"Không biết dịch COVID-19 diễn biến như thế nào và khi nào sẽ được khống chế. Điều đó đồng nghĩa là những khó khăn mà doanh nghiệp chế biến nông thủy sản đang gặp phải cũng rất lớn", đó là những chia sẻ của ông Đỗ Lập Nghiệp, Phó Tổng giám đốc công ty CP Nam Việt.
Không biết cầm cự đến khi nào
Hiện, Nam Việt đang triển khai “3 tại chỗ” nhưng rất khó khăn, do tâm lý cán bộ nhân viên ở lại cũng rất lo lắng, hoang mang về an toàn. "Tinh thần anh em trong thời gian này rất dao động, họ muốn về nhà. Chúng tôi động viên anh em làm việc, nhưng nếu kéo dài mãi thế này thì không chắc đã trụ được”, ông Việt nói và cho biết thêm, DN này mong muốn có thể nhanh chóng được tạo điều kiện để tiêm vắc xin cho công nhân, ổn định sản xuất.
Nhiều DN chế biến nông, thủy sản có nguy cơ đóng cửa vì tác động của đại dịch COVID-19. |
Trong khi đó, đại diện Công ty Cỏ May chia sẻ, may mắn DN vẫn đang trong vùng an toàn nhưng không tránh khỏi nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập bất cứ lúc nào do xe vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu ra vào nhà máy thường xuyên. Từ khi bùng phát COVID-19, Cỏ May gặp nhiều khó khăn. Theo đó, DN kiến nghị các ngân hàng có thể xem xét phương án cho phép dùng hàng hóa trong kho của DN làm tài sản thế chấp, khoanh nợ, giảm lãi suất... Đồng thời, xem xét giảm thuế thu nhập DN, giảm tiền điện.
Mặt khác, DN mong muốn được tạo điều kiện ưu đãi thuế, đất đai, lãi suất hỗ trợ DN xây dựng kho lạnh. Trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh để chứa hàng, bởi vì cá không thể nuôi mãi dưới ao, người chăn nuôi cũng không thể ngừng cho ăn. Vì vậy, kho dự trữ đông lạnh rất quan trọng.
"Công ty Cỏ May có đề nghị hỗ trợ tiền điện, chi phí đầu tư kho. Nhưng nếu DN bị đóng cửa thì lấy hàng đâu để bỏ vào kho", bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vĩnh Hoàn bày tỏ trăn trở của mình. Theo bà, mối nguy năm 2021 khác với 2020, nó không phải như câu chuyện của ngày trước là cá dưới ao quá lứa, cần đầu ra tiêu thụ nữa hoặc nghiên cứu xây kho để bảo quản sản phẩm. Thời gian qua, Vĩnh Hoàn đầu tư 2 kho lớn để phòng thị trường khi bị tắc. Nhưng trước tình hình dịch bệnh, DN nhận được công văn của tỉnh Tiền Giang về việc phải đóng cửa nhà máy.
"Chúng tôi cũng rất thông cảm với lãnh đạo địa phương. Tuy nhiên, tôi mong rằng chính quyền địa phương cần bĩnh tĩnh hơn, xem xét từng trường hợp để có quyết định đúng đắn, không nên làm sụp đổ nền kinh tế của địa phương. Đối với các DN kiểm soát tốt dịch bệnh cần phải được tiếp tục hoạt động.
Về vấn đề vận chuyển, bà Khanh cho rằng việc thông chốt, thông luồng mới chú trọng vào đường bộ, chưa chú trọng đường thủy. Ngành cá liên đới hoạt động thu mua vận chuyển giữa các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Do vậy, cần có sự thông suốt giữa các tỉnh để đảm bảo thu hoạch cá, duy trì chuỗi sản xuất. Đồng thời, lực lượng vận chuyển giao thức ăn, con giống đến nhà máy cũng cần được ưu tiên tiêm chích ngừa vắc xin.
Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH San Hà cho hay, công ty đang mua gà theo giá đã hợp đồng với các trang trại liên kết là 25.000 đồng/kg, còn ở các trang trại ngoài, giá hiện nay 8.000 đồng/kg. Trong khi chi phí đều tăng từ xét nghiệm, vận chuyển… nên công ty San Hà đang bán lỗ để chạy chuồng, mỗi ngày lỗ khoảng 1 tỷ đồng/ngày. "Con số này nói ra trong lòng tôi rất khổ tâm, không biết sức chịu đựng của DN còn có thể cầm cự tới bao giờ. Bởi vậy, DN cũng rất mong được hỗ trợ", bà Hà nói.
Hy vọng sau 'cơn mưa trời lại sáng'
Theo ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch HTX Chăn nuôi công nghệ cao Long Thành Phát (Đồng Nai), đợt dịch lần thứ 4 có lẽ là khốn khổ nhất. Năm 2020, giá gà xuống 8.000 đồng/kg trong mấy ngày sau đó thì lên. Lần này, giá gà xuống sâu 6.000 đồng/kg. Nếu trường hợp xuống 2.000 đồng/kg, thì chắc chắn là không thể xuất chuồng được.
"Chị Hà, - lãnh đạo DN San Hà chia sẻ khó khăn có khóc thì tôi cũng chảy nước mắt theo. Trong lúc này, khó khăn là khó khăn chung. Chúng ta cũng phải động viên nhau, hy vọng sau cơn mưa trời lại sáng", ông Quyết nói.
Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho biết vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh hiện nay chỉ có khoảng 30% các DN thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” và số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30-50% số lượng lao động. Công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây. Dự tính công suất chung của cả vùng giảm chỉ còn 30-40%.
Trong khi đó, nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến-xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài. Các vật tư, phụ liệu, bao bì... phục vụ chế biến thủy sản cũng bị thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%. Trong khi sản xuất bị sụt giảm, nhiều đơn hàng phải gác lại hoặc bị mất, thì các chi phí cho DN đảm bảo được “3 tại chỗ” lại tăng vọt và đang tạo áp lực lớn.
VASEP và các DN thấy rằng, việc thực hiện “3 tại chỗ” chỉ là biện pháp tình thế tạm thời trong thời gian ngắn hạn và chỉ có thể kéo dài từ 2-3 tuần đối với các DN vừa, các DN lớn hơn cũng duy trì tối đa 4-5 tuần. Theo đó, trước mắt VASEP đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thứ tự ưu tiên các thành phần được tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
Cụ thể, cần ưu tiên cho những người lao động (trong sản xuất, lưu thông các mặt hàng thiết yếu; trong các nhà máy, các khu công nghiệp – thực hiện sản xuất cho xuất khẩu nói chung và sản xuất, XK thủy sản nói riêng), trong đó đặc biệt ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng lao động tại các nhà máy đang áp dụng phương thức “3 tại chỗ” tại các địa phương.
Đồng thời, VASEP đề xuất và kiến nghị khẩn với Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo để chính quyền địa phương cùng hành động với các DN và các Hiệp hội DN khẩn trương triển khai các gói hỗ trợ đã có của Chính phủ. Có các chính sách ưu tiên về giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm 30% tiền điện cho đến ít nhất hết năm 2021, đề xuất giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% quỹ lương xuống còn 1% quỹ lương cho các DN – đây là những hỗ trợ quý báu để DN có thêm điểm dựa trong bối cảnh khó khăn hiện nay, để duy trì được “3 tại chỗ” và đặc biệt là có thêm cơ hội, nguồn lực cho việc phục hồi sản xuất-xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, cá nhân ông cũng như Bộ NN&PTNT hoàn toàn chia sẻ với những khó khăn mà các DN chế biến nông, lâm thủy sản đang gặp phải hiện nay. Bộ NN&PTNT sẽ luôn đồng hành cùng DN tháo gỡ khó khăn.
"Những kiến nghị của DN, chúng tôi sẽ ghi nhận, tập hợp lại để kiến nghị, đề xuất với Chính phủ. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng đã làm việc với các ngân hàng để tìm cơ chế phù hợp hỗ trợ cho DN, chúng tôi sẽ luôn đồng hành với DN", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định.
Ông Phùng Đức Tiến Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bộ NN&PTNT đã có văn bản chỉ đạo các DN thủy sản, chế biến nông sản, chăn nuôi thực hiện phòng chống dịch nghiêm ngặt. Sản xuất "3 tại chỗ" nhưng phải đảm bảo kiểm soát, đảm bảo 5K, thường xuyên xét nghiệm thì mới đảm bảo an toàn. Nếu DN làm được "3 tại chỗ" mà đảm bảo an toàn thì theo tôi, nên khuyến khích làm vì đơn hàng sẽ không bị đứt gãy, không bị mất thị trường vào tay đối thủ cạnh tranh, bởi khi phục hồi sản xuất, việc lấy lại thị trường rất khó khăn. Ông Nhữ Văn Cẩn Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thuỷ sản) Nuôi trồng và khai thác thủy sản của các tỉnh Nam bộ vẫn đáp ứng đủ nguồn cung cho tiêu dùng và xuất khẩu. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất đang phụ thuộc vào khâu chế biến và tiêu thụ. Qua khảo sát thực tế, các DN chế biến đang nỗ lực duy trì sản xuất để đảm bảo cung ứng sản phẩm cho tiêu thụ nội địa và cả các đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn về thu hoạch, vận chuyển, duy trì hoạt động chế biến trong điều kiện phòng chống dịch nghiêm ngặt. Ông Nguyễn Thanh Sơn Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam Giá gia cầm giảm không phải quan hệ cung cầu - mà ách tắc ở khâu lưu thông, vận chuyển. Nhiều DN gia cầm, kể cả DN chế biến giết mổ, DN sản xuất con giống gặp nhiều khó khăn. Với đà này, nhiều khả năng DN sẽ phải phá sản. Do vậy, chúng tôi đề nghị cần phải có chính sách ưu tiên tiêm vắc xin cho nhân viên cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sản xuất thức ăn, thuốc thú y, đặc biệt là lái xe. Cũng như, Bộ NN&PTNT có đề xuất với Chính phủ về chính sách hỗ trợ DN gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19. |
Lê Thúy
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |