác viên. Họ bán cả thực phẩm khô và thực phẩm thiết yếu.
Giới chuyên gia cho rằng trước tác động kéo dài của dịch Covid-19 thì sẽ không bền vững về lâu dài nếu các DN làm nông nghiệp ở Việt Nam vẫn duy trì sản xuất nông sản thực phẩm giá rẻ ở quy mô lớn.
Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất nông nghiệp có thể vừa đổi mới sản phẩm, vừa thâm nhập mạnh mẽ hơn vào thị trường quốc tế, đồng thời tự lực bản thân DN phải tìm cách vượt qua những biến động của đại dịch.
Thế Vinh