Nhân đề án mới đây ở Tp.HCM về việc mở phố đêm Chợ Lớn (dự kiến tổ chức từ 18h mỗi ngày, gồm các khu phục vụ ẩm thực, các khu khác bán văn hóa phẩm, đồ lưu niệm và khu vực sân khấu phục vụ sự kiện văn hóa)... Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một sáng kiến cho kinh tế đêm để kích thích tiêu dùng nội địa và kích cầu du lịch. Nhất là kinh tế đêm hướng tới giới trẻ, khách du lịch nước ngoài, những người có khả năng chi tiêu cao.
Phát triển kinh tế đêm, hút du khách quốc tế
Trong đề án này, đưa ra con số dự tính khoảng 2.000 người đến phố đêm Chợ Lớn mỗi tối, với trọng tâm là 4 con đường quanh chợ Bình Tây (quận 6, Tp.HCM), là “đòn bẩy” hỗ trợ phát triển hoạt động thương mại tại các tuyến đường Hậu Giang – Tháp Mười, Minh Phụng – Bình Tiên, đại lộ Võ Văn Kiệt…
Kinh tế ban đêm được ví như “cỗ máy in tiền”, rất cần được thúc đẩy phát triển nhiều hơn trong lúc này để kích cầu tiêu dùng. |
Giới chuyên gia lưu ý trong bối cảnh sức mua phục hồi chậm, thị trường còn bấp bênh thì việc tạo ra “đòn bẩy” kinh tế đêm như đề án phố đêm nêu trên sẽ rất hữu ích để kích cầu tiêu dùng. Không chỉ vậy, việc phát triển kinh tế đêm sẽ khai thác được tối đa lợi ích từ du lịch và tạo đột phá thu hút khách du lịch.
Như với Tp.HCM, kinh tế đêm vẫn cần đặc sắc, phong phú, đa dạng hơn thay vì chủ yếu là ăn uống. Chẳng hạn như mô hình phố đi bộ, phố ẩm thực vào ban đêm đã được tổ chức ở nhiều quận và dự kiến sẽ có thêm phố đi bộ ở các quận xa trung tâm. Tuy nhiên, hiện tại nhiều phố đi bộ, chợ đêm nhưng chưa thể gọi là đủ về số lượng, tính chuyên nghiệp và sự độc đáo riêng để phát huy hết tiềm lực cho “hệ sinh thái kinh tế ban đêm”.
Ngoài kinh tế đêm được ví như “cỗ máy in tiền” rất cần được “thắp sáng”, để kích cầu tiêu dùng thì việc tìm ra những giải pháp nhằm gia tăng thu hút khách du lịch quốc tế là rất quan trọng. Theo Ts. Nuno F. Ribeiro (Đại học RMIT), cần tăng tính bền vững của các sản phẩm du lịch Việt Nam bằng cách hình thành quan hệ đối tác công - tư chú trọng giải quyết nhu cầu của khách du lịch quốc tế.
“Nhất là cần cung cấp các sản phẩm và dịch vụ bền vững về mặt sinh thái, đồng thời đưa ra các sản phẩm du lịch kết hợp nhiều điểm tham quan như bãi biển, điểm văn hóa và trung tâm thành phố”, ông Ribeiro chia sẻ.
Bên cạnh việc lưu ý Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các thị trường du lịch lân cận như Thái Lan, Singapore, Indonesia và Malaysia, Ts. Ribeiro khuyến nghị, cần giải quyết vấn đề visa du lịch. Tăng số lượng các quốc gia cấp thị thực khi đến, tăng thời hạn thị thực du lịch từ 15 lên 30 ngày hoặc thậm chí 60 ngày sẽ giúp gia tăng lượng khách quốc tế, nhờ đó mà tăng doanh thu từ du lịch.
Chờ những giải pháp đột phá
Xét về thị trường du lịch, theo Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán VnDirect, trong 2 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 1,8 triệu lượt, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn ít hơn 60% so với cùng kỳ năm 2019 (mức trước đại dịch). Trong số đó, Hàn Quốc là quốc gia có lượng khách du lịch lớn nhất đến Việt Nam trong tháng 2 với ước tính 301.343 lượt khách, tiếp đến là Mỹ với 69.648 lượt khách.
Gần đây Trung Quốc đã đưa Việt Nam vào danh sách đợt 2 cho phép nối lại tour du lịch quốc tế theo đoàn kể từ ngày 15/3/2023. Do đó, giới phân tích kỳ vọng lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng tốc độ phục hồi và Việt Nam có thể sớm vượt mục tiêu 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế của Chính phủ trong năm 2023.
Điều đáng nói là khách quốc tế vẫn còn chi tiêu thấp khi đến Việt Nam vì thiếu sản phẩm du lịch và các dịch vụ ở điểm đến. Ts. Ribeiro có dẫn lại nghiên cứu về thị trường khách du lịch nội địa 2016-2022 do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam thực hiện, cho thấy dù năm ngoái thị trường khách du lịch trong nước đã phục hồi ngoạn mục, góp phần bù đắp cho những thiệt hại từ du lịch quốc tế, thế nhưng chi tiêu nội địa còn thấp.
Ngoài ra, không chỉ trông cậy vào kinh tế ban đêm hay hút khách du lịch quốc tế, để tạo “đòn bẩy” cho kích cầu tiêu dùng đang đòi hỏi có những giải pháp đột phá từ bản thân các doanh nghiệp (DN) trong ngành hàng tiêu dùng và khâu chính sách nên cởi mở hơn. Bởi lẽ, tâm lý người tiêu dùng đang hướng tới nhu cầu tiết kiệm cũng như thận trọng trong chi tiêu do nhận thức rằng điều kiện kinh tế vẫn còn nhiều bất định.
Về phía cơ quan quản lý, để đẩy mạnh tăng trưởng tổng cầu, theo Bộ Công Thương, thời gian tới cần thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.
Về phía các DN trong ngành hàng tiêu dùng, điều không muốn là khi khó khăn đầu ra, hàng tồn kho nhiều, họ lại rơi vào vòng xoáy nợ nần, nơi cơ hội lại trở thành mối đe dọa cho sự tồn tại của họ. Cho nên, các DN kỳ vọng là những chính sách quyết liệt, rõ ràng hơn để mở cửa thị trường vốn, thúc đẩy doanh số bán hàng, để tái cân bằng cung cầu.
Mặt khác, khi càng khó khăn thì người tiêu dùng càng đòi hỏi sự đa dạng chủng loại sản phẩm. Xu hướng dài hạn cho thấy người tiêu dùng sẽ cẩn trọng hơn với túi tiền của mình. Cho nên, điều mà các DN cần làm trong lúc này là không chỉ cần đem lại giá trị gia tăng tốt hơn, mà dịch vụ và sản phẩm phải hấp dẫn hơn nữa để thôi thúc người tiêu dùng chi tiêu.
Thế Vinh