Một khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, trong 9 tháng đầu năm nay, đã có trên 90 nghìn doanh nghiệp (DN) giải thể và tạm ngừng kinh doanh. Như vậy, bình quân một tháng có hơn 10 nghìn DN rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với năm 2020.
Khó trăm bề
Thực tế, trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội cho phép DN được giảm 30% thuế thu nhập DN của năm 2021. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), do nguồn lực của đất nước có hạn, nên việc giảm thuế này chỉ áp dụng đối với những DN có mức doanh thu năm dưới 200 tỷ đồng, đồng thời doanh thu năm 2021 phải thấp hơn doanh thu năm 2019.
Mặc dù vậy, theo các doanh nghiệp việc hỗ trợ cần áp dụng giảm 30% thuế thu nhập DN linh hoạt với mọi ngành nghề lĩnh vực và không chỉ dừng lại ở con số doanh thu 200 tỷ. Đề cập tới câu chuyện này, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam, Tổng giám đốc T&M Forwarding nói rằng, đợt bùng phát lần thứ tư, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tỉnh thành phía Nam, đã và đang dẫn đến những khó khăn rất lớn cho hoạt động của các DN, đặc biệt là DN kinh doanh vận tải và logistics.
Dịch bệnh dần được kiểm soát song doanh nghiệp chưa thể khôi phục lại hoàn toàn sản xuất. |
Sản lượng dịch vụ của các DN logistics giảm đáng kể do tình hình kinh doanh của khách hàng gần như bị tê liệt, khách hàng giảm diện tích thuê, đề nghị giảm giá dịch vụ do không bán được hàng… Trong khi đó, chi phí cho công tác phòng chống dịch tăng. Đặc biệt, giá cước tàu tăng cùng hàng loạt các phụ phí từ hãng tàu trở thành gánh nặng tài chính lên chi phí logistics và áp lực lên DN dịch vụ logistics.
Theo đó, ông Khoa đề xuất Chính phủ, các bộ ngành, địa phương có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, giảm thuế thu nhập DN, giảm thuế giá trị gia tăng cho DN logistics.
"Nhiều DN, trong đó có các DN logistics đến thời điểm hiện tại doanh thu đã vượt 200 tỷ, nhưng điều này không đồng nghĩa với lợi nhuận của DN tăng, ngược lại, áp lực về dòng tiền của DN lớn hơn rất nhiều. Tôi đề nghị áp dụng giảm 30% thuế thu nhập DN linh hoạt với ngành nghề lĩnh vực, có thể “nới” quy định về doanh thu lên mức phù hợp với DN logistics do diễn biến tăng giá cước", ông Khoa nói.
Ở góc độ là một DN ngành nông nghiệp, ông Trần Đức Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Triệu Sơn (Triso Group) chia sẻ những khó khăn riêng của ngành nông nghiệp, việc xuất khẩu nông sản bị gián đoạn, các hoạt động lưu thông hàng hoá trong nước và giữa các địa phương bị đứt gãy đã gây thiệt hại rất lớn cho các DN.
Bởi vậy, các DN nông nghiệp cần chính sách trợ giá sàn (quỹ bình ổn giá) với các sản phẩm nông nghiệp để DN yên tâm đầu tư và sản xuất, khắc phục tình trạng bấp bênh giá của các sản phẩm nông nghiệp được mùa thì mất giá như hiện nay.
Mặt khác, DN cần có những chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi thấp, được tiếp cận với các nguồn vay vốn dễ dàng hơn hiện tại để DN có vốn đầu tư ứng dụng công nghệ vào sản xuất và kinh doanh.
Nguồn lực cho hỗ trợ kèm khơi thông thể chế
Phân tích về câu chuyện tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, cần sự kết hợp của chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ; đồng thời có cơ chế đặc biệt cho ngân hàng xem xét hỗ trợ DN. Bởi theo ông, tất cả những khoản nợ mà DN bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đã được cơ cấu nợ, đang được các tổ chức tín dụng cho vay là nợ dưới chuẩn nên việc xem xét cho vay mới là khó khăn với các tổ chức tín dụng.
"Trong điều kiện chuẩn cho vay không hạ, các tổ chức tín dụng đang cho các DN cho vay giữa bối cảnh hết sức đặc biệt khi DN doanh thu giảm, chưa biết lãi hay lỗ, tài sản đảm bảo thiếu… Cần cơ chế đặc biệt để các tổ chức tín dụng xem xét hỗ trợ DN", ông Hùng nhấn mạnh.
Trước những kiến nghị của các DN, ông Nguyễn Văn Phụng nói rằng, có rất nhiều kiến nghị xoay quanh chính sách giảm giảm 30% thuế thu nhập DN. Tuy nhiên, phải lý giải rằng các DN đang hoạt động có rất nhiều loại hình, nếu hỗ trợ cho tất cả các DN, thì nguồn thu ngân sách sẽ không bảo đảm. Do đó, trong lúc khó khăn những DN nghiệp nhỏ và vừa, dễ bị tổn thương cần được hỗ trợ nhiều hơn.
"DN lớn có khó khăn lớn, DN nhỏ có khó khăn nhỏ, nhưng đứng về lĩnh vực tài chính ngân sách, thì nguồn lực quốc gia chưa đủ, chưa có điều kiện để chia sẻ với DN lớn bằng tiền mặt. Vì vậy, sẽ chia sẻ bằng cơ chế chính sách, bằng những động thái để tạo điều kiện cho DN có thể phát triển, phục hồi nhanh”, ông Phụng nói.
Còn ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho rằng, cần phải hỗ trợ DN thông qua đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí, thúc đẩy hoạt động đầu tư.
Hiện nay, trình tự thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp. Theo các DN, trình tự, thủ tục có nhiều khác biệt tuỳ theo Bộ ngành quản lý và loại hình hàng hóa. DN cũng mất nhiều thời gian đọc hiểu các luật chuyên ngành và các Nghị định hướng dẫn. Trong khi đó, cách hiểu và cách triển khai các Bộ, ngành lại chưa thống nhất. Việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành còn phiền hà. Tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành còn tồn tại. Một mặt hàng có thể bị quản lý cùng lúc bởi nhiều bộ ngành.
"Đây là những việc mà Nhà nước có thể trực tiếp hỗ trợ cho DN được, DN cần nhất cơ chế", ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Quang Vinh Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Để cộng đồng DN tiếp tục phục hồi, các chính sách hỗ trợ cũng cần đồng bộ và thống nhất để chính những chính sách này cộng hưởng sức mạnh. Trên phương diện kinh tế, hỗ trợ DN, người dân thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cũng phục vụ trực tiếp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống xã hội. Sự hỗ trợ phải quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, thông suốt, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, kịp thời, dễ tiếp cận; quy mô hỗ trợ phải tương xứng với ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh; điều kiện, tiêu chuẩn các gói hỗ trợ phải khả thi; các quy trình, thủ tục để hưởng hỗ trợ phải được đơn giản hóa tối đa; đồng thời, có cơ chế giám sát, kiểm tra sát sao việc thực hiện và chế tài xử lý để tránh lợi dụng, trục lợi chính sách. Ông Mạc Quốc Anh Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP.Hà Nội Số DN giải thể, ngừng hoạt động của TP.Hà Nội ở mức cao. Theo đó, cộng đồng DN vẫn kiến nghị được hỗ trợ tiếp cận tài chính để phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Nếu Nhà nước không cho DN vay khoản vay ưu đãi thì người lao động mất việc làm. Bên cạnh đó, DN cũng cần hỗ trợ giảm chi phí chống dịch như chi phí xét nghiệm, tôi biết có DN chi phí xét nghiệm chiếm 6 tỷ đồng/tháng. Đây là chi phí quá lớn, gây khó khăn cho DN. Ông Cấn Văn Lực Chuyên gia kinh tế DN Việt Nam đã có dấu hiệu lỡ nhịp phục hồi với thế giới. Dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ trong thời gian tới vẫn còn song việc hỗ trợ cũng gặp khó khăn do tốc độ thu ngân sách còn có thể giảm nhiều do ảnh hưởng COVID-19. Qua tiếp xúc với nhiều DN, tôi thấy họ phản ánh là điều cần nhất lúc này là được tạo điều kiện để phục hồi sản xuất, thu hút lao động, giảm chi phí hoạt động. Điều này phải được thực hiện nhanh bởi hiện nay biên lợi nhuận DN giảm, mất nhiều khách hàng. Đây là thách thức cực kỳ lớn, đối tác mà đi thì sẽ không quay lại. |
Lê Thúy