Theo Bộ KH&CN, hiện nay, mức hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) nông nghiệp còn thấp, chưa đủ sức hấp dẫn đầu tư cũng như chưa bảo vệ được DN nông nghiệp Việt Nam trước sức cạnh tranh của DN nước ngoài. Nông nghiệp là một trong những ngành xuất siêu nhiều nhất, mang lại giá trị nhiều nhất, song chính sách hỗ trợ lại hầu như ít nhất.
Số liệu thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, mức hỗ trợ nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay chỉ chiếm 7%, chủ yếu qua hệ thống khuyến nông và cắt giảm một số loại phí, trong khi một số nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc có mức hỗ trợ lên tới 55-60%.
Thiếu vốn, thiếu đất...
Đại diện Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao (DAA Việt Nam) đánh giá, công tác triển khai xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thường bị kéo dài do những chậm trễ liên quan đến công tác quy hoạch, khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thiếu vốn đầu tư.
Cụ thể, quá trình tích tụ đất đai diễn ra chậm, manh mún vì vướng các quy định về hạn mức giao đất đang là yếu tố cản trở người dân và DN đầu tư dài hạn vào nông nghiệp, trong khi 96% diện tích đất nông nghiệp đã được giao cho các hộ gia đình.
Chưa có quy định rõ ràng về việc hỗ trợ DN thuê lại hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp của nông dân, nên việc triển khai các dự án đầu tư của DN sản xuất quy mô lớn còn gặp rất nhiều khó khăn.
So với các nước tiên tiến khu vực châu Á và thế giới, trình độ công nghệ áp dụng trong nông nghiệp ở Việt Nam còn thấp và chưa có hệ thống. Một số công nghệ cao nhập khẩu trọn gói từ nước ngoài chưa thực sự phù hợp các điều kiện thực tế về thổ nhưỡng, khí hậu, tài chính và các kịch bản dự phòng khi có sự cố xảy ra…, gây ra tốn kém và gia tăng rủi ro đầu tư.
Cùng với đó, để đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đòi hỏi đầu tư một lượng vốn rất lớn, thời gian thu hồi vốn lâu. Các DN phần lớn có quy mô nhỏ, khó tiếp cận được nguồn vốn lớn dẫn đến công nghệ lạc hậu, khó cạnh tranh, chi phí sản xuất cao nên lợi nhuận thấp, không có kinh phí để mở rộng và nghiên cứu những công nghệ mới hơn. Trong khi đó, đa số ngân hàng thương mại Việt Nam chỉ cho vay nguồn vốn ngắn và trung hạn với lãi suất không thật sự ưu đãi.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty Bagico, chia sẻ có không ít người đầu tư đổ vốn vào nông nghiệp công nghệ cao, vay nợ nhưng rồi cuối cùng phá sản, mang nợ và mất cả đất đai. Nguyên nhân là vì thiếu thông tin, không tiếp cận được khoa học kỹ thuật, chi phí sản phẩm cao và không có thị trường.
"Mong muốn lớn nhất của người kinh doanh nông nghiệp là có một trung tâm kinh tế nông nghiệp quy mô hàng trăm, thậm chí hàng nghìn héc ta để tập hợp đầu mối thương lái và khoa học kỹ thuật", bà Thực chia sẻ.
Nông nghiệp là một trong những ngành xuất siêu nhiều nhất, mang lại giá trị nhiều nhất, song chính sách hỗ trợ lại hầu như ít nhất |
Cần thêm ưu đãi
Bà Dương Thị Thu Huệ, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Kinoko Thanh Cao, cho biết DN này đã đầu tư gần 70 tỷ đồng cho nhà máy sản xuất và đóng gói nấm kim châm theo dây chuyền công nghệ Nhật Bản, doanh thu ổn định, nhưng lại gặp khó khăn khi không thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để tiếp tục đầu tư mở rộng mặt bằng, phát triển sản xuất.
"DN rất mong Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho vay vốn đầu tư mở rộng mặt bằng, dây chuyền công nghệ hiện đại để tăng năng lực sản xuất, giúp giá trị sản phẩm tăng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng", bà Huệ bày tỏ.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông, khẳng định hướng phát triển bền vững cho nông sản Việt Nam chính là bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng trong từng công đoạn, liên kết tạo thành chuỗi.
Ông Phong cũng nhấn mạnh đây là xu thế tất yếu, song cần quy hoạch hợp lý, hiệu quả từng vùng nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, đảm bảo việc tích tụ theo nhiều hình thức phù hợp với yêu cầu tổ chức sản xuất là căn cứ cho việc tiếp cận đất nông nghiệp của DN.
Đặc biệt, cần có chính sách ưu đãi dành cho các DN tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở các địa phương đối với một số lĩnh vực đã có công nghệ cao để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng, có giá trị gia tăng.
Trong đó, trọng tâm là các DN trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất chế phẩm sinh học, chế biến nông sản, tăng sức hấp dẫn đầu tư cũng như bảo vệ được DN nông nghiệp Việt Nam trước sức cạnh tranh của DN nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực cũng từng đặt vấn đề: "Tại sao chúng ta ưu đãi được cho các ngành nghề điện tử, cho DN nước ngoài, mà nông nghiệp – ngành có lợi thế và có nhiều ý tưởng lại không có những ưu tiên xứng tầm?".
Bên cạnh đó, cộng đồng DN cũng mong muốn thời gian tới, các vướng mắc, khó khăn về đất đai, vốn và công nghệ sẽ được giải quyết.
Đại diện cộng đồng DN, DAA Việt Nam đề nghị cơ quan quản lý cần đẩy mạnh thu hồi những diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, đất dự án bỏ hoang, đất không thực hiện đúng cam kết để giao lại đất dài hạn cho DN ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Đồng thời, các DN đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi số vốn đầu tư lớn và thời gian thu hồi vốn dài nên rất cần sự đảm bảo ổn định và bền vững của quy hoạch khi quyết định đầu tư, đồng thời khâu giám sát việc thực hiện đầu tư theo quy hoạch cần được quy định chặt chẽ, tránh hiện trạng chồng chéo, gây thiệt hại cho các DN đầu tư nông nghiệp theo quy hoạch.
Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, Chính phủ cần nghiên cứu, tạo cơ chế xây dựng nguồn vốn đầu tư dài hạn cho nông nghiệp. Đặc biệt, việc chuyển đổi từ nền nông nghiệp thâm dụng nguồn lực sang nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi những thay đổi lớn trong cách thức người nông dân học hỏi và tiếp cận các thông tin về kỹ thuật, công nghệ và thị trường, thương mại.
Do vậy, phải làm sao để cho người nông dân được hưởng lợi, thay đổi thu nhập và mạnh dạn chuyển đổi, tham gia mô hình ứng dụng công nghệ cao.
Lê Thúy
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT, Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân Nông nghiệp muốn phát triển cần phải có thông tin thị trường đầy đủ, cập nhật. Đồng thời, chúng ta phải có mạng lưới hạ tầng để bảo quản, chế biến… Rất nhiều việc phải làm nên việc thành lập Hiệp hội nông nghiệp công nghệ cao là một trong những nỗ lực để xúc tiến những việc này. Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Để hiện thực hóa việc ứng dụng công nghệ thông minh, sản xuất gắn thành công với thị trường, cần thúc đẩy hình thành DN có tiềm lực và kỹ năng quản trị tốt. Tuy nhiên, công tác hỗ trợ này cần những bước đi đột phá nhằm cởi trói thực sự cho DN. Ông Nguyễn Hồng Phong - Tổng Giám đốc công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông Chính phủ nên xem xét lại chính sách thuế VAT, chính sách thuế thu nhập DN, thu nhập cá nhân…, bỏ thuế xuất khẩu hàng nông sản, thuế nhập khẩu công nghệ ứng dụng cho nông nghiệp, đánh thuế một lần cho thu nhập vì người góp vốn trong các DN nông nghiệp vừa chịu thuế thu nhập cá nhân vừa chịu thuế thu nhập DN với các khoản doanh thu, lợi nhuận từ nông nghiệp. |