Mặc dù Bộ Công Thương có nhận định rằng, trong 1 - 2 thập kỷ tới, ô tô điện khó trở thành xu thế phổ biến ở Việt Nam. Đặc biệt, xuất phát điểm giữa Việt Nam và các quốc gia ASEAN là gần như tương tự nhau. Nếu không đón đầu xu thế phát triển của ô tô điện, ô tô thân thiện với môi trường bằng các chính sách khuyến khích kịp thời, Việt Nam sẽ lại để lỡ cơ hội phát triển ngành công nghiệp ô tô nói riêng và công nghiệp chế tạo nói chung.
Xe ô tô điện vẫn... xa vời
Theo đánh giá từ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), thị trường ô tô Việt Nam mới bước vào giai đoạn phát triển trong vài năm trở lại đây với quy mô thị trường đạt xấp xỉ 300.000 xe/năm. Hiện tại, thị trường ô tô Việt Nam vẫn hoàn toàn là xe chạy xăng/diesel, với một số lượng không đáng kể xe lai điện HEV, PHEV, BEV được nhập khẩu từ nước ngoài.
Tuy nhiên, lượng xe HEV chiếm tỷ trọng rất nhỏ, tại Việt Nam không được công nhận là xe điện. Ô tô điện sử dụng như xe cá nhân là vấn đề rất mới tại Việt Nam nên đến nay cũng chưa có một nghiên cứu khảo sát, đánh giá tiềm năng thị trường ô tô điện tại Việt Nam được thực hiện.
Ô tô điện có thể thay thế xe ô tô chạy xăng ở Việt Nam trong tương lai gần hay không? |
Cục Công nghiệp phân tích, với hiện trạng ngàng công nghiệp ô tô trong nước đang phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà đầu tư nước ngoài như hiện nay và xu hướng phát triển ô tô điện vẫn còn khá thận trọng tại các nước có ngành công nghiệp ô tô và hoạt động nghiên cứu, phát triển về ô tô điện như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc... Có thể nói trong khoảng một, hai thập kỷ tới, ô tô điện vẫn chưa thể trở thành xu thế phổ biến tại Việt Nam.
"Nguyên nhân chủ yếu là những hạn chế về chu kỳ và tuổi thọ của pin, giá cả đắt đỏ của xe và củ pin thay thế, chưa có trạm sạc điện công cộng... Ngoài ra, tại Việt Nam quy mô thị trường còn nhỏ, đây là khó khăn cho cả ngành công nghiệp ô tô nói chung, không chỉ là ô tô điện", Cục Công nghiệp nhìn nhận.
Về cơ sở hạ tầng trạm sạc, hiện nay ở các nước phát triển có nhu cầu sử dụng xe điện cao, các trạm và nhà để xe ngoài tại các cơ quan, công sở hay trung tâm thương mại đều có nguồn hướng tích hợp hệ thống các tấm pin năng lượng mặt trời, tận dụng nguồn năng lượng sạch, đồng thời giảm sự tiêu thụ điện từ hệ thống điện. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện tại hầu như chưa có trạm sạc cho ô tô điện.
Trong khi đó, hiện chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam hầu như chưa có. Xe điện đến nay mới chỉ nhận được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thấp hơn so với xe chạy xăng/dầu thông thường.
Đặc biệt, cạnh tranh từ các nước trong khu vực trong việc thu hút các dự án sản xuất xe điện đang rất lớn. Đơn cử, tháng 8/2018, Ủy ban Đầu tư Thái Lan đã chấp thuận 2 dự án sản xuất xe điện lớn của Nissan Motor (Thái Lan) và Honda Motor (Thái Lan) để sản xuất xe lai điện (HEV). Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư vào sản xuất ô tô điện cũng bắt đầu hiện diện tại Thái Lan. Toyota Motor (Thái Lan) đã đầu tư khoảng 570 triệu USD để thiết lập nhà máy sản xuất cho pin xe HEV tại Thái Lan với mục tiêu bắt đầu sản xuất kể từ đầu năm 2020. Mercedes -Bez Manufacturing (Thái Lan) và BMW Manufacturing (Thái Lan) cũng đều thiết lập cơ sở sản xuất, với mức đầu tư khoảng 18 triệu USD và 21 triệu USD tương ứng để sản xuất xe HEV, xe PHEV và xe BEV.
Tại Indonesia, hãng Toyota vừa công bố kế hoạch sản xuất xe điện tại Indonesia và sẽ rót khoảng 2 tỷ USD vào dự án trong vòng 4 năm tới. Tuy nhiên, Toyota không phải nhà sản xuất đầu tiên quan tâm đến sản xuất xe điện tại Indonesia. Tháng 12/2018, Hyundai công bố khoản đầu tư trị giá 880 triệu USD cho việc sản xuất xe điện tại đây. Trong khi đó, Mitsubishi cũng đã làm việc với Chính phủ Indonesia liên quan đến dự án nghiên cứu cơ sở hạ tầng phục vụ cho xe điện.
Theo dự báo, nhu cầu về ô tô dưới 9 chỗ ngồi tại Việt Nam đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 600.000 xe/năm và năm 2030 đạt 1 triệu xe/năm. Tuy nhiên hiện tại, dung lượng thị trường ô tô dưới 9 chỗ ngồi còn khá khiêm tốn (khoảng 300.000 xe/năm). Với thu nhập bình quân đầu người thấp, thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc, việc người tiêu dùng chuyển sang sử dụng rộng rãi xe điện cá nhân tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ 3-5 năm tới là không cao.
Phải có sự chuẩn bị
Tuy nhiên, Cục Công nghiệp cũng cho rằng đối với ô tô điện, xuất phát điểm giữa Việt Nam và các quốc gia ASEAN là gần như tương tự nhau. Do đó, cơ hội để thu hút các dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô điện của Việt Nam trong khu vực là rất tiềm năng nếu Chính phủ sớm ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ vượt trội, đặc biệt là trong bối cảnh có sự dịch chuyển đầu tư và tái cấu trúc chuỗi giá trị công nghiệp trong khu vực trong bối cảnh căng thẳng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng gia tăng.
"Nếu không đón đầu xu thế phát triển của ô tô điện, ô tô thân thiện với môi trường bằng các chính sách khuyến khích kịp thời, Việt Nam sẽ lại để lỡ cơ hội phát triển ngành công nghiệp ô tô nói riêng và công nghiệp chế tạo nói chung", Cục Công nghiệp cảnh báo.
Theo Cục Công nghiệp, việc phát triển ngành công nghiệp xe điện cần phải lồng ghép và tận dụng năng lực hiện có của các doanh nghiệp sản xuất ô tô sử dụng động cơ đốt trong thông thường. Bên cạnh đó, việc phát triển ngành công nghiệp xe điện phải phù hợp với tình hình phát triển hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng phục vụ cho xe điện (hệ thống trạm sạc điện).
Ở góc nhìn chuyên gia, TS. Khương Quang Đồng, chuyên gia có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành ô tô tại Pháp, nhìn nhận sự cạnh tranh ô tô điện sẽ khốc liệt trong những thập niên tới, mỗi quốc gia và mỗi tập đoàn sẽ bảo vệ tối đa những công nghệ của mình. Việt Nam phải có nhiều vốn lẫn chất xám để đầu tư vào nghiên cứu thì mới hy vọng có chỗ đứng.
Để chuẩn bị cho tương lai, Việt Nam không thể không phát triển công nghiệp xe điện nhưng chuyên gia Khương Quang Đồng cho rằng đến nay chúng ta vẫn chưa hội tụ đủ điều kiện vì chưa có thị trường làm nền, chưa đủ nội lực để tham gia cuộc đua vốn đòi hỏi đầu tư hàng chục tỷ USD.
Cùng với đó, phát triển công nghiệp ô tô điện bắt đầu bằng phát triển thị trường, xây dựng cơ sở hạ tầng như hệ thống nạp điện trên khắp lãnh thổ và phát triển các công nghệ đặc thù như pin, điện tử công suất, là những thành phần chiếm hơn 50% tổng giá thành sản xuất của xe điện.
"Cách đi tắt đón đầu" không phải là cách thích hợp cho phát triển ô tô, vì phải cần mấy chục ngàn linh kiện, chi tiết hoàn hảo thì mới có một ô tô hoàn hảo. Nếu muốn sản xuất cho hàng trăm ngàn xe đều hoàn hảo thì trước hết cần rất nhiều hàm lượng khoa học, kinh nghiệm và tác phong công nghiệp của tất cả những người làm việc trong ngành, từ công nhân đến các kỹ sư thiết kế", ông Đồng nhấn mạnh.
Lê Thúy