"Sau giãn cách là vấn đề gì đây? Đây là câu hỏi mà ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đặt ra và cho rằng, cần phải suy nghĩ thấu đáo về việc khôi phục sản xuất. Ông Nam cho biết, có tình trạng nông dân không mặn mà sản xuất nếu sản phẩm làm ra không bán được, việc chuẩn bị nguồn giống cũng cần lên phương án. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến nông, thủy sản ngừng hoạt động vì không đáp ứng được yêu cầu "3 tại chỗ".
Chuỗi sản xuất công, nông nghiệp gặp khó
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, do tình hình dịch bệnh nên nhiều nhà máy chế biến nông, thủy sản ở phía Nam chỉ hoạt động 30-40% công suất. "Vào nhà máy rồi, thấy thương DN khi phải dùng kho, nhà xưởng để lo chỗ ăn, ngủ, nghỉ cho công nhân", ông nói.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất đóng cửa vì không đáp ứng được "3 tại chỗ". |
Hiện nay, phía Nam có tổng số hơn 449 cơ sở chế biến thuỷ sản, trong đó 103 cơ sở đóng cửa (có 21 cơ sở bị nhiễm COVID-19, 82 cơ sở dừng sản xuất do không đáp ứng được "3 tại chỗ"). Đây là bài toán nan giải.
Mặt khác, ông Nam cũng cho biết việc khôi phục sản xuất nông nghiệp sau giãn cách cũng có 2 vấn đề là đảm bảo giống cây trồng, vật nuôi và duy trì sản xuất theo mùa vụ. Sau khi hết dịch thì vấn đề thiếu giống có thể xảy ra bởi một số nơi giống không bán được nên phải nuôi lớn thực phẩm.
"Sắp tới vấn đề giống sẽ giải quyết thế nào, chứ tôi lo lắm bởi như sau dịch Tả lợn châu Phi, giống lợn đã rất đắt, nếu sau dịch bệnh mà chúng ta không có tính toán trước thì việc giá con giống tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nông dân. Mặt khác, nông sản, thực phẩm sản xuất ra không có đầu ra cũng khiến nông dân không còn mặn mà sản xuất", ông Nam nói.
Cung cấp thông tin cho Thứ trưởng Trần Thanh Nam, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết về cơ bản khả năng cung ứng tôm giống, cá tra cho vụ tới đảm bảo. Tuy nhiên, với một số giống cá nước ngọt như cá lóc, cá rô phi... có khả năng thiếu.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết qua trao đổi với các DN sản xuất giống lúa thì nguồn cung cơ bản không có vấn đề gì, nhưng về một số giống rau ngắn ngày có thể khan hiếm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, bày tỏ lo ngại về giống gà. Hiện nay, giá gà trắng, gà lông màu đang giảm sâu có thể khiến việc sản xuất bị ảnh hưởng, nông dân không thể tái đàn nên con giống dư thừa. Nhưng tới đây, khi nhu cầu con giống lên cao thì có thể thiếu.
Trước thông tin trên, Thứ trưởng Nam nói rằng, vài tuần nữa khi dịch được khống chế, nhu cầu tăng lên thì giống có đủ đáp ứng cho sản xuất không. Nguồn cung thiếu, giá tăng thì lợi ích nhóm có thể xảy ra. "Do vậy, các đơn vị chức năng trong Bộ NN&PTNT cần có chương trình rà soát lại con giống, vật nuôi" ông nói thêm.
Với sản xuất công nghiệp thì vấn đề nhân công đang là bài toán đau đầu. Mới đây, các Hiệp hội: Dệt may, Da giày - Túi xách, DN điện tử Việt Nam và Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM đã cùng kiến nghị tới Thủ tướng để phản ánh những khó khăn của việc áp dụng phương thức "3 tại chỗ" theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, cho biết phần lớn DN thuộc 4 Hiệp hội này đều có quy mô sử dụng từ hàng nghìn đến vài chục nghìn lao động. Tổng kim ngạch xuất khẩu của 4 ngành đạt hơn 160 tỷ USD/năm, chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu cả nước, góp phần nuôi sống trên 8 triệu lao động. Bên cạnh đó, cũng có khoảng 12,5 triệu người gián tiếp tham gia vào chuỗi cung ứng phục vụ các ngành trên.
DN ngừng thì phục hồi thế nào?
Bà Xuân lo ngại: "Nếu ngừng sản xuất, DN sẽ mất lao động sau này sẽ rất khó khăn để tuyển dụng trở lại. Nếu tiếp tục sản xuất, DN vừa giữ chân được lao động vừa cùng chung tay lo phúc lợi cho người lao động, giảm bớt áp lực cho Chính phủ và địa phương".
Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), khác với các DN phía Bắc, phần lớn các DN phía Nam có số lượng lao động nhập cư từ các địa phương khác rất lớn, nhưng hiện không đủ điều kiện áp dụng phương châm nêu trên và buộc phải đóng cửa tạm thời. Đến nay, vẫn chưa có lộ trình cụ thể để các DN từng bước hoạt động trở lại.
Điều này một phần vừa gây lãng phí thời gian và chi phí chuẩn bị để tái khởi động các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, vừa khiến DN không thể lên kế hoạch về sản xuất, nhân sự… để phục hồi sản xuất trong bối cảnh hàng nghìn lao động nhập cư đang rời khỏi thành phố và các khu công nghiệp để về quê hiện nay.
Chia sẻ về vấn đề duy trì chuỗi cung ứng, sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra căng thẳng, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đặt vấn đề: Trong ngành nông nghiệp, nếu nhà máy chế biến thủy sản, chế biến gỗ, trái cây phải đóng cửa không chỉ ảnh hưởng tới công nhân làm việc trực tiếp, hoạt động của DN, phát triển kinh tế trong ngắn hạn mà còn ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu hộ nông dân, làm đứt gãy chu kỳ sản xuất, quá trình phục hồi của nền kinh tế.
Do vậy, các địa phương cần phải ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng lao động sản xuất trong chuỗi ngành hàng nông nghiệp. Đồng thời, Bộ NN&PTNT sẽ có văn bản đề xuất Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ các DN đủ điều kiện về kho bãi, có đủ tiềm lực trên thị trường để vào cuộc tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân.
Rõ ràng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các địa phương đặt ra yêu cầu chống dịch lên hàng đầu, chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, dù có như vậy thì những phương án, kế hoạch về làm thế nào để phục hồi sản xuất nông nghiệp, công nghiệp sau đại dịch cũng cần được tính đến. Thực tế, các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng đang bước vào giai đoạn phục hồi, do vậy nếu không nhanh chúng ta sẽ chậm chân để tạo sự đột phá trong quá trình phát triển đất nước sau này.
Nhật Linh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |