Mới đây, container sữa đặc đầu tiên của Vinamilk với thương hiệu Ông Thọ đã được xuất khẩu thành công sang thị trường Trung Quốc - thị trường khổng lồ và đầy tiềm năng (Trung Quốc hiện có mức tiêu thụ lớn thứ 2 thế giới và tiêu thụ bình quân đầu người liên tục tăng).
Sức ép đường bộ, lãng phí đường sắt
Trong hoàn cảnh dịch Covid-19, lô hàng xuất khẩu chính ngạch này cho thấy một viễn cảnh tươi sáng từ thị trường Trung Quốc, khác hẳn so với thực trạng hàng nghìn xe nông sản (chủ yếu là trái cây) vẫn ùn ứ ở các cửa khẩu chờ thông quan.
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc phụ thuộc vào một số cửa khẩu (Ảnh: Tư liệu) |
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết trong 3 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mặc dù hai bên đã có rất nhiều cố gắng nhưng tổng kim ngạch thương mại nông lâm sản Việt Nam - Trung Quốc giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 2,21 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu đạt 1,65 tỷ USD (giảm 10,2%). Kim ngạch 8/12 nhóm mặt hàng xuất khẩu nông sản đều giảm mạnh so với cùng kỳ, trong đó bao gồm: Rau quả đạt 525 triệu USD giảm 22,7%; cao su đạt 203 triệu USD giảm 29,2%; thủy sản đạt 140 triệu USD giảm 28,6%; chè đạt 1 triệu USD giảm 82,2%; hạt điều đạt 46,1 triệu USD giảm 46,7%; thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 28,8 triệu USD giảm 12,4%.
Đáng chú ý, tình hình xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu gặp khó khăn hơn trong những ngày đầu tháng 4/2020. Kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản ước đạt khoảng 250 triệu USD, giảm 35,1% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thanh long, dưa hấu, xoài, nhãn, chôm chôm... chỉ đạt khoảng 350.000 tấn, giảm trên 200.000 tấn so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 14/4/2020, lượng hàng hoá tồn tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là 2.600 xe (trong đó riêng cửa khẩu Tân Thanh tồn gần 1.000 xe, mỗi ngày chỉ xuất khẩu được 50 xe, trước đây xuất khẩu trên 300 xe/ngày). Với số lượng xe hàng tồn ở cửa khẩu Tân Thanh hiện nay, khả năng giải phóng hết phải mất khoảng 20 ngày.
Sau điện đàm của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Việt Nam - Trung Quốc đã đạt được một số thỏa thuận tại cửa khẩu Tân Thanh. Cụ thể: Thời gian làm thủ tục thông quan sẽ khôi phục lại như trước đó, buổi sáng bắt đầu từ 08:00 đến 11:00, buổi chiều từ 12:00 đến 16:00 (giờ Việt Nam), hoạt động thông quan tại khu vực trên vào ngày nghỉ cuối tuần cũng được nối lại. Tuy nhiên, Bộ Công Thương tiếp tục khuyến nghị các tỉnh, các doanh nghiệp hạn chế đưa hàng lên các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân tại các cặp chợ trong giai đoạn hiện nay.
Trước thực tế trên, hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc rõ ràng cần điều phối lại. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, nên đánh giá thế mạnh của từng nhóm cửa khẩu với các loại nông sản để chỉ đạo điều hành luồng đi cho khoa học, hợp lý. Thứ nhất là thông qua cửa khẩu nào thì nhóm hàng khô, cửa khẩu nào nhóm hàng tươi. Thứ hai là cũng phải thống nhất tổng thể chung theo mùa vụ, theo tháng, theo quý để định hướng khối lượng luân chuyển hàng hoá phù hợp không chỉ với tín hiệu của thị trường, mà quan trọng là phù hợp với năng lực thông quan và phù hợp với hệ sinh thái và nguồn nhân lực thì mới đảm bảo khoa học.
Trước đó, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba đề nghị Việt Nam phân luồng giảm sức ép ở cửa khẩu, không tập trung vào một số cửa khẩu, tận dụng lợi thế đường sắt ở cửa khẩu Bằng Tường. Khai thác đường sắt có nhiều ưu thế, sức chứa rất lớn và giá thành lại thấp.
Không để nông sản Việt ở "kèo dưới"
Bên cạnh điều phối hoạt động xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới, vấn đề quan trọng là phải đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng trong tình hình hiện nay cần tập trung giãn hoặc tạm dừng lượng hàng hóa đưa lên cửa khẩu; hướng dẫn nông dân, chủ hàng chuyển hướng sang xuất khẩu nông sản chính ngạch và tăng cường giao thương nông sản bằng đường sắt giữa hai bên Việt Nam - Trung Quốc.
Theo PGs.Ts. Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), để tận dụng cơ hội xuất khẩu, Việt Nam vẫn cần quan tâm đến thị trường Trung Quốc bởi vì Trung Quốc bước đầu đã được khống chế dịch và là thị trường gần đối với Việt Nam. Có thể nói đây là giai đoạn vàng cho Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, xuất hàng sang thị trường tỷ dân này cũng cần chuyển đổi theo con đường chính ngạch để tránh gặp rủi ro.
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho hay: "Chuối hiện nay xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc rất tốt. Chuối Ecuador - đối thủ của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, sụt giảm sản lượng mạnh bởi dịch bệnh. Đây là cơ hội của chuối Việt Nam khi chúng ta vẫn giữ được sản xuất và thị trường".
Theo Gs.Ts. Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), biện pháp của Việt Nam là phải xây dựng được những kho ngoại quan ở biên giới để khi xảy ra ùn ứ, doanh nghiệp có nơi tạm trữ hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp phải chuyển hướng xuất khẩu theo đường chính ngạch, tránh tình trạng xuất khẩu nông sản luôn nằm ở "kèo dưới" dễ dàng bị ép giá.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho việc vận chuyển, lưu thông để giảm giá thành xuất khẩu nông sản. Việt Nam có lợi thế về đường sông, đường biển nhưng vận tải đường thủy hiện còn rất kém nên phần lớn hàng xuất khẩu dựa vào đường bộ khiến chi phí đội lên cao, kém lợi thế cạnh tranh về giá.
Đề nghị Trung Quốc "đặc cách" cho một số nông sản xuất khẩu chính ngạch Bộ Công Thương đề nghị Trung Quốc "đặc cách” mở cửa thị trường cho một số mặt hàng nông sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa đề nghị Bộ Thương mại Trung Quốc và Tổng cục Hải quan Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi phê chuẩn mới các cửa khẩu tại khu vực biên giới đất liền hai nước được chỉ định là cửa khẩu nhập khẩu trái cây, lương thực và thủy sản; mở rộng diện nông sản, trái cây được phép nhập khẩu tại cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng - Bằng Tường. Đặc biệt, Bộ Công Thương đề nghị Trung Quốc "đặc cách” mở cửa thị trường cho một số mặt hàng nông sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, các mặt hàng đang chờ hoàn tất các thủ tục pháp lý cuối cùng như thạch đen, tổ yến, khoai lang, sầu riêng. Đồng thời, đề nghị Trung Quốc khẩn trương hoàn tất các thủ tục pháp lý mở cửa thị trường đối với chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, roi, cũng như diện doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào Trung Quốc. Ngoài ra, Bộ Công Thương đề nghị phía Trung Quốc gia hạn danh mục các doanh nghiệp xuất khẩu bột cá của Việt Nam (hết hạn từ tháng 2/2020); khôi phục tư cách xuất khẩu cho một số doanh nghiệp bị tạm dừng tư cách xuất khẩu một số mặt hàng như thủy sản, gạo… Trước đó, trong cuộc làm việc với Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Việt Nam đã gửi hồ sơ đáp ứng thủ tục cấp phép một số loại nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. "Đề nghị Trung Quốc cố gắng trong hoàn cảnh chưa làm việc trực tiếp được thì có những hình thức gián tiếp trao đổi thông qua online, thông qua các hình thức văn bản để cố gắng giải quyết những vấn đề kỹ thuật, đáp ứng mong muốn chung của hai bên về vấn đề mở cửa thị trường", Bộ trưởng NN&PTNT nhấn mạnh. |
Lê Thúy