Báo cáo tình hình phát triển kinh tế 10 tháng năm 2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy, số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới đã có dấu hiệu tăng trở lại, song thực tế hoạt động sản xuất của DN vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Bình quân mỗi tháng có 9,7 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Một trong những khó khăn mà các DN gặp phải là áp lực chi phí sản xuất quá lớn.
Giá thành sản xuất tăng chóng mặt
Theo ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP.HCM, đồng thời là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, nhiều DN nhỏ đã chấp nhận dừng hẳn hoạt động, còn DN lớn duy trì hoạt động dưới công suất.
![]() |
Chi phí tăng cao khiến giá thành sản xuất tại Việt Nam không còn cạnh tranh như trước đây. |
Chia sẻ với VnBusiness, ông Việt Anh cho biết, đơn hàng thì không thiếu nhưng làm ra có lãi hay không mới là vấn đề. Sau căng thẳng của dịch bệnh, sức cạnh tranh của DN đã yếu, không có đủ lao động, dòng tiền cạn kiệt, trong khi giá cả nguyên liệu tăng mạnh, làm đội giá thành sản xuất.
Cụ thể, đến thời điểm này, giá nguyên liệu sản xuất đã tăng bình quân khoảng 20% so với năm ngoái. Trong khi đó, DN không thể điều chỉnh giá bán sản phẩm đầu ra. "Thị trường hiện nay rất cạnh tranh. Mình vừa mới chịu tác động bởi dịch bệnh nên chậm giao hàng, nhiều đối tác thông cảm không phạt hợp đồng, giờ mà DN lại quyết định tăng giá bán thì sẽ bị khách hàng quay lưng", Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP.HCM chia sẻ.
Theo ông Việt Anh, tác động của dịch bệnh đã khiến DN mất khá nhiều đơn hàng. DN chỉ giữ được khoảng 40%, còn 60% đơn hàng thì khách hàng phải chuyển đi đặt chỗ khác.
Phản ánh về giá thành sản xuất ở Việt Nam, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, một DN FDI trong ngành gỗ than phiền giá thành sản xuất ở Việt Nam đang cao hơn so với nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, thậm chí còn cao hơn các cơ sở sản xuất ở "chính quốc" như tại một số nước châu Âu.
Điều này đòi hỏi DN ngành gỗ cần có những chiến lược mới về thị trường, chủng loại sản phẩm, công nghệ và lao động. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị cần ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào, có cơ chế chính sách phù hợp để phát triển rừng trồng lớn, thống nhất quy trình lưu thông hàng hóa, không gây đứt gãy trong khâu vận chuyển.
Không chỉ xuất khẩu, mà áp lực chi phí đầu vào với các DN sản xuất hàng tiêu dùng cũng đang rất lớn. Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Vissan cho hay, người tiêu dùng hiện nay vẫn đang hạn chế tiêu thụ sản phẩm thịt lợn. Lượng bán ra của Vissan tại siêu thị giảm từ 50 - 60%. Ở TP.HCM, chợ truyền thống đã mở hơn 50% nhưng số lượng người mua cũng không nhiều.
Đại diện Vissan cho biết, vừa qua, DN này tham gia các chương trình bình ổn giá thực phẩm của TP.HCM. "Ngay thời điểm DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ngừng sản xuất thì chúng tôi vẫn quyết định giảm 10.000 đồng/kg thịt lợn. Ngày 23/10, DN tiếp tục giảm thêm 12.000 - 15.000 đồng/kg thịt lợn nhằm chia sẻ với người tiêu dùng trong bối cảnh khó khăn", ông Phú thông tin.
Chính sách cần đồng hành cùng DN
Tuy nhiên, ông Phú cũng cho biết, giá sản phẩm đầu ra giảm nhưng đầu vào liên tục đội lên khiến DN rất khó khăn. Từ số liệu báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng như thực tế tại Vissan, giá thức ăn chăn nuôi đã cao hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Do vậy, Vissan tiếp tục bày tỏ mong muốn Nhà nước có chính sách kiểm soát chặt giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, bình ổn sản phẩm đầu ra để hỗ trợ cho DN trong giai đoạn khó khăn này.
Trước phản ánh của DN, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ về phương án miễn giảm thuế nhập khẩu ngô, khô đậu tương, một số nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi khác.
Trong khi chờ hạ nhiệt giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT lưu ý, DN sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc xin cần phải giữ giá hợp lý. "Tất cả mọi chi phí đầu vào tăng hết cả lên rồi, người chăn nuôi, hợp tác xã không làm nữa thì lấy đâu ra nguyên liệu cho các DN chế biến", ông nói.
Thấu hiểu với khó khăn mà DN gặp phải, chia sẻ với VnBusiness, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho hay, hiện giá dầu thô thế giới đã tăng khoảng 70% so với năm ngoái, khiến chi phí logistics, vận tải trên thế giới tăng cao tác động trực tiếp tới chi phí của DN Việt Nam.
Hơn nữa, với DN Việt Nam, ông Lực kể, cuối tuần vừa rồi trò chuyện với 15 hiệp hội, DN trong nước, các DN phản ánh vẫn đang gặp các khó khăn về dòng tiền, tuyển dụng lao động (đơn hàng có nhưng lao động chỉ đáp ứng được 50-60%), đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu dùng... Điều này khiến chi phí sản xuất càng bị đội lên cao. DN thậm chí còn không biết rõ tương lai, tiền đồ của mình sẽ thế nào.
Theo chuyên gia này, chi phí đầu vào tăng rất mạnh, trong khi các DN không dám tăng giá đầu ra vì hiện nay nhu cầu giảm, đối tác, người tiêu dùng cũng than phiền rất nhiều về giá. Nếu DN tăng giá bán thì sẽ mất khách hàng, nhưng nếu không tăng thì biên lợi nhuận sẽ giảm. Đây là thách thức cực kỳ lớn.
Trong bối cảnh DN gặp khó khăn như vậy, ông Lực cho rằng các chính sách hỗ trợ cần phải nhanh chóng được triển khai. Với DN, "một xu hay một đồng" được hỗ trợ cũng quý. Mặt khác, DN cũng cần nỗ lực để tiết giảm chi phí, lên phương án kinh doanh hợp lý nhằm cầm cự qua dịch bệnh.
Bà Trần Thị Hồng Minh Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng thời gian vừa qua đã làm tăng chi phí đáng kể cho DN xuất khẩu cũng như DN hoạt động thương mại trong nước. Một số biện pháp hỗ trợ DN và nền kinh tế như miễn, giảm, giãn, hoãn thuế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí… chưa đủ “sức nặng” cần thiết để hỗ trợ DN; hay một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động vừa đi vào thực hiện đã phải sửa đổi. Trong bối cảnh ấy, việc đưa chính hỗ trợ đi vào thực tế cũng như đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính là rất cần thiết. Tư duy về đổi mới quốc gia theo hướng hiện đại lại càng cần thiết, để hỗ trợ cho cải cách, giúp chúng ta tránh được tình trạng “làm nhiều, làm liên tục nhưng hiệu quả cải cách lại chưa tương xứng với yêu cầu và kỳ vọng".
TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) Quý IV/2021 là thời điểm DN chạy đua với thời gian để bù lại khoảng thời gian bị giảm công suất, ngừng hoạt động, nếu nguyên liệu thiếu hoặc đắt đỏ hơn thì DN sẽ khó thực hiện được mục tiêu này, khó hồi phục sau COVID-19. Do vậy, mỗi DN cần phải chủ động có giải pháp ứng phó, đàm phán để mua được nguyên liệu với giá cạnh tranh. Mặt khác, giải pháp lâu dài nhưng cũng cấp bách là phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, tránh phụ thuộc thị trường nước ngoài. Muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ, chúng ta phải chấp nhận tốn kém.
Ông Phạm Văn Việt Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VitaJean Nếu tính bình quân giá thành sản xuất FOB (bao gồm toàn bộ chi phí vận chuyển lô hàng ra cảng, đóng thuế) thì mỗi đơn hàng dệt may đã tăng 5%. Chi phí đội lên, DN không thể tăng giá bán nên đang chấp nhận hòa vốn, thậm chí lỗ với các sản phẩm đã nhận đơn hàng đã ký. Thời điểm nhạy cảm này nếu DN báo giá tăng thì sẽ mất khách hàng. Theo đó, DN đang tiết giảm tối đa chi phí để giảm lỗ. |
Lê Thúy