Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 4/2022, giá bán lẻ các loại phân bón tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đều có mức tăng 1.000 – 1.900 đồng/kg so với tháng 3/2022. Bộ này dự báo giá phân bón sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhất là với DAP và kali. Với DAP, nguồn cung nội địa chưa ổn định, hàng tồn kho giá rẻ đã hết, trong khi nhập khẩu gặp nhiều khó khăn vì nguồn cung hạn chế trên thị trường thế giới.
Dự báo giá phân bón sẽ tiếp tục tăng
Giá bán lẻ phân bón tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long trong tháng 4/2022
DAP Trung Quốc 1,34 triệu đồng/bao (26.800 đồng/kg), DAP nội địa 1,12 triệu đồng/bao (22.400 đồng/kg), kali 975.000 đồng/bao (19.500 đồng/kg), urea 910.000 đồng/bao (18.200 đồng/kg);
Giá NPK Cò Pháp (20-20-15) ở mức 21.900 đồng/kg, Giá NPK đầu trâu (20-20-15) 21.500 đồng/kg, Giá NPK đầu trâu TE (20-20-15) 22.000 đồng/kg, Giá NPK Việt Nhật (16-16-8) 19.000 đồng/kg;
Theo ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, trong 2 năm trở lại đây, giá phân bón trong nước tăng rất cao, đợt tăng phi mã thứ ba trong 50 năm gần đây. Giá các loại vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất nông nghiệp đồng loạt tăng cao khiến nông dân gặp nhiều khó khăn khi tiến hành sản xuất.
"Tại nhiều vùng, bà con nông dân đang lấy công làm lãi, thậm chí có thể lỗ khi sản lượng hoa màu đạt năng suất thấp. Giá phân bón tăng cao không chỉ khiến lợi nhuận sụt giảm mà người dân còn gặp khó khăn trong việc tái đầu tư cho cây trồng. Tùy theo loại cây trồng, thời vụ, thổ nhưỡng... phân bón chiếm tới 30-50% hoặc hơn chi phí đầu vào trong sản xuất", ông Hà chia sẻ.
Nhận định trong thời gian tới, thị trường phân bón vẫn diễn biến phức tạp, khó lường về giá và nguồn cung, Bộ NN&PTNT vừa đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý để tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho nông dân trong điều kiện giá phân bón tăng cao và khan hiếm như hiện nay.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón Ure, DAP, MAP và phối hợp với các bộ, ngành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với phân Ure, DAP, MAP để đảm bảo nguồn cung trong nước trong tình hình nguồn cung phân bón khan hiếm như hiện nay.
Liên quan tới mặt hàng phân bón, trước đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ quy định thống nhất mức thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong phân bón. Theo đó, phân bón có giá trị tài nguyên và khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm có thuế suất xuất khẩu tăng từ 0% lên 5%. Nhóm phân bón khác giữ nguyên mức thuế hiện hành.
Nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất tăng thuế xuất khẩu phân bón NPK. |
Có nên tăng thuế xuất khẩu với NPK?
Đồng ý việc áp thuế xuất khẩu 5% sẽ góp phần giảm xuất khẩu phân bón, giữ lại nguồn phân bón cho nhu cầu sử dụng trong nước, nhất là trong bối cảnh giá phân bón đang có xu hướng tăng cao, có thể tăng ngân sách từ nguồn phân bón xuất khẩu. Tuy nhiên, lãnh đạo Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng có điểm cần xem xét, cân nhắc.
Theo đó, ông Phùng Hà cho rằng việc áp thuế xuất khẩu 5% không ảnh hưởng đến ure, lân nung chảy vì các loại này thay vì chịu thuế xuất khẩu 5% do với tổng giá trị tài nguyên và chi phí năng lượng lớn hơn 51% nay thay bằng thuế xuất khẩu vẫn ở mức 5%. Tuy nhiên, việc áp thuế xuất khẩu 5% đối với phân bón NPK sẽ ảnh hưởng khá lớn đến các DN sản xuất mặt hàng này do hiện nay trong nước đang dư thừa công suất sản xuất (mới sản xuất được khoảng 30% công suất thiết kế), giảm sức cạnh tranh, giá sẽ tăng từ 30-60 USD/tấn và phải cạnh tranh với phân bón cùng chủng loại từ Trung Quốc, Thái Lan.. tại các thị trường trong khu vực và thế giới.
Ông Phùng Hà nhấn mạnh, một số loại phân bón đã dư thừa nguồn cung như urea, NPK... cần khuyến khích xuất khẩu để đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính xem xét, đánh giá và đề xuất mức thuế xuất khẩu riêng biệt cho từng loại phân bón, áp dụng thuế xuất khẩu cho những loại nào mà trong nước sản xuất cung chưa đủ cầu. Bộ Tài chính cân nhắc đề xuất Chính phủ nên áp dụng linh hoạt, tạm thời thuế xuất khẩu phân bón trong những thời điểm nhất định.
Hiện nay, phân bón NPK của Việt Nam vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu, cụ thể năm 2021 xuất khẩu NPK đạt gần 362.000 tấn, nhập khẩu 435.525 tấn. Hiện có những công ty xuất khẩu phần lớn NPK sang các thị trường trong khu vực như: Công ty Phân bón và Hóa chất Cần Thơ xuất khẩu từ 70.000 - 80.000 tấn/năm, chiếm tới 80% sản lượng của công ty; Công ty phân bón Bình Điền sản xuất và tiêu thụ mỗi năm 300.000 - 400.000 tấn/năm, trong đó xuất khẩu sang thị trường Campuchia, Lào khoảng 100.000 tấn/năm.
Trong một diễn biến liên quan, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp phân bón trong nước cũng rất khả quan. Đơn cử, báo cáo tài chính quý I của Công ty CP phân bón Bình Điền (mã BFC) có doanh thu thuần bán hàng đạt 2.594 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 86 tỷ đồng, tương ứng tăng 47% và tăng 27% so với cùng năm ngoái.
Hay một "ông lớn" khác trong ngành phân bón là Công ty CP phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, mã DCM) cũng đạt doanh thu thuần 4.074 tỷ đồng trong quý I, cao gấp 2 lần cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của đạm Cà Mau ước đạt 1.515 tỷ đồng, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2021 và là mức lãi cao kỷ lục theo quý của doanh nghiệp này.
Trong khi Hiệp hội Phân bón kiến nghị không tăng thuế xuất khẩu đối với phân bón NPK, thì nhiều doanh nghiệp nhập khẩu phân bón trong nước lại bày tỏ mong muốn sớm có giải pháp để kéo giá phân bón xuống bằng các biện pháp cấm hoặc tạm dừng xuất khẩu hoặc đánh thuế xuất khẩu với phân Ure, NPK và DAP, bỏ hoặc tạm dừng thu thuế tự vệ với phân DAP để nhanh chóng làm tăng nguồn cung trong nước.
Về các biện pháp quản lý nhà nước để giảm giá phân bón, ông Vũ Duy Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn Vinacam tin rằng luôn có van điều tiết. Nếu cơ quan quản lý nhà nước chậm can thiệp thì nguy cơ nông dân bỏ ruộng là rất lớn!”.
“Thực tế, để sản xuất được NPK với sản lượng như hiện nay, quá nửa nguồn Ure, DAP, Kali đã được hút vào làm nguyên liệu cho sản xuất NPK. Khi sản lượng NPK tăng thì đồng nghĩa, nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất NPK sẽ tăng, do vậy nhu cầu sử dụng phân cho chăm bón trực tiếp có nguy cơ bị thiếu", ông Hải nêu vấn đề.
Ông Lê Minh Hoan Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Ngành nông nghiệp đã và đang chứng kiến một cơn bão giá vật tư đầu vào từ phân bón, thức ăn chăn nuôi tới thuốc bảo vệ thực vật, nguyên nhân là do phần lớn còn lệ thuộc nhập khẩu đầu vào. Giá trị gia tăng không cao, thu nhập của người nông dân tưởng chừng tăng nhưng không tăng tương xứng với chi phí đầu vào. Điều này cho thấy cần phải quan tâm đến chi phí sản xuất của người nông dân và giá trị gia tăng của chuỗi ngành hàng, bằng cách tiến đến sử dụng một phần nguyên liệu nội địa, nguyên liệu thay thế phù hợp, hiệu quả. Ông Nguyễn Đức An Sơn Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Richfarm Việt Nam Từ khi chiến sự Nga - Ukraine xảy ra, giá phân bón bị đẩy tăng cao từng ngày. Hiện nay hoạt động nhập khẩu phân bón từ Nga bị gián đoạn. Với tình hình giá cả thế giới "leo thang", các nhà máy DAP trong nước nên tập trung cung cấp thị trường trong nước thay vì xuất khẩu phần lớn sản lượng. Đồng thời, cơ quan quản lý trong nước cần nghiên cứu đề xuất bỏ thuế phòng vệ thương mại với mặt hàng DAP, MAP. Ông Nguyễn Hồng Lam Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm Nếu quản lý từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên đồng bộ thì làm sao tăng giá phân bón nhiều đến vậy. Có thể có ai đó lợi dụng làm giá với người nông dân mà chúng ta không biết. Mặt khác, thực tế hiện nay nông dân phần lớn không có nhiều kỹ thuật chăm bón nên dẫn đến bón phân không đúng cách, vừa tốn kém lại nhiều sâu bệnh. Nếu tham bón đạm thì cây mọc lên sẽ yếu, non nên sâu dễ tấn công. Tuy nhiên có thực tế là khi doanh nghiệp đi dạy sản xuất hữu cơ thì người khác lại dạy vô cơ, dùng hóa chất, chất cấm... Một ma trận như thế này khiến nông dân rất khó khăn. |
Nhật Linh