Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam cuối tuần trước của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, ông cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ trao đổi các văn kiện hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản. Trong đó có nhiều biên bản ghi nhớ việc các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.
Nhà đầu tư Nhật Bản gia tăng đầu tư
Một trong số đó là Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam (thuộc Tập đoàn Aeon Mall Nhật Bản) đầu tư khoảng 3.916 tỷ đồng làm Trung tâm thương mại Aeon Mall tại Khu đô thị mới An Vân Dương, TP. Huế đánh dấu bước phát triển mới trong lĩnh vực bán lẻ ở Huế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio chứng kiến nhiều thỏa thuận hợp tác, đầu tư giữa hai cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản. |
Mục tiêu của dự án là đầu tư, xây dựng, vận hành trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp bao gồm: Dịch vụ ăn uống, giải khát, khu vui chơi cho trẻ em và cho thuê các không gian bán hàng đã được đầu tư hoàn thiện, xây dựng, lắp đặt, trang trí, thuê và cho thuê lại mặt bằng, nhà kho, hội trường và các hạng mục khác trong trung tâm thương mại.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Aeonmall Việt Nam cũng ký biên bản thỏa thuận với UBND tỉnh Đồng Nai. Theo đó, nhà đầu tư này sẽ đầu tư trung tâm thương mại tại Đồng Nai với tổng vốn lên đến 268 triệu USD. Bản ghi nhớ nhằm tăng cường sự hợp tác giữa Aeonmall và Đồng Nai để đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư trung tâm thương mại AEON MALL tại tỉnh để góp phần đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn và yêu cầu mở rộng đầu tư của doanh nghiệp.
Trước đó, hôm 29/4, MUJI, thương hiệu gia dụng nổi tiếng Nhật Bản, đã mở cửa khai trương cửa hàng thứ 3 tại Việt Nam đặt tại Hà Nội.
Với diện tích bán lẻ khoảng 1.700 m2, nằm trong Trung tâm thương mại (TTTM) Aeon Mall Long Biên, cửa hàng MUJI Aeon Mall Long Biên cung cấp đa dạng các sản phẩm bao gồm thực phẩm, đồ gia dụng, quần áo, nội thất và phụ kiện. Ngoài ra, cửa hàng cũng có những dịch vụ đặc trưng của Muji như dịch vụ thêu, dịch vụ lên lai quần, Open MUJI, MUJI Yourself, tư vấn nội thất và tiệm cà phê.
MUJI hiện có hơn 1.000 cửa hàng trên toàn thế giới. Chính thức mở kinh doanh ở thị trường Việt Nam vào năm 2020 với cửa hàng đầu tiên đặt tại TPHCM, thời điểm bắt đầu bị ảnh hưởng dịch bệnh nhưng MUJI vẫn tiếp tục đầu tư mở thêm 2 cửa hàng mới, đặt tại Hà Nội.
Ngoài ra, hàng loạt thương hiệu bán lẻ khác của Nhật Bản như Ministop, FamilyMart, 7-Eleven,… vẫn đang tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực ô tô, trung tuần tháng 4 vừa qua, đoàn công tác của Công ty Misubishi Việt Nam do ông Hidetoshi Suzuki, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc đã có buổi tiếp xúc với lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An.
Lãnh đạo tập đoàn này cho biết, tập đoàn đang hoạt động và đầu tư trong 4 lĩnh vực chính là phát triển bất động sản, đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2, thời trang bán lẻ và sản xuất kinh doanh ô tô. Đồng thời, đại diện công ty bày tỏ mong muốn được tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Nghệ An. Doanh nghiệp này cũng đã nhiều lần tìm hiểu về cơ hội đầu tư nhà máy ô tô tại địa phương này.
Nhận định về khả năng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, ông Takeo Nakajima – Trưởng đại diện JETRO Hà Nội - cho rằng: Việt Nam sẽ là điểm đến được nhiều DN Nhật Bản lựa chọn trong năm 2022.
40,8% DN FDI dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh
Ngoài các doanh nghiệp Nhật Bản, 4 tháng đầu năm nay đã ghi nhận dòng vốn đầu tư mới và cả vốn mở rộng của các dự án đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam với con số kỷ lục lên tới 10,8 tỷ USD, bằng 88,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, vốn tăng thêm đạt 5,29 tỷ USD, tăng 92,5% so với cùng kỳ; vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 1,83 tỷ USD, tăng 74,5% so với cùng kỳ. Ngược lại, vốn đăng ký đầu tư mới lại giảm.
Nguồn Bộ KHĐT. |
Trong các dự án quy mô lớn đăng ký đầu tư vào Việt Nam từ đầu năm phải kể tới dự án cấp mới 1,32 tỷ USD của Lego, hầu hết các dự án còn lại đều là dự án tăng vốn. Chẳng hạn, Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (Singapore) - tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD; Dự án của Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Hàn Quốc) - tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD; hay Dự án của Goertek (Hồng Kông) - tăng vốn thêm 306 triệu USD.
Một trong những lý do được giới đầu tư đánh giá cao là môi trường đầu tư tại Việt Nam tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ. Điều này phần nào được lý giải trong báo cáo PCI mới đây mà Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố.
GS Edmund Malesky dẫn chứng, sau sự sụt giảm đáng kể vào năm 2020, khi chỉ có 40,8% doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tiếp theo, điều tra PCI-FDI 2021 ghi nhận tỷ lệ DN FDI có kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam là 47,7%.GS Edmund Malesky – Trưởng nhóm nghiên cứu bộ Chỉ số PCI cho hay, dù chịu những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp FDI vẫn có niềm tin kinh doanh vững chắc tại Việt Nam.
Sự lạc quan trở lại của các DN FDI được quan sát thấy ở hầu hết các ngành nghề, dù là doanh nghiệp định hướng thị trường xuất khẩu hay thị trường nội địa.
Nhìn về tổng thể, mặc dù chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2021.
Không chỉ có PCI, các chuyên gia của các tổ chức tài chính, ngân hàng… cũng có dự báo dòng vốn FDI sẽ còn chảy mạnh vào Việt Nam trong năm nay. Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB, ông Aaditya Mattoo nhận định: Việt Nam là mô hình của một quốc gia rất thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Trong khi đó, các chuyên gia của Ngân hàng Standard Chartered nhận định, Việt Nam vẫn tiếp tục là một trung tâm sản xuất và một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu mặc cho những thách thức liên quan đến căng thẳng địa chính trị và tình hình dịch bệnh. Dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam đã bắt đầu tăng lên trong năm nay sau khi suy giảm trong năm 2021. Standard Chartered kỳ vọng xu hướng này sẽ còn tiếp diễn, đặc biệt là trong các lĩnh vực như sản xuất và cung ứng điện, xăng dầu và thiết bị điều hòa không khí.
Tuy nhiên, để dòng vốn FDI chảy mạnh và ổn định, các chuyên gia PCI cho rằng, Việt Nam cần tập trung cải cách những lĩnh vực thủ tục hành chính về thuế, phòng cháy, xuất nhập khẩu, đăng ký đầu tư và bảo hiểm xã hội. Việt Nam cũng cần tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục triển khai dự án đầu tư có công trình xây dựng, cụ thể là cấp phép xây dựng, thẩm duyệt phòng cháy, đánh giá tác động môi trường.
Trong số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam 4 tháng đầu năm, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 3,1 tỷ USD, chiếm 28,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ 2 với hơn 1,82 tỷ USD, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư, tăng 53,9% so với cùng kỳ. Với dự án Lego có quy mô lớn, tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD, Đan Mạch tiếp tục đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,32 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư. |
Đức Anh