Những thông tin tích cực từ “lợn ăn chuối” của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là điều đáng để ngành chăn nuôi lợn suy ngẫm khi đang phải chịu áp lực từ việc tăng giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) trong thời gian qua.
Tìm nguồn thức ăn sẵn có để hạ giá thành
Ở các trang trại nuôi lợn, thức ăn chiếm khoảng 75% giá thành, và giá TĂCN lại phụ thuộc 80 - 90% vào giá nguyên liệu nhập khẩu. Trong khi đó, ở HAGL thì việc trồng chuối xuất khẩu với phụ phẩm chuối loại ra nhiều, mỗi năm có thể lên đến 200.000 tấn.
Giá lợn hơi trong nước không có lợi thế cạnh tranh với thịt ngoại do giá thành chăn nuôi trong nước còn cao. |
Cho nên, nếu kết hợp lợn ăn chuối sẽ giải quyết được cả 2 việc cho mảng trồng chuối và mảng chăn nuôi của bản thân doanh nghiệp (DN) này. Nhất là đưa bột chuối vào 40% công thức ăn. Điều đó giúp HAGL có lãi nhẹ vào năm 2021 và dự kiến lãi hơn 1.300-1.400 tỷ đồng trong năm nay.
Trước triển vọng đón nhận từ người tiêu dùng, dự kiến năm tới HAGL sẽ đưa ra thị trường 1 triệu con lợn ăn chuối, đồng thời phát triển mạnh thương hiệu “lợn ăn chuối” với trên dưới 1.000 cửa hàng, trong đó 80% nhượng quyền.
Trong báo cáo mới đây về ngành chăn nuôi, Tổng cục Thống kê cũng nhấn mạnh để ngành này phát triển đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong các tháng cuối năm, các trang trại phải tìm nguồn thức ăn sẵn có trong nước để hạ giá thành chăn nuôi.
Thực ra, muốn có lợi nhuận, bắt buộc người chăn nuôi phải tính toán đến phương án giảm giá thành. Việc tự trộn thức ăn bằng các nguyên liệu có sẵn như: Bắp, cám gạo, khoai mì... thay cho thức ăn công nghiệp bán sẵn trên thị trường đang được không ít chủ trang trại nuôi lợn áp dụng đã tiết kiệm được 20-25% so với dùng thức ăn công nghiệp.
Còn trên thực tế, cho đến nay ngành chăn nuôi vẫn phải phụ thuộc chính vào nguồn thức ăn gia súc vốn dĩ lệ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Điều đó có thể thấy rõ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu về Việt Nam tháng 8/2022 tăng trở lại sau 2 tháng giảm liên tiếp.
Theo đó, tháng 8/2022 tăng 24,4% so với tháng 7/2022 và tăng 44,3% so với tháng 8/2021, đạt 573,32 triệu USD. Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2022 nhập khẩu nhóm hàng này đạt trên 3,65 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Với mức độ nhập khẩu như vậy nên giá TĂCN từ đầu năm 2022 đến nay chỉ có tăng chứ chưa hề giảm và theo dự đoán sẽ rất khó giảm từ nay đến cuối năm.
Đó cũng là lý do mà thịt lợn hơi trong nước không có lợi thế cạnh tranh với thịt ngoại do giá thành chăn nuôi trong nước còn cao. Chi phí đầu vào tăng cao cũng là nguyên nhân chính khiến giá lợn hơi nội địa biến động mạnh. Cho nên, cả người chăn nuôi lẫn DN giết mổ, kinh doanh thịt và các sản phẩm từ thịt đều gặp khó khăn.
Vẫn chờ hướng đi đúng
Vì vậy, các hộ nuôi lợn vẫn còn phân vân cho đợt tái đàn phục vụ lễ, Tết cuối năm nay. Nhất là với mức giá con giống và thức ăn chăn nuôi hiện tại, chỉ cần giá lợn hơi đi xuống một chút là người chăn nuôi rơi vào cảnh thua lỗ ngay.
Trên thực tế, nếu tính tới đợt tăng giá gần nhất thì giá TĂCN đã tăng khoảng 6 lần từ đầu năm đến nay. Còn nếu so với mức giá vào cuối năm 2021 thì giá hiện tại đã tăng gấp đôi, nhưng giá lợn hơi đã tăng không tương xứng.
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, trong thời gian tới, giá lợn hơi sẽ dao động quanh ngưỡng 70.000 đồng/kg, vào thời điểm cuối năm giá lợn hơi có thể sẽ tăng do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng.
Dự báo là thế, còn hiện tại giá lợn hơi vẫn còn biến động khó lường. Như ở “thủ phủ chăn nuôi” Đồng Nai, ghi nhận trong hạ tuần tháng 9/2022 cho thấy giá lợn hơi dao động 58 - 61 ngàn đồng/kg, giảm hơn cả chục ngàn đồng/kg so với tháng trước đó. Giá lợn giảm mạnh nhưng sức tiêu thụ vẫn gặp khó.
Không chỉ vậy, giá lợn hơi trong nước đang gặp áp lực cạnh tranh lớn với thịt ngoại ở cả phân khúc cao cấp cung cấp vào các hệ thống quán ăn, nhà hàng đến bình dân tại các bếp ăn công nghiệp, tập thể.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, lượng thịt lợn nhập khẩu giảm cũng là cơ hội cho nguồn cung trong nước tăng lên. Tính riêng lượng thịt lợn nhập khẩu 7 tháng năm 2022 đạt 55,21 nghìn tấn tương đương trị giá 117,5 triệu USD, giảm 42,1% về lượng và giảm 46,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với đó, các DN và hộ chăn nuôi tập trung tái đàn nên số lượng lợn tăng so với cùng kỳ năm trước. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 8/2022 tăng khoảng 6,8% so với cùng thời điểm năm 2021.
Như tuần vừa qua, CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam đã khởi công xây dựng 4 dự án cụm trang trại lợn công nghệ cao chuẩn khép kín, theo công nghệ Châu Âu hiện đại tại huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.
Dự kiến đây sẽ là một trong những trang trại lợn lớn nhất tại Việt Nam với tổng diện tích hơn 78ha. Động thái này nằm trong chiến lược của DN là xây dựng mạng lưới khoảng 100 trang trại và đạt 200.000 nái vào năm 2030. Riêng trong năm 2023 sẽ tiêu thụ gần 1,6 triệu con với 1.100 điểm bán.
Vẫn hy vọng thời gian tới, để thoát thế khó thì ngành chăn nuôi lợn sẽ chờ hướng đi đúng như trường hợp “lợn ăn chuối” của HAGL hay dự án mới nhất của BaF. Điều quan trọng là phải giảm được giá thành, tận dụng được nguồn nguyên liệu, phụ phẩm sẵn có trong nước, cũng như phát triển các mô hình chăn nuôi đảm bảo song hành yếu tố hiệu quả, bền vững, có quy trình chăn nuôi hiện đại giúp tối ưu chi phí vận hành, đầu ra thương phẩm chất lượng cao, được bao tiêu với giá tốt.
Thế Vinh