Khảo sát các doanh nghiệp ngành gỗ từ ngày 10 - 21/10, ông Tô Xuân Phúc, Chuyên gia Tổ chức Forest Trend cho biết, chỉ có khoảng 8% doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ dừng hoạt động. 67% doanh nghiệp hoạt động trên 70% công suất, trong khi số doanh nghiệp còn lại hoạt động dưới 70% công suất.
49,3% doanh nghiệp ngành gỗ cho biết sẽ phục hồi 100% công suất trở lại trong vòng 3 tháng tới. |
Tuy vậy, 51% doanh nghiệp cho biết họ vẫn gặp khó khăn về chi phí xét nghiệm, môi trường lưu trú của người lao động; 43% doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn lao động và 35% doanh nghiệp gặp khó khăn về lưu thông hàng hóa.
Dự báo về doanh thu, 37% doanh nghiệp ngành gỗ cho biết sẽ giảm doanh thu. Doanh thu có đạt mục tiêu đề ra hay không còn phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng của quý IV/2021.
Về kế hoạch phục hồi, 83% doanh nghiệp đã có kế hoạch như tăng ca, tăng tốc độ phục hồi, có chính sách tốt về hỗ trợ giữ chân, thu hút người lao động. 49,3% doanh nghiệp cho biết sẽ phục hồi hoàn toàn công suất trong 3 tháng tới.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), nhìn nhận thời gian qua dịch tác động tiêu cực đến toàn bộ ngành gỗ Việt Nam, cả về chuỗi cung xuất khẩu và chuỗi cung nhập khẩu. Trung tâm của dịch nằm ở các tỉnh Đông Nam Bộ, bao gồm các địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… Đây cũng chính là trung tâm chế biến gỗ của cả nước. Điều này gây ra tác động nặng nề đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, dịch COVID-19 đã cơ bản dần được kiểm soát ở các tỉnh, thành phố; nhiều địa phương đã “ từng bước mở cửa” và cho phép mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa bàn trong trạng thái bình thường mới.
Chủ tịch Viforest đánh giá, các tín hiệu trên cho thấy tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp ngành gỗ nhanh hơn chúng ta dự đoán trong 2 - 3 tháng trước đây. Đây là tín hiệu rất tích cực cho ngành.
Tuy nhiên, ông Lập cũng nhìn nhận các doanh nghiệp vẫn đang đứng trước một số khó khăn lớn, đặc biệt về khía cạnh cạnh tranh như một doanh nghiệp FDI chia sẻ “sản phẩm ở Việt Nam sản xuất ra có thể có giá thành cao hơn so với sản xuất tại cơ sở ở "chính quốc" hay sản xuất tại châu Âu, rồi các công ty Trung Quốc”.
Điều này đòi hỏi doanh nghiệp ngành gỗ cần có những chiến lược mới về thị trường, chủng loại sản phẩm, công nghệ và lao động. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị cần ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào, có cơ chế chính sách phù hợp để giảm phát triển rừng trồng gỗ lớn, thống nhất quy trình lưu thông hàng hóa, không gây đứt gãy trong khâu vận chuyển.
Để đẩy nhanh quá trình hồi phục, Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng các doanh nghiệp, hộ kinh doanh ngành chế biến gỗ cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các hình thức bán hàng, đặc biệt là hình thức online. Đồng thời, chủ động xây dựng kịch bản, kế hoạch dài hạn, ngắn hạn phục hồi sản xuất để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả.
Trước kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, lắng nghe những ý kiến, đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội chế biến gỗ và lâm sản cùng vượt qua những khó khăn, thách thức. Chung tay xây dựng và phát triển ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản bền vững, có uy tín và thương hiệu tại thị trường trong nước và quốc tế.
Lê Thúy