Câu chuyện giảm độ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc không phải bây giờ - khi mà dịch cúm do virus Corona hoành hành mới được đề cập bởi trong những năm gần đây, vấn đề này luôn được đưa ra, nhất là khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc xảy ra.
Nguy cơ đứt nguồn cung nguyên phụ liệu
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may cho biết, mặc dù thị trường xuất khẩu của ngành may mặc ít bị ảnh hưởng, nhưng do nhiều nhà máy dệt tại Trung Quốc có thể đóng cửa trong tháng 2, nên đầu vào - khâu cung ứng nguyên liệu sẽ bị ảnh hưởng.
Nhiều doanh nghiệp dệt may đang rơi vào tình cảnh khan hiếm nguyên phụ liệu (Ảnh: Interent) |
Để ứng phó với tình huống xấu nhất, một số doanh nghiệp dệt may, da giày đang tính đến phương án nhập nguyên phụ liệu từ các quốc gia khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Brazil... nhằm bù đắp nguồn nguyên liệu thiếu hụt cho sản xuất.
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Dệt may này cũng thừa nhận, khó khăn hiện nay là việc chuyển đổi nguồn nguyên liệu qua quốc gia khác không hề đơn giản, đặc biệt so sánh lợi thế về đơn giá, phía bạn hàng Trung Quốc luôn thấp hơn so với các nước khác nên sẽ rất khó cạnh tranh.
Cùng tình cảnh trên, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, cho hay các doanh nghiệp da giày đang tìm hướng thay thế nguồn cung nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc nhưng chỉ đáp ứng một phần. Đối với mặt hàng da thuộc, các doanh nghiệp đang tìm kiếm nguồn hàng tại Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh. Tuy nhiên, nguyên liệu giả da, nguyên phụ liệu rõ ràng thị trường Trung Quốc vẫn là lợi thế lớn.
Trong khi đó, bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, nhận định chỉ 1-2 tháng nữa sẽ nhìn thấy rất rõ tác động của dịch bệnh. Với các doanh nghiệp điện tử, lượng nguyên liệu tồn kho trong các doanh nghiệp đã được sản xuất gần hết. Việc tìm kiếm nguồn cung thay thế không dễ do ngành hàng điện tử đã được "set up" theo chuỗi cung ứng toàn cầu.
Doanh nghiệp cần hỗ trợ
Bà Hương kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách khoanh nợ, giãn nợ cũng như đưa ra các gói hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành.
Theo ông Trương Văn Cẩm, hiện nay khoảng 90% DN trong nước có quy mô nhỏ và vừa nên ngoài sự chủ động của DN, nhất thiết phải có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Nhà nước.
Ông Cẩm cho biết, một số khó khăn mà DN đang cần sự tiếp sức như có nguồn vay ưu đãi, các gói hỗ trợ để tiếp cận công nghệ mới, những chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ. Hay việc hỗ trợ đầu ra từ các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia của Chính phủ cần thiết thực, thay vì chỉ dừng lại ở khâu quảng bá, hỗ trợ kết nối, thông tin tổng quan.
Một báo cáo mới đây của Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra, nếu dịch Corona kéo dài tới hết quý II sẽ tác động rất lớn tới hoạt động xuất nhập khẩu nói chung. Riêng thị trường Trung Quốc, xuất khẩu sang thị trường quý II ước đạt 5,6 tỷ USD, giảm 56% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Các mặt hàng nông sản và nông sản chế biến, hàng lâm sản giảm khoảng trên 60%, hàng thủy sản giảm 57%.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Trung Quốc quý II ước đạt kim ngạch 15 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Tư liệu sản xuất đạt 14,8 tỷ USD, giảm 18% (Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùnggiảm 14%; nguyên, nhiên, vật liệu 21%); hàng tiêu dùng đạt 212 triệu USD, giảm 86%.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (nCoV) có tác động toàn diện ở tất cả các mặt từ y tế, giao thông, du lịch, giáo dục, thương mại... Đối với lĩnh vực thương mại, có thể thấy dịch bệnh này tác động ảnh hưởng đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam không chỉ giới hạn trong quan hệ thương mại trực tiếp với Trung Quốc mà cả trên các thị trường thứ ba, ảnh hưởng từ xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại biên giới cho đến thương mại nội địa, sản xuất công nghiệp, quản lý chuỗi cung ứng.
Một số tác động có thể chỉ ra như: kéo dài thời gian giao hàng, thông quan do phải thực hiện các công tác kiểm dịch y tế nghiêm ngặt ở cả hai đầu (xuất và nhập); giao thương qua đường bộ, đường sắt, đường hàng không giữa hai nước bị hạn chế; nhu cầu nhập khẩu phục vụ tiêu dùng và sản xuất của Trung Quốc giảm. Về nhập khẩu vào Việt Nam, một số khó khăn có thể xảy ra khi nguồn hàng từ Trung Quốc giảm, có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu sang các thị trường thứ ba. Về cân đối cung cầu, có thể xảy ra tình trạng thiếu/thừa một số loại hàng hóa nhất định.
Trước khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng cần các kịch bản định lượng, đánh giá thấu đáo tình hình, tư đó chủ động đề xuất phương án, có cơ chế giúp đỡ không chỉ doanh nghiệp mà cả người dân trong dịch bệnh và hậu dịch bệnh.
Lê Thúy