Theo báo cáo của Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ KH&ĐT), hệ thống chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hiện còn chưa đồng bộ, hiệu quả, số lượng doanh nghiệp (DN) chỉ chiếm khoảng 8% tổng số DN đang hoạt động trên cả nước. Các nghị định chưa được triển khai mạnh vì hạn chế bởi các luật chuyên ngành và thiếu nguồn lực, các cơ chế về khuyến khích xã hội hóa chưa thực sự hiệu quả.
Khó hưởng ưu đãi
Bà Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc HTX Thanh Hà, chia sẻ HTX nông nghiệp là một DN nhỏ với thành viên là những hộ nông dân có đồng vốn ít ỏi, việc huy động vốn từ các thành viên là rất khó khăn. Suốt hơn 7 năm hoạt động, HTX Thanh Hà chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng cũng như từ các quỹ hỗ trợ nông nghiệp, vì lý do HTX không có đất đai thế chấp.
Vay tín chấp ngân hàng hiện lãi suất quá cao, hơn 20%/năm nhưng cũng chỉ được vay vốn lưu động, vì vậy, HTX thiếu vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư trang thiết bị khoa học công nghệ.
"Chúng tôi rất mong Nhà nước tạo điều kiện vay vốn từ các quỹ hỗ trợ nông nghiệp bằng cách thế chấp các tài sản hình thành từ vốn vay, các tài sản đầu tư trên đất sản xuất nông nghiệp, bằng phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả", bà Hà bày tỏ.
Bên cạnh đó, để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế nông nghiệp hội nhập, DN nông nghiệp cần phải có sự đầu tư đồng bộ. DN với định hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn liền với hoạt động sơ chế, chế biến đòi hỏi phải có nhà xưởng sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản và một số công trình phụ trợ khác phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, những chính sách về đất đai, về xây dựng trên đất nông nghiệp đang là rào cản lớn khiến DN chỉ có thể xây dựng một cách chắp vá, tạm bợ, không đáp ứng được yêu cầu của nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao.
Bởi vậy, bà Hà mong muốn Nhà nước có những chính sách về đất đai cởi mở hơn, tháo gỡ khó khăn cho phép DN được xây dựng trên đất nông nghiệp những hạng mục cơ bản, thiết yếu phù hợp với quy mô, lĩnh vực sản xuất kinh doanh của DN nông nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Anh Đào, Giám đốc công ty TNHH một thành viên QT Hùng Dung, cho hay Nghị định 57/2018/ NĐ-CP của Chính phủ quy định rất rõ về các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đối với các dự án nông nghiệp, nông thôn như miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; hỗ trợ tập trung đất đai; tiếp cận, hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ DN nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường…
Tuy nhiên, DN hình thành và phát triển trên cơ sở phát huy nội lực là chính, chưa được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trên tất cả mọi lĩnh vực. Do vậy, Nhà nước cần chỉ đạo các địa phương quan tâm đối với những DN vừa mới thành lập, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhất là về vốn đầu tư, thị trường.
![]() |
Rất ít DN nông nghiệp được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước |
Tháo gỡ nút thắt
Theo bà Trần Kim Liên, Tổng Giám đốc Vinaseed, vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 57/2018/ NĐ-CP về cơ chế chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Nghị định 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp, hay trước đó là Quyết định 68 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp…, được xem là những cú hích để DN yên tâm đầu tư vào nông nghiệp.
"Có thể thấy, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách. Tuy nhiên, sau nửa năm ban hành Nghị định 57, Nghị định 58, chúng tôi đi hầu hết các tỉnh đều không nhìn thấy văn bản hướng dẫn để triển khai các ưu đãi đi vào cuộc sống. Tức là thông tư hướng dẫn liên bộ, các văn bản hướng dẫn thực hiện nghị định rất chậm", bà Liên cho hay.
Vì vậy, bà Liên cho rằng cơ quan quản lý cần sớm ban hành văn bản, thông tư hướng dẫn thực hiện các nghị định trên để DN yên tâm đầu tư và hưởng ưu đãi theo đúng tinh thần Chính phủ kiến tạo.
Bên cạnh đó, muốn đầu tư vào nông nghiệp bắt buộc phải có vốn. Để khơi thông tín dụng, hiện có Nghị định 55/2015/ NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nhưng Nghị định này gặp nhiều vấn đề bất cập.
Vừa qua, Chính phủ ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ cho Nghị định 55 như gói tín dụng 100 nghìn tỷ cho nông nghiệp, chính sách chăn nuôi thuỷ sản…, nhưng đến nay thực hiện còn hạn chế.
Trong khi đó, về phía ngân hàng, đại diện Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank), cho rằng cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp chi phí cao, chênh lệch lãi suất thấp, rủi ro lớn do thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, thị trường thiếu minh bạch… Nguồn vốn cho vay của Agribank là nguồn vốn thương mại, huy động từ thị trường nên lãi suất đầu vào cao.
Nhu cầu tăng trưởng tín dụng nông nghiệp, nông thôn rất lớn, trong khi Agribank chưa cổ phần hóa và chưa được tăng vốn điều lệ nên ngân hàng này gặp khó khăn về bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và tăng trưởng tín dụng đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Đại diện Agribank đề xuất xem xét mở rộng đối tượng đầu tư một số dự án tài trợ ODA để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng số lượng khách hàng được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
Trước những bất cập trên, ông Phạm Việt Hùng, Giám đốc công ty TNHH Sinh Thái Miền Trung Việt Nam ECV, cho rằng để tín dụng nông nghiệp, nông thôn khơi thông cần có điều kiện cần và điều kiện đủ. Trong đó, điều kiện cần là đơn giản hóa thủ tục vay vốn để nông dân và DN không mất nhiều thời gian làm thủ tục tín dụng. Điều chỉnh linh hoạt điều kiện cho vay phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp, cải thiện điều kiện tiếp cận vốn (bao gồm cả điều kiện về tài sản thế chấp); mở rộng gói tín dụng cho vay theo vụ cây trồng, cho vay tiêu dùng đối với hộ nông dân.
Điều kiện đủ bao gồm nghiên cứu cơ chế bảo lãnh tín dụng cho DN sản xuất phục vụ nông nghiệp và HTX, trang trại, nông hộ một cách đơn giản, rõ ràng. Thay vì cầm cố hay giao nộp sổ đỏ, Nhà nước nên hỗ trợ mua bảo hiểm rủi ro trong nông nghiệp cho DN sản xuất phục vụ nông nghiệp, HTX, trang trại, nông hộ; bảo hiểm lãi suất cho vay đối với một số sản phẩm, ngành nghề, dịch vụ…
Như vậy, rủi ro trong hoạt động đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sẽ giảm và thúc đẩy các ngân hàng mạnh dạn hơn trong đầu tư vốn vào lĩnh vực nông nghiệp.
Lê Thúy
Bà Trần Thị Thanh Tâm - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Nhà nước cần xây dựng chính sách khuyến khích đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp về nguồn vốn, lãi suất, mềm dẻo và linh hoạt đối với từng chương trình dự án cụ thể. Đặc biệt, Nhà nước cần tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn như chính sách đầu tư, tín dụng, chính sách mặt bằng, sản xuất, chính sách thuế, chính sách đào tạo, tiền lương, thu nhập, bảo hiểm. Bà Trần Kim Liên - Tổng Giám đốc Vinaseed Với nhiều cơ chế bất cập, DN vẫn đang phải chịu mức vay với lãi suất thả nổi 10%, nên chỉ dám vay trong thời gian ngắn. Chúng tôi kiến nghị DN đầu tư vào nông nghiệp không ai có tiền đầu tư 100% mà phải dùng đòn bẩy tín dụng, do vậy Nhà nước phải sửa đổi bổ sung thay thế Nghị định 55. Chính sách lỗi thời, tạo rào cản cần phải được sửa đổi. Ông Đinh Ngọc Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp (Bộ KH&ĐT) Nhằm tiếp tục thúc đẩy DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, xác định DN đóng vai trò "bà đỡ" để đưa công nghệ, quản lý, vốn, thị trường vào sản xuất nông nghiệp, đây là trụ cột xuyên suốt nhằm phát triển ngành nông nghiệp bền vững và ổn định. Chính phủ cần có chủ trương để xây dựng Luật Khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, đã có Nghị định 57/2018/NĐ-CP, tuy nhiên vướng các Luật về Thuế, đất đai không thể tháo gỡ nên bị nhiều giới hạn. |