Trước việc đại diện 11 hãng xe nhập khẩu tại Việt Nam vừa gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ để xem xét áp dụng ưu đãi phí trước bạ cho cả xe nhập khẩu (NK), chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng đã bày tỏ sự không đồng tình với đề xuất này.
Cần có lộ trình rạch ròi
Trao đổi với VnBusiness, ông Dũng cho rằng các nhà NK ô tô cần chia sẻ những rủi ro do tác động của dịch Covid-19 lên thị trường tiêu thụ ô tô tại Việt Nam. Hơn nữa, với đề xuất giảm phí trước bạ cho ô tô nhập cũng phải có lộ trình rạch ròi, chứ không thể giảm ngay trong lúc này.
Công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. |
Nhất là khi công nghiệp lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian gần đây do “cú sốc” đại dịch. Đặc biệt trong các vấn đề về áp lực tăng cao các chi phí logistics, tăng giá linh phụ kiện, đội giá thành sản xuất, đầu ra khó khăn…
Trong khi đó, nếu nhìn vào tình hình NK ô tô nguyên chiếc trong thời gian qua sẽ thấy vẫn giữ đà tăng trưởng tốt. Theo số liệu thống kê sơ bộ mới đây của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2021 số lượng ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập giảm 14,8% so với tháng trước đó. Thế nhưng, tính đến hết tháng 9/2021, lượng ô tô nguyên chiếc các loại NK đạt 114.377 chiếc, tăng 71,5% so với cùng kỳ năm trước.
Còn với NK nhóm hàng linh kiện và phụ tùng ô tô, thống kê cho thấy trong 9 tháng đầu năm nay trị giá NK đạt 3,7 tỷ USD, tăng 39,8%, tương ứng tăng 1,05 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Quan sát tình hình tăng giá NK linh phụ kiện ô tô như hiện tại, dưới góc nhìn của một người chuyên làm trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), bà Huỳnh Thị Mỹ Nương, Tổng giám đốc Công ty Đào tạo Lãnh đạo và Dịch vụ Phát triển Bền vững (SDLT), nhận định điều này làm tăng giá thành ô tô lắp ráp trong nước.
Như lý giải của bà Nương, tác động của dịch Covid-19 làm cho tình hình sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước thật sự gặp khó từ năm 2020 cho đến năm nay. Việc gián đoạn chuỗi cung ứng làm cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam gặp phải các vấn đề trở ngại như việc sản xuất chậm lại, “nghẽn” nguồn cung linh phụ kiện cũng như chi phí logistics đắt đỏ.
“Điều này dẫn đến việc tăng giá thành sản xuất là khó tránh khỏi khi mà các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đối mặt nhiều vấn đề khó khăn, nhất là trước sự gia tăng của một loạt chi phí”, bà Nương nói.
Chính vì vậy, theo vị tổng giám đốc của SDLT, việc áp dụng chính sách tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ lần thứ hai đối với riêng cho ô tô lắp ráp trong nước trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 sẽ rất cần thiết trong thời điểm này.
Gỡ khó khăn chung cho thị trường
Trở lại với đề xuất đòi công bằng, muốn giảm phí trước bạ cả cho xe NK của đại diện các nhà NK ôtô tại Việt Nam (VIVA) gồm những thương hiệu xe hạng sang như: Audi, Porsche, Aston Martin, Jeep, Volkswagen, Volvo, Jeep, Jaguar & Land Rover, Ferrari, Subaru, Maserati, bà Nương cho rằng nhìn vào đà tăng trưởng của ô tô NK trong 9 tháng qua cũng như năm vừa rồi thì không có lý gì phải giảm phí trước bạ cho ô tô nhập.
Còn nếu nói về tính công bằng, phân biệt đối xử trong chính sách liên quan đến ngành ô tô thì đó là cả vấn đề mông lung không chỉ ở Việt Nam mà cả ở các quốc gia khác trên thế giới. Nhất là với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vốn dĩ vẫn còn gặp nhiều hạn chế lớn so với nền công nghiệp ô tô mạnh mẽ ở các quốc gia phát triển.
Cho nên, khi các nhà NK ô tô mong muốn chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ đối với ôtô cần được áp dụng chung cho cả xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe NK để đảm bảo tính công bằng sẽ là điều không hề dễ dàng một sớm một chiều nếu như không có lộ trình rõ ràng.
Từ đề xuất của các nhà NK ô tô, ngoài việc không đồng tình với việc giảm lệ phí trước bạ cho ô tô nhập, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, điều cần làm sau thời gian dài chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 là cần tháo gỡ khó khăn chung cho toàn thị trường tiêu thụ ô tô.
Theo đó, nên có thêm những chính sách để hỗ trợ việc kích cầu cho thị trường ô tô. Chẳng hạn như cho vay mua ô tô với lãi suất “mềm”, giãn nợ với người vay mua xe… Ngoài việc tự bản thân các doanh nghiệp cố gắng để kích cầu thì Nhà nước cũng phải hỗ trợ để kích hoạt thị trường ô tô trong lúc này.
Tuy nhiên, như lưu ý của bà Huỳnh Thị Mỹ Nương, với thị trường ô tô Việt hiện nay rất cần tránh rơi vào ‘bẫy’ cung vượt cầu trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp kéo dài. Dịch bệnh làm cho người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, khiến cho việc mua sắm ô tô không phải là lựa chọn ưu tiên hiện giờ.
Lẽ đương nhiên, khi sức mua giảm thì các nhà sản xuất, kinh doanh ô tô sẽ nghĩ đến chính sách hỗ trợ và cả việc cạnh tranh giữa ô tô NK với ô tô lắp ráp trong nước. Nhưng, nếu cân đo đong đếm sẽ thấy rằng việc áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước và tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước vẫn là điều phù hợp nhất.
Thế Vinh