Ngành chăn nuôi trong nước được đánh giá là đang đứng trước nhiều khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) liên tục tăng trong thời gian qua. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, TĂCN tăng giá đến lần thứ 6.
Từ chuyện cái gì cũng nhập
Mới nhất là trường hợp Công ty Kyodo Sojitz tăng giá sản phẩm thức ăn chăn nuôi cho heo con và thức ăn đậm đặc từ ngày 1/7 với mức tăng 400 đồng/kg, nghĩa là giá một bao 25 kg sẽ tăng 10.000 đồng/bao. Hoặc như Công ty TNHH CJ Vina Agri, cũng thông báo từ đầu tháng 7/2022 tăng giá TĂCN 300 - 400 đồng/kg.
Người tiêu dùng có xu hướng chọn thịt nhập giá rẻ là thách thức lớn cho ngành chăn nuôi trong nước vốn còn nhiều điểm yếu "cốt tử". |
Còn theo số liệu cập nhật mới nhất, ước giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu tháng 6 năm 2022 đạt 600 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 2,6 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Trước tình hình liên tục tăng giá TĂCN như hiện tại, cho rằng ngành chăn nuôi trong nước hiện đang bộc lộ rất nhiều điểm yếu “cốt tử”, ông Trần Quốc Bình, đại diện của một doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực công nghệ sinh học đang có nhà máy đặt ở khu nông nghiệp công nghệ cao Tp.HCM, đã bày tỏ mối băn khoăn là liệu người chăn nuôi được hưởng lợi ở chỗ nào?.
“Nhất là khi TĂCN phụ thuộc đến 90% nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Rồi giống vật nuôi cũng phải nhập thay vì tạo giống. Chưa kể, còn phải nhập số lượng lớn thuốc thú y. Đến khâu bao bì đóng gói sau giết mổ cũng phải nhập”, ông Bình đặt vấn đề.
Trước mối băn khoăn nêu trên của ông Bình, chia sẻ tại hội nghị tổ chức ở Tp.HCM ngày 30/6 nhằm giới thiệu triển lãm về ngành chăn nuôi, thú ý, sữa, chế biến thịt và nuôi trồng thuỷ sản - Index Vietnam 2022 (sẽ diễn ra từ ngày 3 - 5/8/2022 tại Tp.HCM và quy tụ 200 doanh nghiệp), ông Hồ Ngọc Hải, thành viên Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn, cho rằng khi đã hội nhập thì việc nhập khẩu trong ngành chăn nuôi là điều khó tránh khỏi.
“Tuy nhiên, không phải cái gì cũng nhập mà nên nhập khẩu có chọn lọc. Còn nếu ngành chăn nuôi bảo thủ, không nhập mà chỉ sử dụng những gì ở trong nước cung cấp thì sẽ không thích ứng được với những tiến bộ ở ngành này trước áp lực của thị trường như hiện giờ”, ông Hải nói.
Đơn cử như vấn đề con giống, ông Hải nói rằng, ở trong nước cũng có nghiên cứu nhưng chậm hơn thế giới. Và để thích ứng với thị trường thế giới hiện nay thì ngành chăn nuôi Việt Nam với chủ trương của Nhà nước là cần làm thế nào để sản xuất được nhiều thịt, trứng, sữa phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng với mức độ chấp nhận được thì xem như ngành này thắng lợi.
Đến việc cạnh tranh ngày càng căng thẳng hơn
Theo ông Hải, ở góc độ những tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi thì Việt Nam được đánh giá là không thua kém gì các quốc gia khác trong khu vực. Chẳng hạn như chỉ số về thức ăn, số ngày nuôi trong một chu kỳ cũng ngắn lại so với trước đây.
“Điều quan trọng là vấn đề sản xuất để cân bằng thị trường, giảm nhập khẩu mà người tiêu dùng trong nước chấp nhận được. Các cơ quan quản lý nên lưu ý điều này”, ông Hải nói thêm.
Liên quan đến vấn đề nhập khẩu trong ngành chăn nuôi, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), thừa nhận nguyên liệu TĂCN vẫn còn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu. Năm ngoái, Việt Nam đã nhập hơn 19 triệu tấn nguyên liệu TĂCN. Ngày cả con giống đến nay cũng mới chủ động được một phần, còn hàng năm vẫn phải nhập một lượng lớn con giống từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, ông Thắng cũng chỉ rõ hoạt động giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi vẫn còn yếu, kiểm soát an toàn dịch bệnh còn chưa tốt. Trong khi đó, tính cạnh tranh trong sản phẩm chăn nuôi đang ngày càng căng thẳng hơn.
“Việt Nam đang tham gia vào 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với yêu cầu sản phẩm chăn nuôi ngày càng phải ngon hơn, an toàn thực phẩm phải cao hơn. Cho nên giá thành sản xuất cần phải rẻ hơn mới tạo được lợi thế trong cạnh tranh”, ông Thắng lưu ý.
Xét về tính cạnh tranh, có thể thấy việc sụt giảm kim ngạch XK sản phẩm thịt vẫn là điều đáng lưu tâm. Như số liệu thống kê, XK các sản phẩm chăn nuôi tháng 6/2022 ước đạt 34,8 triệu USD, đưa giá trị XK các sản phẩm chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 176 triệu USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, XK sữa và sản phẩm sữa đạt 56,4 triệu USD, giảm 1,5%. XK thịt và phụ phẩm dạng thịt, phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 45,5 triệu USD, giảm 13,5%.
Không những vậy, thế yếu của XK sản phẩm chăn nuôi là điều thấy rõ nếu nhìn vào con số nhập khẩu ở lĩnh vực này. Cụ thể, chỉ tính riêng tháng 6/2022, ước giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 301,6 triệu USD, như vậy là gần gấp 10 lần so với con số giá trị sản phẩm chăn nuôi mà Việt Nam XK trong tháng.
Từ đó để thấy băn khoăn của ông Trần Quốc Bình về ngành chăn nuôi trong nước là lẽ đương nhiên khi mà những con số nhập khẩu “biết nói” vẫn đang đè nặng ngành này. Mặc dù có những suy nghĩ tích cực cho mặt tiến bộ của chuỗi giá trị ngành chăn nuôi, thế nhưng vẫn chưa thể khoả lấp được những điểm yếu “cốt tử” một khi chưa được giải quyết rốt ráo.
Thế Vinh