Việc nhập khẩu (NK) điện được tính đến trong bối cảnh nhu cầu điện tăng nhưng nhiều dự án xây dựng nhà máy điện chậm tiến độ, điện sạch gặp khó khăn do quá tải lưới truyền tải.
Nhập điện Trung Quốc vì giá rẻ
Mới đây, ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cho biết hiện có tới 47/62 dự án công suất lớn trên 200 MW trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh bị chậm tiến độ. Điều này dẫn tới nguy cơ thiếu điện từ năm 2020 khi phụ tải tăng cao, nước về kém, thiếu hụt nhiên liệu than, khí.
Lượng điện thiếu hụt ước tính 3,7 tỷ kWh vào năm 2021, sau đó tăng lên gần 10 tỷ kWh vào 2020, sau đó giảm dần xuống 7 tỷ kWh và 3,5 tỷ kWh vào các năm 2024-2025.
Để giải quyết tình trạng trên, Bộ Công Thương tính toán sẽ tăng NK điện từ Lào và Trung Quốc. Với nguồn điện NK từ Lào, theo thỏa thuận đã ký giữa hai Chính phủ, công suất mua mới tới năm 2020 khoảng 1.000 MW, tăng lên 3.000 MW vào năm 2025 và khoảng 5.000 MW đến năm 2030.
Lượng điện NK từ Trung Quốc cũng dự kiến tăng từ năm 2021. Vừa qua, Bộ Công Thương đã có báo cáo chi tiết gửi Thủ tướng liên quan đến việc NK điện từ Trung Quốc giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, giai đoạn 2021-2022 mở rộng hợp đồng mua bán điện hiện hữu (sẽ hết hạn vào năm 2020) để tiếp tục NK qua các đường dây liên kết 220kV, điều khoản về giá điện giữ nguyên như hợp đồng mua bán điện hiện nay, bao gồm cả công thức điều chỉnh giá điện hàng năm.
Giai đoạn 2023-2025 nâng tổng công suất nhập tại Lào Cai và Hà Giang lên 2.000 MW, sản lượng 7-9 tỷ kWh/năm.
Giai đoạn sau 2025, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ tiếp tục nghiên cứu, trao đổi với công ty Lưới điện Phương Nam Trung Quốc về phương án NK ở cấp điện áp 500kV tại Lào Cai và báo cáo các cấp thẩm quyền xem xét.
Đến nay, EVN đã đàm phán với công ty Lưới điện Phương Nam Trung Quốc về các giải pháp liên kết để tăng cường NK điện Trung Quốc. Theo báo cáo, EVN sẽ mở rộng hợp đồng mua bán điện hiện hữu để tăng NK điện lên 3,6 tỷ kWh/năm từ năm 2021 với giá điện giữ nguyên như hợp đồng hiện nay.
Thực hiện liên kết qua các trạm chuyển đổi back – to back tại Lào Cai, Hà Giang để tăng NK điện Trung Quốc lên xấp xỉ 9 tỷ kWh/năm từ năm 2023. Với phương án này, phía công ty Lưới điện Phương Nam Trung Quốc đầu tư 2 trạm back – to back 220kV công suất 1.000 MW/trạm gần biên giới, phía Việt Nam đầu tư thêm một số công trình lưới điện 220kV để tăng khả năng tiếp nhận.
Đặc biệt, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết giá mua điện Trung Quốc cạnh tranh hơn so với khung giá mua điện từ Lào và thấp hơn mức giá trung bình các nhà máy nhiệt điện than hiện nay (trên 7 cent/kWh). Mức giá điện NK là 6,86 cent/kWh, tương ứng với tỷ giá 1 USD/6,53 Nhân dân tệ và sẽ điều chỉnh theo tỷ giá giữa USD và Nhân dân tệ theo từng năm.
Theo PGs. Ts. Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, NK điện để bù đắp thiếu hụt năng lượng trong nước. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc để đảm bảo an toàn nguồn điện, tránh lệ thuộc nguồn điện của quốc gia mà Việt Nam vốn đã phụ thuộc nhiều vào thương mại.
Nhập khẩu điện chỉ là giải pháp tình thế, chưa kể nhiều rủi ro |
Nội lực vẫn hơn
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khuyến cáo mua điện từ Trung Quốc cần phải đảm bảo chặt chẽ trong các hợp đồng mua bán điện, thỏa thuận giá điện để tránh bị thiệt thòi.
Hơn nữa, do điện năng là sản phẩm mua đến đâu phải tiêu thụ đến đó nên phải lên phương án, tính toán cụ thể, tỷ mỉ nhu cầu điện qua các năm, cập nhật khả năng đáp ứng của nguồn cung trong nước để ký kết hợp đồng với mức mua điện hợp lý. Nếu không tính sát thực tế sẽ gây ra lãng phí nguồn điện trong nước, dẫn đến bên mua là Việt Nam sẽ bị thiệt thòi.
Mặt khác, các chuyên gia cho rằng ngành điện cần phải phát huy nội lực. Cơ cấu nguồn điện có thuỷ điện, nhiệt điện, điện gió, mặt trời… sao cho hợp lý.
PGs.Ts. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, nhìn nhận không chỉ tăng nhập điện từ Trung Quốc, mà các phương án NK điện từ các nước xung quanh chắc chắn là giải pháp mà ngành điện phải tính đến khi mà nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp nhất thời, không phải là giải pháp lâu dài để ổn định an ninh năng lượng.
Về phương án lâu dài của ngành điện, ông Thịnh đánh giá lĩnh vực năng lượng sạch của Việt Nam hiện đã có bước phát triển mang tính đột phá, có một lượng lớn nhà cung cấp điện gió, điện mặt trời. Thời gian qua, việc điều chỉnh các kế hoạch, chiến lược về phát triển ngành điện thường xuyên được thực hiện nhưng thực sự ngành điện dường như không nhìn hết lợi thế, khả năng cung ứng của nhà đầu tư trong quá trình phát triển năng lượng sạch.
Với một quốc gia có hơn 3.000km đường bờ biển, cường độ bức xạ năng lượng mặt trời cao, rõ ràng nếu Việt Nam phát triển nguồn điện bằng năng lượng mặt trời, sức gió, sóng biển… sẽ không bao giờ phải lo thiếu điện như hiện nay.
Theo ông Thịnh, thực tế câu chuyện quá tải điện mặt trời hiện nay là một minh chứng. Tính đến cuối tháng 6/2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất đạt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Con số này đã vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850 MW điện mặt trời vào năm 2020). Điều đó dẫn tới nghịch lý là hệ thống điện đang thiếu hụt nguồn cung nhưng nhà máy lại không thể phát hết công suất.
Sự phát triển ồ ạt của điện mặt trời đã nói lên quy hoạch điện Việt Nam lỗi thời. "Chúng ta vẫn cứ quy hoạch phát triển điện than, trong khi nguồn nguyên liệu than trong nước cạn kiệt. Cách thức bố trí các nhà máy thủy điện cũng cần phải nhìn nhận, sắp xếp lại cho hợp lý", ông Thịnh nhấn mạnh.
Đặc biệt, vấn đề cốt lõi nhất của ngành điện là phải xóa bỏ độc quyền. Nhiều nước trên thế giới cổ phần hóa toàn bộ ngành điện từ khâu truyền tải đến bán lẻ, Việt Nam cũng hoàn toàn có thể làm điều tương tự với ngành điện. Chiến lược lâu dài phải đưa thị trường điện hoạt động theo cơ chế thị trường.
Lê Thúy
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Mức NK vài ngàn MW điện từ Trung Quốc mỗi năm là không đáng kể so với tổng nhu cầu điện thương phẩm. Tuy nhiên sẽ có rủi ro phụ thuộc bởi không rõ các nguồn của nước ngoài có cung cấp đủ cho nhu cầu của Việt Nam? Việc truyền tải về có bảo đảm an toàn cho hệ thống? Đó là nguy cơ. PGs.Ts. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính Với những nhà máy điện đang chậm tiến độ, Nhà nước cần phải trao trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ cho ban quản lý dự án nhằm thúc đẩy quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh và phát huy hiệu quả. Muốn vậy, cơ quan quản lý cần gắn trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu với mỗi nhà máy. Nếu cứ dây dưa "cha chung không ai khóc", không có người đứng đầu chịu trách nhiệm, chắc chắn tình trạng chậm tiến độ còn kéo dài. Gs. Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện lực Việt Nam Ngành điện cần tính đến việc mua với tỷ lệ bao nhiêu là thích hợp để tránh phụ thuộc. Phải tính toán đến trường hợp các nước xảy ra trục trặc trong quan hệ, hợp đồng mua bán không thực hiện được thì vẫn không ảnh hưởng đến an ninh năng lượng. Quan trọng nhất vẫn là nội lực. |