Là một doanh nghiệp (DN) Việt đang nhắm đến thị trường ngách là sản phẩm thịt thay thế (còn gọi là “thịt giả”, được làm từ thực vật), Công ty TNHH thương mại dịch vụ Biển Phương (Tp.HCM) dự kiến đến năm 2023 sẽ đầu tư thêm về nhân lực và máy móc để nâng sản lượng 60 - 80 tấn/tháng.
Phải hiểu được nhu cầu
Giám đốc Lê Thị Phương Thảo cho biết các dòng sản phẩm chả thịt thay thế mà DN sản xuất đang được bán khá chạy trên thị trường. Và công ty cũng đang có những dự án để cho ra các sản phẩm mới nhằm chiếm lĩnh thị trường.
Một trong những trở ngại hiện tại với sản phẩm thịt thay thế chính là việc người tiêu dùng Việt có thói quen sử dụng sản phẩm tươi sống, ngay cả thịt mát cũng chưa thể thay đổi được thói quen này. |
Dù hoạt động còn khá non trẻ trên thị trường ngách đối với thịt thay thế nhưng công ty Biển Phương đã xây dựng được hệ thống phân phối đến nhiều tỉnh thành trong cả nước, với doanh thu hàng tháng trên 500 triệu đồng, có lợi nhuận ròng trên 25%.
“Chúng tôi “đánh” vào thị trường ở những vùng có đông đảo người tiêu dùng theo tôn giáo và chuộng ăn chay. Nhất là các phân khúc khách hàng tầm trung, họ chuộng sản phẩm tuy có mức giá cao hơn một chút so với các cơ sở kinh doanh bình thường nhưng lại có giá thấp hơn so với một số nhãn hàng nổi tiếng trên thị trường này”, bà Thảo nói.
Tại buổi toạ đàm tổ chức ở Tp.HCM ngày 1/3 về “dòng chảy” cho thị trường thịt thay thế, nhiều ý kiến cho rằng cơ hội kinh doanh cho các DN Việt đối với thị trường ngách dành cho sản phẩm thịt thay thế là đầy triển vọng.
Tuy nhiên, như chia sẻ của PGs.Ts. Đàm Sao Mai, Phó hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Tp.HCM, các DN cần phải hiểu được nhu cầu thị trường. Đầu tiên, cần tìm hiểu các xu thế đang thịnh hành rồi đáp ứng nó, sau đó tìm kiếm các sản phẩm khác để tập quen cho thị trường. Nhất là trên thế giới hiện đã có rất nhiều hãng lớn phát triển dòng sản phẩm thay thế thịt… Vì thế, làm các sản phẩm thịt thay thế từ Việt Nam sẽ rất ổn.
Bà Mai cũng lưu ý các DN Việt cần dùng thuật ngữ “thực phẩm thay thế thịt” thay vì nói là “ăn chay”, hay “thực phẩm chay”. Với những sản phẩm thịt thay thế, nếu nói “chay” hoàn toàn thì rất khó, nhưng thay thế thì lại có thể mở rộng ra rất nhiều.
Cần nhắc thêm, mặc dù thịt thực vật (tức thịt thay thế) vẫn là một ngành nhỏ so với ngành công nghiệp thịt khổng lồ, thế nhưng đã có những dự báo rằng lĩnh vực này trên toàn cầu có thể đạt doanh số khoảng 140 tỷ USD trong 10 năm tới và chiếm khoảng 10% ngành công nghiệp thịt toàn cầu.
Thậm chí, như hãng nghiên cứu thị trường Markets and Markets từng dự đoán năm 2022 này, thị trường thịt thay thế sẽ có giá trị gần 6 tỷ USD.
Chờ tạo xu hướng, tạo thị trường
Dự báo vẫn chỉ là dự báo khi mà tiềm năng của ngành sản xuất thực phẩm kiểu mới này vẫn cần có thêm thời gian để đánh giá. Nhất là khi việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng từ thịt thật sang “thịt giả” không thể ngày một ngày hai.
Trở lại với thị trường Việt, một trong những trở ngại hiện tại với các DN nhắm đến thị trường ngách là sản phẩm thịt thay thế chính là việc người tiêu dùng Việt có thói quen sử dụng sản phẩm tươi sống (ngay cả thịt mát cũng chưa thể thay đổi được thói quen này).
Hơn nữa, đây là một thị trường tương đối mới, giá bán sản phẩm thịt thay thế (bao gồm sản phẩm nhập khẩu và do trong nước sản xuất) vẫn cao hơn so với thịt thông thường.
Đơn cử như một loại sản phẩm thịt thực vật thay thế thịt bò, được nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam có giá rao bán trên một số sàn thương mại điện tử có thời điểm lên đến 1,5 triệu đồng/kg, cao gấp 5 - 6 lần so với thịt bò thật.
Mức giá cao như vậy được cho là vì liên quan đến thuế nhập khẩu, công nghệ chế biến, nguyên liệu không biến đổi gien, hệ thống phân phối chi phí cao… và cả chuyện muốn có lợi nhuận nhiều với loại thịt “lạ” này.
Theo giới chuyên gia, mức giá cao của sản phẩm thịt thay thế sẽ dần giảm đi nếu như có nhiều DN Việt như công ty Biển Phương tham gia thị trường và sản xuất với số lượng lớn. Khi đó, việc dẫn dắt người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm thịt thay thế sẽ dần tăng lên.
Đối với việc phát triển thị trường cho sản phẩm thịt thay thế, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, nhấn mạnh khi các DN làm thị trường thì phải biết xu hướng đang thịnh hành, đồng thời có cách khác đòi hỏi bản lĩnh hơn, đó là tạo ra xu hướng, tạo ra thị trường.
Còn ở góc độ của một DN Việt, ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc công ty Sông Hương Food, cho rằng đây là thị trường đầy tiềm năng và các DN nhìn thấy cơ hội đó, lại được kết hợp với các chuyên gia dinh dưỡng thì sẽ là đều rất may mắn.
Điểm lợi thế cho các DN Việt nếu chịu khó đầu tư vào mảng này chính là ở nguồn nguyên liệu nông sản khá phong phú.
Điều quan trọng khi muốn phát triển thị trường ngách ngay trên “sân nhà” đòi hỏi các DN Việt phải đảm bảo tốt về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, việc áp dụng các công nghệ mới trong chế biến cũng như làm chủ được kênh phân phối sẽ giúp sản phẩm thịt thay thế của các DN Việt tạo dựng được thị trường vững chắc hơn.
Thế Vinh