Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân 12 tháng của năm 2021 đạt 77,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (thấp hơn mức 82,66% cùng kỳ của năm 2020), trong đó vốn trong nước đạt 83,66%, vốn nước ngoài đạt 26,77%.
Điệp khúc 'có tiền' mà không dám 'tiêu'
Ước đến hết tháng 12/2021 có 7 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 80%. Song có tới 30/50 bộ và 16/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 65%, trong đó có 20 bộ và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50%.
![]() |
Đầu tư công được đánh giá là giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế trong giai đoạn 2022-2023. |
Trước thực trạng trên, Bộ KH&ĐT đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đánh giá cụ thể việc hoàn thành hay không hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 đã được giao. Làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, những diễn biến mới phát sinh trong tháng 12 và đề xuất, kiến nghị giải pháp cần triển khai trong thời gian tới.
Sở dĩ phải làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm bởi đầu tư công được đánh giá là giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế trong giai đoạn 2022-2023. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, cho biết đầu tư công sẽ là một trong 5 nhóm giải pháp trong gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch. Thúc đẩy đầu tư công vừa có ý nghĩa kép là kích thích chi tiêu vừa có ý nghĩa lâu dài là tạo ra kết cấu hạ tầng hiệu quả cho nền kinh tế.
PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đề xuất tổng gói cứu trợ nền kinh tế cho giai đoạn 2022 - 2023 dự kiến có giá trị khoảng 666.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 8% tổng giá trị GDP nền kinh tế năm 2020. Trong đó, gói đầu tư công chiếm khoảng 288.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2 năm 2022 - 2023.
Ông Tuấn lý giải quy mô gói hỗ trợ về đầu tư công nên nằm trong khoảng thấp hơn mức đầu tư công trung bình hằng năm theo kế hoạch đầu tư công trung hạn (2,87 triệu tỷ đồng trong giai đoạn 5 năm 2021-2025, tức là trung bình đạt 574.000 tỷ đồng/năm) để đảm bảo trong khả năng huy động nguồn lực của nền kinh tế.
Theo lộ trình giải ngân được đề xuất, vốn đầu tư công kế hoạch trung hạn được bổ sung thêm 50% trong 2 năm 2022-2023. Mức tăng này không quá cao so với kế hoạch đầu tư công trung hạn và có thể vẫn đảm bảo khả năng hấp thụ của nền kinh tế.
Như vậy, lộ trình giải ngân có thể chia đều theo năm, đạt 144.000 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2 năm 2022- 2023, với tổng gói hỗ trợ là 288.000 tỷ đồng. Ông Tuấn nhấn mạnh việc tiếp tục cải cách thể chế, giải quyết những điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công là rất cần thiết.
Vai trò, lợi ích là thấy rõ, song Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhìn nhận đầu tư công là giải pháp khó, bởi ngay cả khi kế hoạch đầu tư công có sẵn, chúng ta còn không làm hết thì liệu đưa thêm tiền có làm được hay không?
Ông Phương cho rằng đây là câu hỏi không dễ trả lời, vấn đề này vừa ngắn vừa dài. Hiện, giá cả nguyên vật liệu đầu tư công đang ở mức cao, không phải nhà thầu nào cũng chịu được sức ép này, nhà thầu mạnh, trường vốn thì vượt qua được, lấy công trình sau bù đắp lại thiếu hụt trước mắt, song với nhà thầu nhỏ thì đây là câu chuyện lớn.
"Doanh nghiệp tính toán lỗ lớn quá thì không chịu được, ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng công trình", Thứ trưởng Bộ KH&ĐT chỉ ra thách thức trong ngắn hạn.
Băn khoăn về hiệu quả
Còn về dài hạn thì việc thúc đẩy giải ngân vẫn đang là vấn đề nhức nhối. Chia sẻ với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cho rằng giải ngân đầu tư công là vấn đề mà hai năm nay Chính phủ liên tục phải thúc, Thủ tướng phải ra lệnh con số, chỉ thị, yêu cầu... "Chưa bao giờ tôi thấy chúng ta khó giải ngân đầu tư công đến vậy. Vì đâu? vì chính sách? vì sợ trách nhiệm? hay vì cái gì... Trên diễn đàn Quốc hội, các chuyên gia và người trong cuộc biết cả, nhưng chúng ta chưa tháo được nút thắt, điều này khiến động lực lớn của nền kinh tế không khơi thông, không tạo đà phát triển", bà Lan đặt vấn đề.
Liên quan tới câu chuyện đầu tư công, mới đây, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã đề xuất Quốc hội về chuyển toàn bộ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam thành dự án đầu tư công thay vì trước đây đưa 8 dự án ra làm theo phương thức đối tác công tư (PPP). Nếu Quốc hội thông qua, có thể đại dự án này sẽ góp phần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong giai đoạn tới.
Việc chuyển 12 dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công trong bối cảnh phục hồi kinh tế hiện nay là cần thiết, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng đây chỉ là điều kiện cần, nếu không có giải pháp triển khai dự án tốt, kiểm soát chặt tiến độ thì chưa chắc các dự án đã về đích đúng hẹn.
Hơn nữa, việc chuyển đổi hình thức đổi đầu tư dự án này cũng đặt ra lo ngại về số lượng vốn giải ngân không đi kèm chất lượng, nhất là khi không ít dự án giao thông bằng vốn đầu tư công một là ì ạch, chậm tiến độ; hai là kém chất lượng.
Nêu quan điểm về đề xuất này, chuyên gia Phạm Chi Lan nêu lo ngại nếu phải chuyển làm 8 dự án thành phần của tổng dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ hình thức PPP sang đầu tư bằng vốn Nhà nước là rất đáng tiếc khi trước đó chúng ta đã rất vất vả hoàn thiện lại Luật đối tác công tư PPP để được Quốc hội thông qua.
"Chưa kể, việc triển khai đầu tư theo PPP là phù hợp với xu hướng quốc tế, giảm dần sự lệ thuộc vào đầu tư công. Trong khi, chúng ta lại không thu hút được nhà đầu tư có năng lực, không kêu gọi được họ đầu tư thì quả là đáng tiếc", bà Lan chia sẻ.
Chuyên gia Chi Lan thẳng thắn cho rằng, nguyên nhân không thu hút được nhà đầu tư có thể là do những rủi ro mà các nhà đầu tư tư nhân gặp phải ở các dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Quốc lộ 5B), hầm đường bộ Hải Vân 2, một số dự án do tư nhân làm khác... đã khiến nhiều nhà đầu tư tư nhân "chùn chân, chùn tay" khi bắt tay với Nhà nước làm dự án mới.
"Việc họ gánh những rủi ro không đáng có, rủi ro ngoài hợp đồng đã khiến họ dù có năng lực nhưng muốn chờ thời cơ sau này", bà Lan chia sẻ.
Theo đó, bà Lan nêu quan điểm, áp lực giải ngân đầu tư công năm 2022 rất lớn, lò xo bị nén 2 năm nay nhưng không phải vì thế mà lấy các dự án lớn về tay Nhà nước để giải ngân vốn cho đạt con số.
Trước tình trạng trên, năm 2022, Bộ KH&ĐT cho biết sẽ làm quyết liệt hơn việc đi kiểm tra thực tế các công trình trọng điểm. Đơn cử như dự án đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, tổng mức đầu tư trên 100 nghìn tỷ đồng sẽ phải giải quyết xong khâu mặt bằng trong năm 2022, năm 2023 thi công đồng loại trên cả nước.
Về đầu tư công và các công trình quan trọng của quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ KH&ĐT cần tham mưu cho Chính phủ phân tích, đánh giá kỹ lưỡng thực trạng tình hình, xác định nguyên nhân khách quan và chủ quan; xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và trách nhiệm của người đứng đầu để có những biện pháp quyết liệt trong việc chuẩn bị đầu tư, phân bổ vốn, giải ngân, kế toán và quyết toán vốn đầu tư.
Ông Nguyễn Chí Dũng Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã được đặt ra nhiều lần, thế nhưng các vấn đề vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để và tỷ lệ giải ngân vẫn rất thấp, đặc biệt là năm nay. Nguyên nhân nằm ở khâu thực hiện - đây vẫn là khâu yếu nhất. Bộ KH&ĐT đang rà soát lại vướng mắc trong sửa các Luật sắp tới, tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, các địa phương và các bộ, ngành phải nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định thì mới giải quyết được tận gốc vấn đề.
Ông Hoàng Văn Cường Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Những chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế nước ta trong thời gian tới cần phải làm rõ và giải quyết được các nút thắt trong giải ngân vốn đầu tư công. Làm sao phải giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn, đưa ra những giải pháp đặc biệt về giải ngân vốn đầu tư công, thậm chí đặt hàng đơn vị tư ngân giải ngân vốn đầu tư công làm sao đảm bảo tiến độ giải ngân và hiệu quả đầu tư.
TS. Võ Trí Thành Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế năm 2022- 2023, cơ chế tháo gỡ những ách tắc trong việc giải ngân đầu tư công đóng vai trò then chốt. Các vấn đề liên quan đến giải ngân đầu tư công cần được tháo gỡ gồm chỉ định thầu, phân cấp trung ương, địa phương, phân bổ hợp lý các mô hình đầu tư, giải tỏa ách tắc về nguyên vật liệu, vật tư xây dựng.... Nếu đẩy nhanh được việc giải ngân này có thể thúc đẩy dự án hạ tầng phát triển, giúp phục hồi kinh tế. |
Lê Thúy