Hiện nay, tại Việt Nam, ngoài Vinfast (Tập đoàn Vingroup), chưa có doanh nghiệp (DN) nào sản xuất, lắp ráp ô tô điện. Nhìn chung, các dòng xe điện hóa chưa phổ biến tại Việt Nam. Tính đến hết năm 2020, số lượng xe bán ra trên thị trường trên dưới 1.000 xe bao gồm Hybrid, Hybrid sạc ngoài và xe điện. Trong đó, xe Hybrid và Hybrid sạc ngoài chiếm 99%, xe điện chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Ưu đãi thuế, phí không còn là đặc biệt
Trước đề xuất của Vingroup với xe ô tô điện về không áp thuế tiêu thụ đặc biệt, miễn lệ phí trước bạ, một số bộ, ngành đã bày tỏ quan điểm đồng tình. Bộ Công Thương cho rằng, việc áp dụng thí điểm chính sách ưu đãi không thu thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ áp dụng trong thời gian 5 năm để khuyến khích sản xuất và hỗ trợ người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện thân thiện với môi trường nên được xem xét.
Cần nghiên cứu về các chính sách cụ thể, đồng bộ về phát triển thị trường xe điện, không chỉ về chính sách hỗ trợ tài chính. |
Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng thống nhất và ủng hộ cao chính sách miễn thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ với các dòng xe ô tô điện chạy pin. Theo VCCI, đây là chính sách rất cần thiết để thúc đẩy việc sử dụng xe ô tô chạy pin, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nhiều tiềm năng.
Tuy nhiên, điều băn khoăn nhất hiện nay là nếu được "biệt đãi" thuế, phí thì ô tô điện Việt Nam có thể cạnh tranh được không, trước hết là với ô tô điện từ các nước ASEAN?
Năm 2016, Thái Lan đã đưa ra lộ trình chung để phát triển xe điện và phê duyệt kế hoạch ưu đãi thuế đối với sản xuất xe điện. Đến năm 2036, Thái Lan đặt mục tiêu tăng số lượng ô tô điện lên 1,2 triệu chiếc và có 690 trạm sạc hoạt động trên cả nước.
Đặc biệt, để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô điện, Chính phủ Thái Lan đã quy định 10 linh kiện được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN trong 8 năm, bao gồm: pin, hệ thống sạc thông minh, bộ chuyển đổi DC/DC, động cơ điện, phần mềm quản lý pin, bộ biến tần, bộ sạc điện di động và bộ ngắt mạch điện.
Indonesia cũng không kém cạnh trong "cuộc đua" ưu đãi ô tô điện. Năm 2019, Tổng thống Indonesia đã ban hành Sắc lệnh số 55 về Chương trình tăng tốc phát triển xe điện cho giao thông đường bộ với các ưu đãi rất lớn như miễn thuế nhập khẩu đối với xe điện ở dạng rời rạc hoàn toàn (CKD) hoặc rời rạc không hoàn toàn (IKD) và đối với các cụm linh kiện chính của xe điện với số lượng nhất định trong một khoảng thời gian nhất định; Giảm hoặc miễn thuế bán hàng đối với hàng xa xỉ; Ưu đãi về phí đỗ xe do chính quyền khu vực ban hành.
Bên cạnh đó, Malaysia đã miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với xe chạy hoàn toàn bằng điện sản xuất, lắp ráp trong nước từ năm 2014. Như vậy, rõ ràng ô tô điện Việt Nam cần phải có những chính sách đột phá hơn nếu muốn cạnh tranh với các nước trên.
Báo cáo Chính phủ mới đây về chính sách khuyến khích, sử dụng xe ô tô điện, Bộ Công Thương cũng đã chỉ ra rất nhiều nguyên nhân khiến ngành công nghiệp ô tô điện chưa thể phát triển như việc tiêu thụ rộng rãi xe điện tại Việt Nam trong thời gian tới là chưa khả thi vì thu nhập bình quân đầu người của người dân Việt Nam còn thấp, chưa có trạm sạc cho ô tô điện và thiếu hạ tầng giao thông đường bộ, điểm đỗ xe tĩnh, quỹ đất để bố trí trạm sạc cho xe điện. Chưa kể, phạm vi hoạt động hạn chế là nhược điểm lớn nhất của xe điện.
Còn nhiều rào cản cần tháo gỡ
Trên cơ sở kinh nghiệm của một số quốc gia về cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất, sử dụng xe điện cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến việc phát triển ngành công nghiệp xe điện tại Việt Nam, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: Việc phát triển ngành công nghiệp xe điện cần phải lồng ghép và tận dụng năng lực hiện có của các DN sản xuất ô tô sử dụng động cơ đốt trong thông thường; và việc phát triển ngành công nghiệp xe điện phải phù hợp với tình hình phát triển hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng phục vụ cho xe điện (hệ thống trạm sạc điện).
Theo đó, ngoài các giải pháp về thuế, Cục Công nghiệp đề xuất xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội nhằm thu hút đầu tư các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô điện, tập trung vào các dòng xe chưa sản xuất tại các quốc gia trong khu vực, hướng vào thị trường xuất khẩu, trong đó ưu tiên thu hút các dự án từ các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực sản xuất ô tô điện và linh kiện cho ô tô điện, đặc biệt là nghiên cứu sản xuất pin, mô tơ, hệ thống ECU điều khiển cho xe điện tại Việt Nam.
Đồng thời, có chính sách hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước để giảm chi phí đầu tư, nhất là các chi phí về R&D; mua bán, chuyển giao công nghệ cho các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô điện có quy mô lớn.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), phát triển ô tô điện là xu hướng tất yếu, Việt Nam không thể cưỡng lại được. Tuy nhiên, vấn đề thiết kế chính sách làm sao cho hiệu quả thì cần phải được quan tâm.
Ông Tuấn cho rằng về lâu dài, để xác định xem xe điện có thực sự sạch hay không, việc chính sách hỗ trợ bền vững cần xem nguồn điện sử dụng để sạc pin lấy từ đâu? Nếu lấy từ năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió thì rõ ràng xe điện là sạch, còn nếu lấy từ lưới điện thì cần phải xem xét.
Đồng thời, để đồng bộ và thực sự dẫn đến giảm phát thải khí nhà kính, đại diện VCCI cho rằng Vingroup cần xem xét đầu tư các trạm nạp mà điện cung cấp từ nguồn năng lượng tái tạo; cần quan tâm đến phát thải và ô nhiễm môi trường của pin lithium thải ra sau quá trình sử dụng.
"Về lâu dài, cần nghiên cứu về các chính sách cụ thể, đồng bộ về phát triển thị trường xe điện, không chỉ là chính sách hỗ trợ tài chính mà cả cơ chế phát triển công nghệ cho xe điện, các chính sách phi tài chính khác. Các cơ chế chính sách như vậy mới có thể thu hút và hỗ trợ các nhà sản xuất phát triển công nghệ ở thị trường Việt Nam, tránh trường hợp các biện pháp hỗ trợ lại làm lợi cho xe nhập khẩu", ông Tuấn khuyến nghị.
Ông Đỗ Thắng Hải Thứ trưởng Bộ Công Thương Để phát triển ngành công nghiệp xe điện thì cần phát triển cơ sở hạ tầng cho xe điện (trạm sạc điện, hạ tầng giao thông, quỹ đất để bố trí trạm sạc…). Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp điện sạch cho các trạm sạc điện; phát triển công nghiệp hỗ trợ để cung cấp linh kiện, phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp xe điện. Bên cạnh đó là ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về xe điện, trạm sạc xe điện; Đào tạo nguồn nhân lực cho nghiên cứu phát triển và sản xuất xe điện. TS. Khương Quang Đồng Chuyên gia ô tô tại Pháp Việt Nam không thể không phát triển xe ô tô điện, nhưng cần có sự chuẩn bị cho tương lai. Tuy nhiên, muốn phát triển tốt xe điện thì phải xây dựng được ngành công nghiệp ô tô cho xe chạy bằng xăng trước, bởi 70% linh kiện và bộ phận khác thể dùng chung như khung gầm, thùng xe, các thiết bị..., nghĩa là cùng một công nghiệp hỗ trợ. Những bước sau là xây dựng hệ thống nạp điện để phát triển thị trường, nghiên cứu phát triển các công nghệ đặc thù như công suất điện tử và pin điện. Khi hội tụ đủ điều kiện, Việt Nam có thể chuyển từ xe xăng sang xe điện. Ông Dương Đình Giám Nguyên Viện trưởng Viện Viện nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp Muốn phát triển được ô tô điện thì phải có chính sách hỗ trợ phù hợp, nhà đầu tư vẫn đang chờ chính sách để ra quyết định. Công nghệ xe điện đã đạt được nhiều thành tựu nhất định, DN trong nước hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ, ít nhất với xe vận tải hành khách tuyến ngắn như xe buýt điện trong thành phố. Vì vậy, cần có sự thay đổi trong chính sách. |
Lê Thúy