Ông Trần Quang Hiệp, Giám đốc một công ty máy công cụ ở quận Bình Tân (Tp.HCM), chia sẻ hồi trước Tết Nguyên đán, công ty chia cổ tức cho các cổ đông hơi khiêm tốn do có tính toán dồn vốn qua Tết sẽ nhập khẩu (NK) số lượng lớn phụ tùng, máy móc, nguyên phụ liệu Trung Quốc giá rẻ về phân phối tại các tỉnh phía Nam nhằm gia tăng lợi nhuận và phát triển thị phần.
Đình trệ vì dịch bệnh
Thế nhưng, từ khi phía Trung Quốc xảy ra dịch virus Corona, theo ông Hiệp, trong những ngày làm việc đầu năm sau Tết Nguyên đán, khi liên lạc với một số nhà cung cấp ở Trung Quốc thì họ cho biết là nhà máy đang tạm ngưng sản xuất vì công nhân về quê ăn Tết và chưa quay trở lại làm việc vì ngừa dịch bệnh.
Nhiều DN dệt may đang lo thiếu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc |
“Tình hình này có thể sẽ khiến cho công ty thất thu rất lớn. Nhất là hồi trước Tết, một vài đối thủ cạnh tranh của chúng tôi đã tranh thủ nhập hàng giá rẻ từ Trung Quốc và bây giờ thì họ ung dung chiếm lĩnh thị phần”, ông Hiệp phân trần.
Tương tự, qua Tết Nguyên đán, một số công ty dệt may ở Tp.HCM cũng quan ngại khi việc NK nguyên phụ liệu của họ vốn phụ thuộc từ phía Trung Quốc đang gặp trục trặc, chậm thời gian giao hàng do các nhà sản xuất hàng nguyên phụ liệu may mặc ở nước này vẫn đang cho công nhân kéo dài kỳ nghỉ Tết để tránh lây lan dịch virus Corona.
Hoặc như phản ánh của nhiều doanh nghiệp (DN) da giày, việc Trung Quốc đang loay hoay chống dịch bệnh, đình trệ sản xuất nguyên phụ liệu sẽ tác động tiêu cực mang tính dây chuyền đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của họ.
Nhất là khi ngành da giày Việt phần lớn vẫn đang NK nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, trong năm 2019, tổng kim ngạch NK nhóm hàng nguyên phụ liệu từ Trung Quốc lên hơn 2,4 tỷ USD, tăng 11,93% so với năm 2018.
Còn với ngành dệt may, giới phân tích cho rằng Trung Quốc là thị trường cung cấp vải nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam. Và trong bối cảnh dịch virus Corona đang bùng phát ở nước này, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN dệt may Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực do nhiều nhà máy dệt tại Trung Quốc đóng cửa trong tháng 1 và tháng 2/2020.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy NK từ Trung Quốc hiện chiếm gần 30% tổng kim ngạch NK của cả nước, trong đó nguồn nguyên phụ liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất chiếm phần đáng kể. Trong năm 2019, kim ngạch NK từ Trung Quốc đạt tới 75,452 tỷ USD, tăng 10,014 tỷ USD so với năm 2018.
Ngoài ngành dệt may, lĩnh vực hóa chất được cho là đang phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu Trung Quốc. Và với tình trạng dịch bệnh thì lĩnh vực này cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ.
“Cám dỗ” với giá rẻ
Theo báo cáo chuyên sâu gần đây về ngành hóa chất Việt Nam, một trong những điểm yếu lớn nhất của ngành này là khả năng cung ứng nguyên liệu đầu vào còn yếu, nên phần lớn nguyên liệu đầu vào đều phải NK.
Trong nhiều năm liền, hóa chất luôn nằm trong top 10 sản phẩm NK nhiều nhất và thị trường NK chính là Trung Quốc với các loại hóa chất nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), hóa chất công nghiệp, hóa chất ngành dệt nhuộm, xử lý nước thải công nghiệp, công nghệ thực phẩm, nguyên liệu sản xuất sơn và vật liệu phủ, mực in…
Không chỉ với dịch virus Corona ở Trung Quốc vốn đang tác động tiêu cực trong ngắn hạn đến việc cung ứng nguyên phụ liệu cho nhiều ngành sản xuất ở Việt Nam, cần thấy rằng vấn đề phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc như lâu nay sẽ còn mang lại nhiều rủi ro lớn cho các DN trong nước.
Ngay như trong thương chiến Mỹ - Trung khiến cho nguồn nguyên phụ liệu Trung Quốc khi vào Việt Nam ngày càng trở nên rẻ hơn thì rủi ro vẫn luôn chực chờ các DN xuất khẩu sang Mỹ hay những thị trường chủ lực khác trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) với thường trực nỗi lo về quy tắc xuất xứ.
Ông Stephen Olson, cựu chuyên gia đàm phán thương mại Mỹ và giáo sư thỉnh giảng của Đại học RMIT, gần đây có lưu ý là Việt Nam nên tỉnh táo tận hưởng niềm vui với cơ hội đến từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
“Tôi cần cho các bạn biết về quan điểm của Washington cũng như thái độ của Tổng thống Trump với những nước giao thương nhiều với Mỹ. Việt Nam sẽ gặp bất lợi khi thu hút quá nhiều sự chú ý phiền phức và bất lợi từ Washington”, ông Stephen nói.
Để tránh bất lợi, giới chuyên gia quốc tế cho rằng chính thương chiến Mỹ - Trung đã là cơ hội tuyệt vời để các DN Việt tính tới việc giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu Trung Quốc. Tuy nhiên, đến nay, vấn đề này thực tế vẫn chưa được kéo giảm nhiều khi nhiều DN Việt còn bị “cám dỗ” bởi nguồn nguyên phụ liệu giá rẻ của Trung Quốc.
Thực ra, phương án tìm nguồn cung khác ngoài nguồn nguyên phụ liệu Trung Quốc đã được đề cập khá nhiều. Tuy nhiên, cần thấy rõ một thực tế là với góc nhìn của đa phần những nhà sản xuất nhỏ và vừa ở Việt Nam thì có rất ít quốc gia có khả năng sản xuất nguyên phụ liệu với giá rẻ như Trung Quốc mà họ đang cần.
Đây chính là bài toán hóc búa cho việc giảm phụ thuộc nguyên phụ liệu vào Trung Quốc trong thời gian tới khi những rủi ro lớn có thể luôn chực chờ các nhà sản xuất trong nước.
Thế Vinh