Mặc dù nhiều doanh nghiệp (DN) đang than vãn khó khăn về thị trường trong và ngoài nước, nhưng ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc CTCP Bánh kẹo Á Châu (chủ thương hiệu bánh ABC Bakery), cho rằng riêng với ngành hàng bánh kẹo thì công ty vẫn tương đối ổn định ở thị trường nội địa và xuất khẩu (XK) có chiều hướng tăng.
Nắm bắt cơ hội giữa khó khăn
Xét về lý do tăng XK bánh, theo ông Lực, ở một số quốc gia khác gặp khó về mặt nhân công trong ngành bánh, và đó chính là cơ hội cho ngành bánh của Việt Nam khi có đủ nhân công để đáp ứng nguồn hàng cho XK. Và cơ hội này chỉ dành cho những DN luôn ở tư thế sẵn sàng đáp ứng đơn hàng, chứ không để cơ hội tới lại phải chờ DN chuẩn bị thì mọi chuyện đã muộn, sẽ mất đi cơ hội hiếm hoi đó.
Người tiêu dùng đã thay đổi rất nhiều sau đại dịch Covid-19 đang đòi hỏi hàng Việt cần “dò sóng” để cạnh tranh tốt hơn. |
Chính vì vậy, trao đổi với VnBusiness tại buổi họp báo Lễ công bố Hàng Việt Nam chất lượng cao 2023 vào ngày 9/3 tại Tp.HCM, Tổng giám đốc Bánh kẹo Á Châu cho biết doanh số XK sản phẩm bánh từ mức khiêm tốn chỉ chiếm 2% tổng doanh thu mỗi năm của công ty, nhưng trong 6 - 7 năm vừa qua đã liên tục tăng và hiện chiếm tỷ trọng 25 - 30%. Ngoài XK vào các thị trường chủ lực như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc…, Bánh kẹo Á Châu đang nhắm đến thâm nhập thị trường Mỹ.
Và ông Lực không quên nhấn mạnh thành công không phải tự nhiên đến, mà chính là nhờ vào việc công ty đầu tư nhiều cho chế biến sâu để phục vụ đa dạng nhu cầu và xu hướng mới của người tiêu dùng, giữ gìn thương hiệu và chất lượng sản phẩm xứng tầm hàng Việt chất lượng cao. Nhất là có sản phẩm tốt thì đương nhiên người tiêu dùng sẽ biết đến thương hiệu của mình, khi đó điều quan trọng là xây dựng và giữ vững thương hiệu.
“Thời trước, người bán ít, người mua nhiều nên cạnh tranh không nhiều. Còn bây giờ thì khác, cạnh tranh ngày càng quyết liệt với thế mạnh thuộc về những DN đầu tư nhiều vào công nghệ. Nếu DN Việt nào không theo kịp về công nghệ sẽ khó tránh bị thị trường sa thải”, ông Lực chia sẻ.
Cần nhắc thêm, theo kết quả khảo sát người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao 2023 do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao ghi nhận đánh giá từ hệ thống phân phối cho thấy đa số người bán đánh giá sản phẩm của DN đạt hàng Việt Nam chất lượng cao được nhiều người mua (80%), có thương hiệu uy tín (60%), sản phẩm đa dạng chủng loại (47%) hay giá bán cạnh tranh (39%).
Đặc biệt, có trên 50% đánh giá DN có nhiều sản phẩm mới hoặc được cải tiến trong năm qua. Đây là tín hiệu đáng mừng, sự ghi nhận của các điểm bán lẻ là động lực để những DN hàng Việt Nam chất lượng cao nỗ lực hơn nữa trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường và mong đợi của người tiêu dùng.
Phải hiểu rõ người tiêu dùng trước nhiều thay đổi
Bên cạnh đó, cuộc khảo sát cũng chỉ rõ mua sắm đa kênh đang là xu hướng thịnh hành hiện nay cũng như trong tương lai. Người tiêu dùng hiện nay lựa chọn mua sắm thông qua sự kết hợp giữa phương thức truyền thống và kỹ thuật số, người tiêu dùng tham khảo thông tin sản phẩm qua các kênh trực tuyến nhưng lại muốn trải nghiệm mua sắm trực tiếp tại các siêu thị hay cửa hàng.
Hơn thế nữa, cũng theo kết quả khảo sát, thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam đang dần phát triển thực sự về chiều sâu. Người tiêu dùng không chỉ coi trọng các yếu tố rất cơ bản như chất lượng cảm nhận, độ bền, giá cả, mà các yếu tố như an toàn sử dụng, sản phẩm tươi ngon, thông tin về thành phần dinh dưỡng, nguồn gốc - xuất xứ, hay công dụng hoặc tính năng sản phẩm, hoặc sản phẩm đạt chứng nhận chất lượng… Đây là các yếu tố rất được người tiêu dùng quan tâm, đặc biệt đối với sản phẩm nhóm ngành thực phẩm, đồ uống.
Bàn thêm về xu hướng mua sắm của người tiêu dùng, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết hậu đại dịch Covid-19, người tiêu dùng đã thay đổi rất nhiều. Thậm chí có những công ty đang kinh doanh tại các thị trường lớn trên thế giới than thở là “họ không hiểu người tiêu dùng luôn” và người tiêu dùng thay đổi nhiều quá!
“So với thị trường thế giới, những thay đổi của người tiêu dùng ở Việt Nam cũng như vậy. Người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu, dè dặt, thận trọng trong mua sắm. Điều này có thể các DN rất rành và phải thi thố tiếp thị Omnichannel (đa kênh) - là những cách thông minh nhất để làm sao người tiêu dùng vẫn tin vào DN của mình”, bà Hạnh bộc bạch.
Ngoài ra, xét về “thói quen tiêu dùng” đã thay đổi lớn sau đại dịch, theo báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường gần đây, phần lớn người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều tiền cho sản phẩm cam kết “xanh”, “sạch” được sản xuất từ nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Nhiều người cho biết họ ưu tiên mua các thực phẩm Organic, Bio Organic, thực phẩm không biến đổi gen,… vì áp dụng theo cách nuôi trồng truyền thống, không gây hại đến môi trường... Người tiêu dùng đang ngày càng ý thức hơn sự liên quan giữa sức khỏe và hệ sinh thái xung quanh.
Và, việc không đứng ngoài nhiều thay đổi trong xu hướng của người tiêu dùng, đặc biệt là trong vấn đề “xanh hóa” sản phẩm, chính là cơ hội mở ra cánh cửa mới cho sức tăng trưởng của hàng Việt khi mà khách hàng trong và ngoài nước có thiện cảm với sản phẩm của DN. Từ đó, hàng Việt sẽ cải thiện sức tiêu thụ trong nước, mở ra các thị trường mới, giảm rủi ro cho các DN trong môi trường kinh doanh.
Thế Vinh