Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực VAFIE, năm 2022 đánh dấu 35 năm Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (29/12/1987). Trong hơn 3 thập kỷ, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không ngừng phát triển, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của đất nước theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu. |
Đến nay, khu vực FDI chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 55% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Khu vực FDI đã thúc đẩy sự hình thành một số ngành công nghiệp lớn như dầu khí, chế tạo, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...
Báo cáo cũng cho thấy, các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu, chuyển đổi cơ cấu hàng xuất khẩu từ nguyên liệu thô, khoáng sản sang công nghiệp chế biến giá trị gia tăng cao; xuất siêu của các doanh nghiệp FDI không chỉ bù đắp mức nhập siêu của doanh nghiệp trong nước, mà còn góp phần cân bằng cán cân thương mại quốc tế.
Khu vực doanh nghiệp FDI đã tạo việc làm trực tiếp cho 4,6 triệu người, chiếm hơn 7% tổng số lao động của Việt Nam và hàng triệu lao động gián tiếp khác.
Liên quan tới hoạt động thu hút FDI, số liệu thống kê 4 tháng đầu năm 2022 của Bộ KH&ĐT cho thấy, tính đến ngày 20/4/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 10,8 tỷ USD; bằng 88,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, đáng chú ý, tuy vốn đăng ký mới giảm 56,3%, nhưng vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần tăng mạnh lần lượt là 92,5% và 74,5%. Điều này cho thấy, trong bối cảnh dịch COVID-19 chưa được kiểm soát, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong khu vực về thu hút FDI.
Mặc dù vậy, để nâng cao khả năng cạnh tranh, đón được dòng vốn FDI dịch chuyển, Phó Chủ tịch Thường trực VAFIE cho rằng cần phải cải thiện môi trường đầu tư gắn với cải cách hành chính quốc gia, gắn với đổi mới và sáng tạo để tăng số lượng dự án và vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021, dù chịu những tác động tiêu cực từ dịch COVID-19, nhưng các doanh nghiệp FDI vẫn có niềm tin kinh doanh vững chắc tại Việt Nam. Sau sự sụt giảm đáng kể vào năm 2020, khi chỉ có 40,8% doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tiếp theo, điều tra PCI- FDI 2021 ghi nhận tỷ lệ doanh nghiệp FDI có kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam là 47,7%. Sự lạc quan trở lại của các doanh nghiệp FDI được quan sát thấy ở hầu hết các ngành nghề, dù là doanh nghiệp định hướng thị trường xuất khẩu hay thị trường nội địa.
Tuy nhiên, khảo sát các doanh nghiệp FDI trong năm 2021 cũng cho thấy, nhiều doanh nghiệp bị gia tăng gánh nặng chi phí tuân thủ trong quá trình hoạt động. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI phải dành hơn 5% quỹ thời gian của lãnh đạo cho việc tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật là 60,6%, tăng vọt so với con số 32,9% của năm 2020. Số ngày trung vị thông quan hàng hóa xuất khẩu tăng từ 1 ngày năm 2020 lên 2 ngày trong năm 2021. Tương tự, số ngày trung vị nhập khẩu của năm 2021 là 3 ngày, tăng đáng kể so với con số 2 ngày được duy trì trong nhiều năm trước đó.
Nhật Linh