Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 4, tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, giá bán lẻ DAP Trung Quốc ở mức 1,34 triệu đồng/bao (26.800 đồng/kg), DAP nội địa 1,12 triệu đồng/bao (22.400 đồng/kg), kali 975.000 đồng/bao (19.500 đồng/kg), urea 910.000 đồng/bao (18.200 đồng/kg).
Nguồn: Bộ NN&PTNT. |
Giá NPK Cò Pháp (20-20-15) ở mức 21.900 đồng/kg. Giá NPK đầu trâu (20-20-15) 21.500 đồng/kg. Giá NPK đầu trâu TE (20-20-15) 22.000 đồng/kg. Giá NPK Việt Nhật (16-16-8) 19.000 đồng/kg. Giá các loại phân bón đều có mức tăng 1.000 – 1.900 đồng/kg so với tháng 3.
Bộ NN&PTNT dự báo giá phân bón sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhất là với DAP và kali. Với DAP, nguồn cung nội địa chưa ổn định, hàng tồn kho giá rẻ đã hết, trong khi nhập khẩu gặp nhiều khó khăn vì nguồn cung hạn chế trên thị trường thế giới.
Nga có thể sẽ gia hạn việc cấp hạn ngạch xuất khẩu phân bón cho tới cuối năm thay vì tháng 5, tuy nhiên hiện vẫn cấm xuất khẩu phân bón tới các quốc gia không thân thiện. Trung Đông vẫn gặp vấn đề thiếu amoniac, còn Trung Quốc vẫn tiếp tục cắt giảm công suất phân bón, nhiều nhà máy chạy thấp hơn 50%, để đảm bảo vấn đề môi trường và vấn đề nguyên liệu đầu vào tăng cao vượt ngưỡng.
"Như vậy, nguồn cung phân bón thế giới khó tăng lên khi Trung Quốc và Nga đang có dấu hiệu sẽ áp đặt những biện pháp khắt khe hơn để hạn chế xuất khẩu. Nguyên liệu đầu vào của các nhà máy đều tăng mạnh, nhất là lưu huỳnh và amoniac, càng khiến cho các nhà sản xuất không có áp lực phải giảm giá nhiều", Bộ NN&PTNT đánh giá.
Giá phân bón thế giới tăng cao đang tác động không nhỏ tới nguồn cung, giá phân bón trong nước của Việt Nam. Theo số liệu thống kê từ Bộ NN&PTNT, ước tính khối lượng nhập khẩu phân bón các loại trong tháng 4 năm 2022 đạt 390 nghìn tấn, với giá trị nhập khẩu đạt 184,1 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị nhập khẩu phân bón 4 tháng đầu năm 2022 đạt 1,3 triệu tấn và 625,4 triệu USD, giảm 1,2% về khối lượng nhưng tăng 73,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Nguồn phân bón các loại nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm 2022 chủ yếu từ Trung Quốc với tỷ trọng chiếm 32,9%, Nga (15,4%) và Israel (7,5%). So với cùng kỳ năm 2021, giá trị nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc tăng 18,2%, Nga (+192,9%) và Israel (+138,9%).
Trong bối cảnh, xung đột giữa Nga - Ukraine vẫn tiếp tục căng thẳng, việc Nga bị loại khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu của Nga trong đó có phân bón. Trong khi đó, Việt Nam và nhiều nước châu Á đang chuẩn bị vào vụ mùa sản xuất mới đồng nghĩa với nhu cầu sử dụng phân bón tăng.
"Dự báo giá phân bón sẽ ở mức cao do căng thẳng Nga – Ukraine leo thang và phương Tây triển khai các biện pháp trừng phạt, khiến nguồn cung phân bón từ Nga và Belarus bị gián đoạn", Bộ NN&PTNT dự báo.
Mới đây, để đảm bảo nguồn cung, ổn định giá phân bón, Bộ NN&PTNT đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế, nghiên cứu xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón ure, DAP, MAP.
Thy Lê