Sáng 30/10, tại Diễn đàn kết nối nông sản do Bộ NN&PTNT tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm chăn nuôi, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi đã lên tiếng phản ánh những khó khăn, bất cập mà họ đang gặp phải.
Chi phí đầu vào tăng, đầu ra ế ẩm
Giá lợn hơi hiện đang bán thấp hơn giá thành khoảng 20.000 đồng/kg; giá bán gà lông trắng, gà lông màu đều dưới giá thành khoảng 10.000 đồng/kg. Ngay cả trứng gà - mặt hàng từng nổi lên cơn sốt giá khi TP.HCM "đóng cửa", nay cũng rớt giá chỉ còn 1.250 đồng/quả, thấp hơn giá thành 600 đồng/quả.
Ông Lê Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam cho biết, những doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi khép kín như Emivest với hệ thống sản xuất cám, thuốc thú y, giống gà, lợn cũng đang rơi vào tình thế khó khăn.
![]() |
Chi phí đầu vào gia tăng trong khi đầu ra ế ẩm khiến doanh nghiệp chăn nuôi rất khó khăn. |
Ông Phương cho hay, mỗi ngày doanh nghiệp này cung cấp ra thị trường 100.000 con gà các loại, 2.000 con lợn và hơn 1 triệu quả trứng. Việc tất cả sản phẩm của ngành chăn nuôi đều lỗ, giá bán thấp hơn giá thành, khiến doanh nghiệp đang chịu tổn thất nặng nề.
Bên cạnh đó, Giám đốc Emivest Feedmill cũng nêu ra nhiều khó khăn như giá thức ăn gia súc tăng hơn 30% và còn có thể kéo dài, giá nhân công tăng, giá đầu tư an toàn sinh học, phòng dịch bệnh cũng không giảm. Trong khi đó không kiểm soát được giá sản phẩm do sức mua của thị trường còn yếu.
Ông Lã Văn Kính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng cần vào cuộc để cân đối được lợi nhuận cho các khâu tham gia vào chuỗi sản xuất chăn nuôi. Ông lấy ví dụ ở Đài Loan (Trung Quốc), giá thức ăn chăn nuôi không phải do các công ty tự quyết mà còn có sự kiểm soát của cơ quan quản lý.
Thời gian qua, dịch COVID-19 đã khiến nhu cầu tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi có xu hướng giảm. Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM chia sẻ: Giá lợn hơi dao động từ 39.000 - 42.000 đồng/kg, thấp hơn hoặc bằng so với giá thành sản xuất, gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi, trong khi giá thịt lợn tại siêu thị như thịt ba rọi, thịt đùi hay sườn non dao động từ 130.00 - 210.000 đồng/kg.
Trong tháng 9/2021, số lượng lợn hơi nhập về TP.HCM để giết mổ qua các trạm kiểm dịch bình quân là 3.341 con, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2020. Đồng thời, lượng lợn giết mổ từ các tỉnh sau đó nhập về TP.HCM là 364.000 con, giảm 46%.
Không chỉ lợn, gà, mà với chăn nuôi gia súc cũng gặp khó khăn. Ông Lưu Sơn Thuỷ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sơn Thủy Hà cho hay, vài năm trở lại đây, Việt Nam chủ yếu nhập bò sống từ Úc và Thái Lan với lượng rất lớn. Cụ thể, năm 2020, các cơ sở chăn nuôi, doanh nghiệp nhập 270.000 con bò từ Thái Lan và khoảng 270.000 con bò Úc để vỗ béo.
Số lượng bò thịt tại trang trại của Công ty Sơn Thủy Hà luôn có khoảng 20.000 con bò thịt, chủ yếu nhập khẩu từ Úc, nhưng những năm gần đây, giá bò sống tăng rất cao vì nhiều doanh nghiệp nhập về. “Nếu chỉ nhập bò Úc để nuôi vỗ thì doanh nghiệp không chịu nổi. Do đó, chúng tôi mong Bộ NN&PTNT tạo điều kiện để các doanh nghiệp được nhập bò từ nhiều nước khác nhau để tăng quy mô chăn nuôi. Đồng thời, mong được tạo điều kiện về quỹ đất để sản xuất con giống. Từ con giống, doanh nghiệp sẽ nuôi vỗ để nâng cao hiệu quả”, ông Thủy nói.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, hàng năm, tổng đàn bò của nước ta khoảng 6,3 – 6,3 triệu con nhưng chủ yếu là từ nguồn nhập khẩu.
Sắp tới, Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng một chương trình phát triển giống, trong đó doanh nghiệp là động lực. "Chúng tôi tuyển chọn và nhập đàn nái đẹp để nhân giống, từ đó có cơ cấu đàn nái tăng lên và dùng tinh của dòng cao sản vào để chủ động được con giống", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Nhà phân phối muốn đa dạng sản phẩm
Nhìn ngành chăn nuôi từ góc độ nhà mua hàng, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (hệ thống siêu thị Nutri Mart) cho biết, doanh nghiệp này nhận được đơn hàng rất lớn từ thị trường Trung Quốc, nhưng các doanh nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi cũng cần đa dạng nguồn sản phẩm chăn nuôi, chẳng hạn chế biến khoảng 10.000 món ăn khác nhau từ thịt. Điều này sẽ giúp sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam tiếp cận được các thị trường khó tính như châu Âu, UAE, Trung Quốc.
Đồng thời, doanh nghiệp tập trung vào việc kéo dài thời gian bảo quản cho sản phẩm thịt. Công ty cổ phần dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam đang nghiên cứu sản xuất túi đựng thực phẩm, nếu đặt thịt trong những túi này có thể bảo quản trong 12 tháng ngay cả ở điều kiện thông thường.
Bên cạnh mở rộng tìm kiếm khách hàng, mở rộng điểm bán, "chúng tôi cũng đang đẩy mạnh nhiều công nghệ như AI, blockchain... Làm thế nào để suốt 12 tháng trong năm, chúng tôi có thể bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân", bà Hằng cho hay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, đang có nhiều tín hiệu cho thấy giá sản phẩm chăn nuôi có xu hướng tăng trong thời gian tới. Hiện, giá thịt lợn đã nhích lên, tập trung ở 2 nguồn phân khúc là cửa hàng bán lẻ và siêu thị. Trên thị trường thế giới, tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, giá thịt gà, thịt lợn có tăng nhẹ.
Tuy vậy, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng "thành hay bại" của ngành chăn nuôi là ở nhà cung cấp. Sản xuất sạch, chế biến đa dạng các sản phẩm thì mới đẩy mạnh khâu phân phối. Tuy nhiên, thành phần này lại chưa có nhiều trong ngành chăn nuôi.
Hơn nữa, ngành chăn nuôi cũng đang gặp phải câu chuyện sự phân bổ lợi ích trong chuỗi sản xuất rất bấp hợp lý, trong khi giá lợn hơi rất rẻ thì giá thịt lợn thành phẩm ngoài thị trường lại rất cao. Để giải quyết bài toán này, ông Lã Văn Kính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng cần vào cuộc để cân đối được lợi nhuận cho các khâu tham gia vào chuỗi sản xuất chăn nuôi. Ví dụ như ở Đài Loan (Trung Quốc), giá thức ăn chăn nuôi không phải do các công ty tự quyết mà còn có sự kiểm soát của cơ quan quản lý.
“Nếu muốn tăng giá, công ty phải xin phép và chứng minh được giá đầu vào, chi phí tăng nên mới phải điều chỉnh giá và khi được cơ quan quản lý cho phép mới được tăng giá bán sản phẩm”, ông Kính thông tin.
Nhật Linh