Thông tin mới đây về việc Thế giới Di động (MWG) dự kiến sẽ đạt lợi nhuận hơn 6.300 tỷ đồng trong năm 2022 (tăng 37% lãi so với 2021) vẫn gây ra không ít ý kiến tranh cãi.
Kỳ vọng sức phục hồi của thị trường
Một số ý kiến cho rằng nhà bán lẻ này đã phần nào đánh mất hình ảnh của mình với chuỗi siêu thị mini Bách Hoá Xanh khi bị tố tăng giá kiếm lời hồi cao điểm “mùa dịch” năm 2021.
Thị trường bán lẻ Việt năm 2022 kỳ vọng sẽ thoát khỏi “bóng đen” Covid-19 và có sức tăng trưởng tốt. |
Không những vậy, có ý kiến còn mỉa mai “không lãi mới lạ” khi nhắc lại chuyện “lùm xùm” của MWG vài tháng trước khi tự ý giảm 70 - 100% tiền thuê mặt bằng, tự chuyển tiền vào tài khoản của người cho thuê trong lúc chưa thống nhất thỏa thuận giữa hai bên.
Trong khi đó, dưới “con mắt” của chuyên gia phân tích thuộc một công ty chứng khoán, giá cổ phiếu của thương hiệu bán lẻ này trong năm 2022 vẫn cực kỳ hấp dẫn. Điều đó dựa trên dự báo về sức phục hồi và tăng trưởng tốt của thị trường bán lẻ ở Việt Nam trong năm 2022.
Ngay như chuỗi bán lẻ Bách Hoá Xanh - đang được dự tính IPO (đợt phát hành cổ phiếu lần đầu) để có thêm vốn cho việc mở rộng, vốn từng bị dư luận “chê lên chê xuống”, nhưng theo giới phân tích, doanh thu dự phòng của thương hiệu này trong năm 2022 có thể đạt 39.024 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ.
Hoặc như với mảng bán lẻ của Masan Group trong năm 2022 cũng được dự báo đầy khả quan. Theo đó, chuỗi bán lẻ dự kiến tăng trưởng 19,4% so với năm vừa rồi nhờ vào việc tăng 1.000 điểm bán cửa hàng Vinmart Plus. Nhóm hàng tiêu dùng của thương hiệu này cũng dự kiến tăng 12,4% so với năm 2021 trên cơ sở chiến lược cao cấp hóa sản phẩm.
Thế nhưng, vẫn có nhận định hồ nghi là chuỗi cửa hàng bán lẻ tạp hóa của họ có thể sẽ lỗ sau thuế năm 2022 tăng nhẹ do ảnh hưởng của kế hoạch mở mới 1.000 điểm bán trong 12 tháng tới.
Nhìn lại hồi năm 2021 vừa qua, có thể nói mảng hàng tiêu dùng (Masan Consumer Holdings), bán lẻ tạp hóa (Vincommerce – VCM) và chuỗi giá trị thịt (Masan Meatlife – MML) của Masan Group đã được hưởng lợi trực tiếp từ các đợt cách ly xã hội khi nhu cầu tích lũy thực phẩm đóng gói, nhu cầu mua hàng từ kênh tạp hóa hiện đại và nhu cầu thịt sạch đều gia tăng mạnh.
Lợi nhuận từ mảng bán lẻ của doanh nghiệp này có những thời điểm đã tăng đột biến nhờ kết quả kinh doanh bán lẻ tạp hoá cải thiện đáng kể. Điểm đáng chú ý là có lúc họ đã từng tiết kiệm chi phí hoạt động của các cửa hàng và cắt giảm 200 cửa hàng nhằm giảm chi phí thuê mặt bằng, giảm chi phí thuê nhân công và các chi phí khác.
Phảng phất tín hiệu lạc quan
Hay như Digiworld (DGW), nhà phân phối bán lẻ các sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông, được dự báo trong năm 2022 có sức tăng trưởng mạnh khi doanh thu của họ có thể đạt 25.881 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 727 tỷ đồng.
Điều này dựa trên việc các mảng kinh doanh bán lẻ các mặt hàng công nghệ của họ được cho là sẽ tăng trưởng mạnh khi ngừng sử dụng điện thoại di động 2G/3G, thúc đẩy chuyển đổi hơn nữa sang điện thoại di động thông minh, điều này sẽ có tác động tích cực đến sản lượng tiêu thụ, giá bán trung bình (ASP) và lợi nhuận.
Theo chuyên gia phân tích của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), sản lượng tiêu thụ phục hồi trên toàn thị trường, cùng với việc mở rộng thị phần của Xiaomi sẽ thúc đẩy mạnh mẽ doanh thu điện thoại di động của DGW trong năm 2022 và những năm tới.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh phân phối Iphone và thiết bị gia dụng của Mỹ cũng được kỳ vọng mang lại sức tăng trưởng tốt cho thương hiệu bán lẻ này. Chẳng hạn như việc phân phối độc quyền thiết bị gia dụng (như máy giặt, tủ lạnh, máy rửa bát, máy sấy và lò vi sóng) cho một thương hiệu của Mỹ, với quy mô thị trường thiết bị gia dụng của Việt Nam ước tính đạt 1 tỷ USD, trong đó DGW đang đặt mục tiêu chiếm 10% thị phần trong năm đầu tiên phân phối.
Những dự báo về sức tăng trưởng của các nhà bán lẻ nêu trên cũng phảng phất phần nào về tín hiệu lạc quan cho thị trường bán lẻ Việt trong năm 2022 này.
Như nhận định của chuyên gia phân tích CTCP chứng khoán Mirae Asset, đó là sự lạc quan về hồi phục của bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng khi Việt Nam kỳ vọng đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng trong năm 2022 và trở lại “bình thường mới”, nhu cầu tiêu dùng sẽ gia tăng trở lại.
Tuy vậy, rủi ro lớn nhất mà thị trường bán lẻ Việt đối mặt chính là “bóng ma” dịch Covid-19 có thể bùng phát trở lại và tiến độ tiêm vắc xin chậm hơn dự kiến. Mặc dù thế, các chuyên gia tin rằng các đợt cách ly tập trung trên diện rộng do ảnh hưởng bởi đại dịch sẽ không xuất hiện.
Với tốc độ tiêm chủng như hiện nay, hy vọng Việt Nam sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng với Covid-19 sẽ giúp thị trường tiêu dùng nội địa phục hồi lại trạng thái bình thường trong quý 1/2022.
Tốc độ bao phủ vắc xin nhanh được cho là sẽ tác động tích cực lên sức tăng trưởng cho thị trường bán lẻ Việt trong năm 2022. Nhất là song song với tỷ lệ phủ vắc xin bứt tốc, theo kế hoạch, các chuyến bay quốc tế sẽ được phục hồi hoàn toàn vào giữa năm 2022. Qua đó, vừa hỗ trợ cho ngành du lịch vừa góp phần vào sức tăng trưởng cho ngành tiêu dùng bán lẻ trong thời gian tới.
Thế Vinh