Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường đầu ra của ngành nông nghiệp gặp không ít khó khăn vì dịch COVID-19, việc đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chế biến sau thu hoạch là rất cần thiết, nhất là tận dụng các phụ phẩm để làm ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao lại càng hữu ích.
Thị trường khổng lồ
Việt Nam chỉ có khoảng 20 - 30% nông sản thông qua chế biến để xuất khẩu, trong khi tại Đài Loan (Trung Quốc) con số này là 80%. Đây là so sánh mà Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nêu ra khi nhấn mạnh hướng đi của ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới. Đó là làm sao đẩy mạnh khâu chế biến, tạo ra giá trị gia tăng, giải bài toán cung vượt cầu, giảm áp lực cho nông dân thường rơi vào cảnh "được mùa rớt giá".
Hiện nay, chỉ mới 55-65% giá trị sản phẩm của con tôm được sử dụng, 35-45% còn lại thường bị bỏ đi. |
Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), tổng sản lượng thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 7 triệu tấn/năm. Trong đó, phụ phẩm chiếm khoảng 15 - 20% (khoảng hơn 1 triệu tấn). Đây là nguồn nguyên liệu quý để sử dụng và chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đối với cá tra, việc tận dụng, chế biến tất cả các phụ phẩm, đặc biệt liên quan đến collagen từ da cá mang lại giá trị rất lớn. Mỗi năm, chúng ta sản xuất từ 1,5 - 1,7 triệu tấn cá tra và trong chế biến này khoảng 65 - 70% là phụ phẩm bao gồm đầu, xương, nội tạng, da cá.
Riêng với collagen, trên thế giới, mỗi năm nhu cầu từ 900 - 950 nghìn tấn collagen, tương ứng với 7,5 - 8 tỷ USD. Nếu chúng ta làm tốt khâu này thì sẽ đem lại giá trị gia tăng cho con cá tra.
Liên quan đến bột cá phục vụ cho việc sản xuất thức ăn chăn nuôi, Trung Quốc là quốc gia có nhu cầu nhập khẩu bột cá rất lớn, ngoài bột cá từ cá biển thì còn có bột cá từ cá tra, cá basa. Theo dự báo, thị trường Trung Quốc mỗi năm có nhu cầu khoảng 300 nghìn tấn. Nếu chúng ta chế biến tốt, tận dụng tốt phụ phẩm từ cá tra, sẽ giúp gia tăng giá trị cho con cá tra của Việt Nam.
Ở góc nhìn của doanh nghiệp, ông Phan Thanh Lộc, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Nam Food, cho biết nhiều quốc gia phát triển đã sớm nhận ra tiềm năng ngành phụ phẩm thủy sản và xây dựng thành công các sản phẩm có giá trị gia tăng cao với nhiều ứng dụng khác nhau.
"Việt Nam định hướng xuất khẩu tôm đạt kim ngạch 10 tỷ USD vào năm 2025, ước sản lượng đạt trên 1,1 triệu tấn. Hiện nay, chỉ mới 55-65% giá trị của con tôm được sử dụng, 35-45% còn lại thường bị bỏ đi, chỉ có một phần nhỏ được xử lý bằng phương pháp truyền thống giá trị thấp, ô nhiễm môi trường. Nếu 400.000 - 500.000 tấn phụ phẩm tôm được chế biến sâu thì giá trị không thua sản phẩm chính", ông Lộc cho biết.
'Bệ đỡ' từ Nhà nước
Tiềm năng là vậy nhưng vì sao việc khai thác phân khúc béo bở này còn gặp nhiều khó khăn? Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Lê Thanh Hòa nhìn nhận, về chế biến bột cá thì đơn giản, nhưng đối với collagen thì nó đòi hỏi công nghệ, quy trình mang tính chất cao hơn. Theo đó, cần phải có đề xuất từ chính các doanh nghiệp qua đầu mối là Sở Khoa học và Công nghệ ở các địa phương. Bản thân doanh nghiệp có thể kết nối trực tiếp với Bộ Khoa học và Công nghệ, triển khai các hoạt động này.
"Cùng với sự hỗ trợ này, cần phải có sự đầu tư từ chính các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có đủ tiềm lực thì có thể nhập khẩu công nghệ, hay phát triển các công nghệ riêng của mình. Có như vậy mới có thể khai thác hết được giá trị của phụ phẩm thủy sản, gia tăng giá trị cho toàn ngành", ông Hòa nhấn mạnh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ N&PTNT Lê Minh Hoan nhắc tới "lời nguyền" bán nông sản thô, đó là chúng ta vẫn bán sản phẩm bằng giá chứ chưa phải bán sản phẩm bằng giá trị, trong khi thế giới họ bán sản phẩm với giá trị chứ không bán bằng giá.
Ông Hoan cho biết, thực ra kinh tế tuần hoàn là câu chuyện đã được bà con làm từ xa xưa như thu hoạch lúa xong lấy rơm trồng nấm - đó là tuần hoàn sơ khai nhất được hiểu nôm na là lấy phụ phẩm của ngành này để sản xuất ra sản phẩm của ngành khác. Tuần hoàn là không có gì phế thải, sản phẩm đầu ra của ngành hàng này là sản phẩm nguyên liệu cho ngành hàng khác. Hay nói cách khác trong kinh tế tuần hoàn không có chính phẩm, hay phụ phẩm mà đều là chính phẩm nếu chúng ta biết đưa công nghệ vào.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Còn nhiều dư địa để phát triển kinh tế tuần hoàn trong ngành nông nghiệp nếu chúng ta chịu suy nghĩ. Chúng ta đừng suy nghĩ rằng bán sản phẩm thô cho nhanh mà không cần quan tâm phụ phẩm của nó sẽ còn làm được những gì. Ở thế giới, người ta liên tục đặt câu hỏi: "Tôi tạo ra sản phẩm này rồi, nhưng liệu có thể tạo ra sản phẩm khác có giá trị cao hơn không và luôn tìm giải pháp công nghệ để giải quyết câu chuyện này".
Tuy vậy, Bộ trưởng NN&PTNT cũng chia sẻ, câu chuyện này nói thì dễ nhưng để bắt đầu từ đâu thì rất khó. "Lâu nay, chúng ta vẫn quá quen thuộc với chuyện "tôi bán được sản phẩm rồi đừng xúi tôi làm gì theo hướng đi khác. Chúng ta dễ chấp nhận, bằng lòng với cái mình đang có. Trong khi đó, người ta hướng về cái chưa có", Bộ trưởng Hoan nói.
Đặc biệt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, chúng ta muốn làm kinh tế tuần hoàn cần bắt đầu bằng việc đẩy mạnh nghiên cứu tại các viện, trường, từ đó tạo ra các sản phẩm sau thu hoạch. Khởi nghiệp nông nghiệp cũng cần quay lại tìm giá trị ở các phế phẩm bỏ đi. Điều này nằm ở câu chuyện chính sách.
"Sản phẩm mới có thể tốt, nhưng để có thị trường cạnh tranh và có chỗ đứng ở quầy kệ trên kênh phân phối thì cần có "bệ đỡ" của Nhà nước. Từ đó, giúp doanh nghiệp, nông dân tự tin phát triển bên cạnh dòng sản phẩm cũ", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Lê Thúy