Sáng ngày 29/4, Tổng cục Thống kê thông tin về tình hình kinh tế xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022.
Số doanh nghiệp ra đời gấp hơn 2 lần rút lui khỏi thị trường
Theo đó, sản xuất công nghiệp tháng 4 ước tính tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước do dịch COVID-19 đã được kiểm soát, các doanh nghiệp chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp và hoạt động đầu tư. |
Về tình hình hoạt động doanh nghiệp, trong tháng 4, hoạt động khởi sự kinh doanh khởi sắc mạnh mẽ. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất từ trước đến nay với 15 nghìn doanh nghiệp, nếu tính cả số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thì số doanh nghiệp tham gia thị trường trong tháng 4 gấp hơn 2 lần so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 60,6% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 17,5%. Bình quân một tháng có 20,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Kết quả trên cho thấy các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Quốc hội và Chính phủ đúng hướng và hiệu quả, tạo niềm tin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Cũng trong tháng 4, có 5.391 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 81,1% so với tháng trước và tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021; có 3.762 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 52,1% và giảm 32,9%; có 1.227 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% và giảm 20,4%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 41 nghìn doanh nghiệp, tăng 44,6% so với cùng kỳ năm trước; 15 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 8,7%; gần 5,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 17,5%.
Vốn FDI thực hiện cao nhất 4 năm qua
Về hoạt động đầu tư, Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng 4, các Bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước tăng 9,1% so với cùng kỳ.
Cụ thể, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/4/2022 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,81 tỷ USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký cấp mới có 454 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 3,7 tỷ USD, tăng 0,7% về số dự án và giảm 56,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký điều chỉnh có 323 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 5,29 tỷ USD, tăng 92,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5,85 tỷ USD, chiếm 65,1% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,77 tỷ USD, chiếm 19,7%; các ngành còn lại đạt 1,37 tỷ USD, chiếm 15,2%.
Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.026 lượt với tổng giá trị góp vốn 1,82 tỷ USD, tăng 74,5% so cùng kỳ năm trước. Trong đó có 429 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 899 triệu USD và 597 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 928,4 triệu USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 5,92 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2022 đạt trị cao nhất của 4 tháng các năm 2018-2022, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2022 có 34 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 285,8 triệu USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước; có 9 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 41,9 triệu USD, giảm 89,6%. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 327,7 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước.
Khách quốc tế đến Việt Nam tăng 184%
Trong 4 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Thống kê cho biết tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,53 tỷ USD |
Về xuất nhập khẩu, uớc tính tháng 4/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 33,26 tỷ USD, giảm 4,2% so với tháng trước và tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 122,36 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 31,77 tỷ USD, tăng 21,6%, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 90,59 tỷ USD, tăng 14,7%, chiếm 74%. Trong 4 tháng đầu năm 2022 có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 63,1%).
Ước tính tháng 4/2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 32,19 tỷ USD, giảm 1,5% so với tháng trước và tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 119,83 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 40,97 tỷ USD, tăng 14,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 78,86 tỷ USD, tăng 16,4%. Trong 4 tháng đầu năm 2022 có 22 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 81,5% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Khách quốc tế đến nước ta đạt gần 192,4 nghìn lượt người, tăng 184,7% so với cùng kỳ năm trước. |
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 4 ước tính xuất siêu 1,07 tỷ USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,53 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,5 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,2 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 11,73 tỷ USD.
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 4/2022 đạt 101,4 nghìn lượt người, gấp 2,4 lần so với tháng trước và gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 192,4 nghìn lượt người, tăng 184,7% so với cùng kỳ năm trước.
CPI tháng 4 tăng nhẹ 0,18% Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng nhẹ 0,18% so với tháng trước; tăng 2,09% so với tháng 12/2021 và tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng theo giá nguyên liệu đầu vào sản xuất; dịch vụ giáo dục tăng trở lại tại một số địa phương sau thời gian miễn giảm học phí; giá ăn uống ngoài gia đình và dịch vụ du lịch tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 4 tăng. Bình quân 4 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 0,89% của 4 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 4 tháng đầu năm 2017-2020; lạm phát cơ bản tăng 0,97%. Lạm phát cơ bản tháng 4/2022 tăng 0,44% so với tháng trước, tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 0,97% so với cùng kỳ năm 2021. Giá vàng trong nước biến động ngược chiều với giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 4/2022 tăng 0,73% so với tháng trước; tăng 12,28% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 4 tháng đầu năm 2022 tăng 5,65%. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 4/2022 tăng 0,07% so với tháng trước và giảm 0,64% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 4 tháng đầu năm 2022 giảm 0,66%. |
Lê Thúy